dd/mm/yyyy

Khi nông dân được tiếp cận đồng vốn “Tam nông”

Sau khi được tiếp cận vốn vay theo Nghị định 55 để phát triển kinh tế, anh Trịnh Thế Anh, bản Ngã Ba (xã Mường Cơi, huyện Phù Yên, Sơn La) đã có thu nhập cao, tạo việc làm cho nhiều lao động.

Trước khi đến thăm gia đình anh Trịnh Thế Anh, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với lãnh đạo Agribank Phù Yên. Trong câu chuyện về hiệu quả đồng vốn phục vụ “Tam nông” ở một huyện nghèo, ông Trần Văn Khánh, Giám đốc Agribank Phù Yên, thông tin: Trong những năm qua, thực hiện chính sách phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân, Agribank Phù Yên đã triển khai hiệu quả các giải pháp để đưa vốn tín dụng về với người dân. Qua đó, góp phần thúc đẩy nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện phát triển hiệu quả.

 Những buổi giao dịch như này, Agribank Phù Yên đã tạo điều kiện cho nhiều hộ nông dân được vay vốn.

 Đến nay, tổng dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn của Agribank Phù Yên trên 1.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay nông nghiệp nông thôn chiếm 100%. Riêng vay vốn nông nghiệp nông thôn thuộc Hội Nông dân quản lý là 10 tổ với dự nợ trên 14 tỷ đồng. Việc cho vay qua tổ có thuận lợi là mở rộng được địa bàn cho vay và số người dân được tiếp cận vốn. Bởi huyện là địa bàn đi lại khó khăn. Qua đó, đơn vị đã quy tụ được tất cả các hộ có nhu cầu vay vốn ở các xã, bản vùng sâu, vùng xa, góp phần xây dựng các mô hình kinh doanh trong nông nghiệp nông thôn - Ông Trần Văn Khánh chia sẻ thêm.

 Từ vốn vay theo Nghị định 55, Agribank Phù Yên đã giúp nhiều hộ kinh doanh, sản xuất ổn định.
 

Đến với bản Ngã Ba, xã Mường Cơi, thăm mô hình kinh doanh của gia đình anh Trịnh Thế Anh càng thấy rõ hơn hiệu quả của những đồng vốn tín dụng Agribank Phù Yên đã triển khai trong thơi gian vừa qua. Cũng như nhiều hộ nông dân trước đây, gia đình anh gặp rất nhiều khó khăn trong việc vay vốn phát triển sản xuất. Nhiều khi cần vốn để phục vụ kinh doanh hàng nông sản lại phải vay ngoài với lãi suất cao, nên ảnh hưởng lớn tới quá trình kinh doanh. Thậm chí, có những thời điểm không vay được vốn đành phải bỏ lỡ mất cơ hội kinh doanh.

Có vốn, anh Trịnh Thế Anh đã mở cơ sở chuyên thu mua, chế biến hơn 7.000 tấn nông sản các loại/năm cho bà con trong vùng. 

 Anh Trịnh Thế Anh, tâm sự: Cũng bởi chuyên nghề thu mua, kinh doanh hàng nông sản nên việc vay vốn không thể ngày một ngày hai trả luôn được. Do vậy, thời gian vay dài đồng nghĩa với việc phải trả lãi cao. Cũng bởi lý do đó, nên gia đình gặp rất nhiều khó khăn trong việc tìm vốn để phát triển kinh doanh. Nếu không có nguồn vốn tín dụng như vậy thì khó có thể được như ngày hôm nay.

Trong câu chuyện với anh Trịnh Thế Anh, được biết: Từ khi thông qua Hội Nông dân huyện được tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank Phù Yên, ngoài việc ổn định được cuộc sống, không phải vay ngoài với lãi suất cao thì việc mở rộng kinh doanh cũng thuận tiện hơn nhiều, không còn trong tình trạng lo lắng bởi lãi suất cao như trước đây nữa. Không chỉ dừng ở đó, với những đồng vốn sinh lời, đặc biệt là Chính phủ tiếp tục có những chính sách ưu đãi khi giao cho hệ thống Agribank trong cả nước tiếp tục đẩy mạnh việc cho vay theo Nghị định 55, nên gia đình càng thuận lợi hơn trong việc vay vốn mở rộng sản xuất…

Gia đình anh Trịnh Thế Anh còn nuôi 22 con hươu lấy nhung và bán giống.

 

Những lời tâm sự của anh Trịnh Thế Anh không phải là duy nhất khi chúng tôi về thăm các cơ sở của Phù Yên. Bởi đây cũng là suy nghĩ của hàng ngàn hộ nông dân khác trong toàn huyện khi được tiếp cận nguồn vốn vay phục vụ “Tam nông”. Ngay như gia đình anh Trịnh Thế Anh, sau khi được tiếp cận nguồn vốn vay của Agribank Phù Yên từ năm 2012, từ chỗ chỉ được vay với định mức 200 triệu đồng/năm, thì mấy năm nay gia đình anh đã được vay 2,5 tỷ đồng/năm để phục vụ việc kinh doanh.

Được tiếp cận vốn vay “Tam nông”, gia đình anh Trịnh Thế Anh đã gây dựng được một cơ sở chuyên thu mua, chế biến trên 7.000 tấn nông sản các loại cho bà con nông dân trong vùng. Cùng với đó, anh còn phát triển được mô hình nuôi trên 100 con lợn nái, lợn thịt, mỗi năm xuất bán gần 7 tấn lợn thịt; phát triển thêm mô hình nuôi trên 200 con Dúi, 22 con Hươu lấy nhung và bán giống, thu lãi gần 400 triệu đồng/năm. Hàng năm anh còn tạo việc làm cho 8 lao động là người địa phương với mức lương 4,5 triệu đồng/tháng…

Cùng với nuôi Hươu, anh Trịnh Thế Anh còn nuôi trên 200 con Dúi giống.

Giờ đây, đến với vùng nông thôn của huyện Phù Yên, cảm nhận rõ nhất là sự đổi thay nhanh chóng cả về diện mạo vùng nông thôn cũng như chất lượng cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây. Theo đó, cùng với kết cấu hạ tầng và các công trình dân sinh được đầu tư thì những mô hình với những người nông dân sản xuất kinh doanh giỏi có thu nhập từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm xuất hiện ngày càng nhiều tại các xã, bản vùng sâu, vùng xa… Trong sự phát triển với những kết quả nổi bật trên, có sự đóng góp không nhỏ của Agribank huyện Phù Yên khi có nhiều giải pháp hữu hiệu đưa những đồng vốn phục vụ “Tam nông” đến với người nông dân… 

Quốc Tuấn