dd/mm/yyyy

Khó khăn chồng chất, cá vẫn “vượt vũ môn”

Chưa bao giờ những khó khăn lại chồng chất, “vùi dập” nông dân Việt Nam nhiều như năm qua. Hạn hán, xâm nhập mặn khiến sản xuất ngừng trệ, thị trường tiêu thụ hạn chế khiến nhiều nông sản rơi vào cảnh ế ẩm… Người chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trong nước lao đao vì các thông tin liên quan tới lạm dụng kháng sinh, chất cấm; ngư dân phải “nằm bờ” xa biển hàng tháng trời vì sự cố ô nhiễm môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung...

Thế nhưng, vẫn như hàng nghìn năm qua, cái khó, cái khổ vẫn không đánh bật được nông dân Việt Nam. Trong cái khó, nhiều người vẫn biết áp dụng khoa học kỹ thuật, đầu tư công nghệ cao để tạo ra sản phẩm có chất lượng, làm giàu cho mình, cho xã hội.

Bà Mai Thị Nhung (xã Xuân Kiên, huyện Xuân Trường, Nam Định), dù bị mất một cánh tay do tại nạn lao động nhưng vẫn cùng chồng đảm đương công việc tại một công ty cơ khí và đầu tư vào nông nghiệp với hàng chục ha lúa chất lượng cao

Đại hạn, đại nạn…

Chưa bao giờ trong hàng thập kỷ qua nông dân các tỉnh Nam trung bộ và ĐBSCL phải “chịu trận” với cơn thịnh nộ khủng khiếp của thiên nhiên như năm 2015. Hạn hán và xâm nhập mặn nửa đầu năm nay (2016) cũng được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong hơn 100 năm qua. Những cánh đồng xơ xác, nứt nẻ, những đàn gia súc gầy còm, hốc hác đi tìm nguồn nước dưới cái nắng như thiêu như đốt, hàng trăm nghìn hộ gia đình thiếu nước sinh hoạt… Có đến 21 tỉnh, thành bị ảnh hưởng, 15 tỉnh phải công bố thiên tai, thiệt hại ước gần 7.000 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Ngổ (ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) cho biết, hơn nửa đời trồng lúa, gắn bó với ruộng đồng, ông Ngổ chưa bao giờ thấy cảnh đại hạn tấn công nhà nông như năm nay. Làng trên xóm dưới đều xôn xao chuyện thiếu nước, lúa chết. Hơn 2,2ha đất canh tác nhà ông Ngổ cũng không ngoại lệ.

Không chỉ sản xuất lúa, các vùng trồng trái cây, hoa kiểng hay nông dân nuôi trồng thủy sản, đánh bắt hải sản… cũng vừa trải qua những tháng ngày khó khăn khi hạn hán, xâm nhập mặn ảnh hưởng nghiêm trọng tới hoạt động nuôi, trồng. Không những thế, sự cố ô nhiễm môi trường biển tại các tỉnh miền Trung do Formosa gây ra khiến cá chết hàng loạt, người tiêu dùng tẩy chay hải sản, hàng nghìn ngư dân phải nằm bờ vì sản phẩm đánh bắt được không nơi tiêu thụ…

Ấy thế nhưng, những khó khăn không “vùi dập” được tinh thần vượt khó vươn lên của nông dân Việt Nam. Ông Ngổ chia sẻ, ngay từ cuối năm trước, khi biết thông tin hạn hán, xâm nhập mặn sẽ cực kỳ nghiêm trọng, ông cùng nhiều bà con trong vùng bắt tay thực hiện các biện pháp trữ nước ngọt, tiết kiệm từng giọt nước cho sản xuất, sinh hoạt. Hơn nữa, ông Ngổ cũng linh hoạt chuyển đổi giữa trồng lúa giống và lúa hàng hóa những lúc thị trường lúa gạo gặp khó khăn. Nhờ đó, vụ vừa qua, ông Ngổ thực hiện cung cấp được hơn 40 tấn lúa giống chất lượng cao, đảm bảo thu nhập cho gia đình.

Vượt qua những gian nan, chị Trịnh Thị Mý, xã Phù Lương (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) đã xây dựng thành công Trang trại lợn cho doanh hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Hay như tại An Giang, ngay trong lúc hạn hán đỉnh điểm thì khu vườn trồng rau rộng hơn 8.000m2 của anh Nguyễn Đức Phương (ấp Thạnh Nhơn, xã Bình Thạnh, Châu Thành) vẫn xanh tốt.

Anh Phương cho biết, gia đình chủ yếu trồng các loại rau ngắn ngày như cải bắp, cải dún, ớt, ngò rí... Đây là những loại cây trồng cần tưới nước thường xuyên nhưng khi tưới phải cẩn thận để không làm cho cây hư hỏng. Trước đây, khi tới kỳ tưới nước cho rẫy, anh Phương dùng máy đuôi tôm gắn bơm 2 vòi để tưới. Chi phí tiền xăng chạy máy và trả nhân công tổng cộng hơn 300.000 đồng/ngày nhưng lượng nước hao phí cũng rất lớn.

Do đó, khi mô hình tưới nhỏ giọt được giới thiệu tại địa phương, anh Phương liền đánh liều đầu tư cho cả trang trại của gia đình. Nhờ đó, chi phí tưới giảm xuống chỉ còn chưa tới 100.000 đồng/ngày, lại tiết kiệm nước, ứng phó được với tình trạng khô hạn khốc liệt thời điểm đó. Mô hình này cũng được nhiều nông dân áp dụng hiệu quả cho vườn xoài, cam, quýt đường…

Giấc mơ vượt biển lớn

Dù những khó khăn chồng chất, khó kể hết bằng lời, nhưng những giấc mơ vượt biển lớn, trở thành nông dân hiện đại của nhiều nông dân thời gian qua cũng không ít. Không ngại “cắp sách đến trường” ở tuổi ngoại tứ tuần, nhanh chóng áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi tư duy làm nông nghiệp… là những “mái chèo” giúp nông dân vượt sóng vươn khơi xa.

Nếu như những năm trước đây, nạn phân bón, thuốc trừ sâu giả, kém chất lượng là “nỗi ám ảnh” của nhiều bà con nông dân vùng ĐBSCL, trong đó, có ông Trần Văn Ngỗ, thì nay, mọi chuyện đã thay đổi. Ông Ngổ cho biết, nhờ tham gia lớp học hơn 30 tiết về nhận biết phân bón giả, thuốc trừ sâu kém chất lượng và các kỹ thuật cơ bản khác trong sản xuất đã giúp ông phân biệt được chất lượng của sản phẩm.

Theo ông Ngổ, trước đây, nhiều doanh nghiệp “dỏm” thường đến quảng cáo, tiếp thị sản phẩm giả, kém chất lượng với nhiều mức ưu đãi hấp dẫn khiến nông dân xiêu lòng, hoặc như, các đại lý vì ham lợi nhuận đã câu kết bán sản phẩm không đảm bảo chất lượng cho nông dân. Nhưng hiện nay, tình trạng này đã giảm đi rõ rệt.

“Lớp học cũng mắc tiền lắm chớ không phải cho không, gần 3 triệu đồng tiền học phí. Mình bán lúa đóng tiền đi học là để đầu tư cho những mùa vụ sau không còn cảnh dở khóc dở cười vì phân bón giả. Đi học còn được giao lưu với anh em nông dân sản xuất giỏi trong tỉnh nữa”, ông Ngổ hào hứng chia sẻ.

Những khó khăn chồng chất thời gian qua đã tạo cơ hội thay đổi cho ngành nông nghiệp cũng như nhiều nông dân Việt Nam. Trong hoàn cảnh hiện nay thì việc chuyển đổi cơ cấu sản xuất đang đặt ra hết sức cấp bách…

GS.TS Võ Tòng Xuân.

Hay như chuyện của chị Chung Thị Lân ở thôn 8, xã Quảng Khê, huyện Đăk Glong, tỉnh Đăk Nông. Từ hai bàn tay trắng, nhờ mạnh dạn thay đổi cách trồng dâu nuôi tằm truyền thống, chị đã xây dựng được cơ ngơi vững chãi, lại còn có thêm trang trại cây ăn trái đáng mơ ước giữa núi rừng Tây Nguyên.

Lúc bán nhà chuyển về huyện miền núi Đắk G’Long (tỉnh Đắk Nông) vì đam mê nông nghiệp, chị Lân liên tục thất bại với các mô hình trồng chanh dây, trồng mít, thậm chí là cà phê. Không bỏ cuộc, chị chuyển sang nuôi tằm, mạnh dạn thay đổi giống dâu truyền thống để trồng giống dâu lai cho lá to hơn, năng suất cao hơn… Ngoài ra, chị Lân còn thay né tằm tre quen thuộc thành né gỗ, đồng thời, thả nuôi tằm trên sàn xi măng thay vì suốt chu kỳ chỉ nuôi trong nong, nia dễ gây bệnh.

Chị Chung Thị Lân làm giàu với mô hình nuôi tằm kiểu mới

Hiện tại, với 5 công đất trồng dâu, chị Lân quay vòng 3 lứa tằm/tháng, thu về hơn 20 triệu đồng tiền kén. Ngoài ra, cùng với 1ha vườn ổi, 3ha cà phê, tiêu và sầu riêng, vợ chồng chị Lân đủ tiền nuôi 3 con học đại học và theo đuổi những giấc mơ vươn ra thế giới.

GS.TS Võ Tòng Xuân – người có nhiều năm gắn bó với ngành nông nghiệp, nhận định, thời gian tới, tăng trưởng trong nông nghiệp sẽ chủ yếu dựa vào việc ứng dụng khoa học công nghệ, các tiến bộ kỹ thuật; hội nhập quốc tế đã gõ cửa từng nhà. Do đó, chỉ những nông dân dám nghĩ dám làm, dám theo đuổi ước mơ trở thành nông dân hiện đại mới có thể “sống khỏe với nghề”, làm giàu cho gia đình và xã hội.

Khải Huyền