dd/mm/yyyy

Khi hộ nghèo được trao “cần câu”

Với phương châm “không để người nghèo bị bỏ lại phía sau”, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai đã hỗ trợ 17.560 con gà Dabaco (21 ngày tuổi) cho 288 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại các xã: Dương Quỳ, Liêm Phú, Tân Thượng, Nậm Dạng.

Thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2019, trên địa bàn huyện Văn Bàn, 17.569 con gà Dabaco (21 ngày tuổi) đã được trao tận tay đến 288 hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo tại các xã Dương Quỳ, Liêm Phú, Tân Thượng, Nậm Dạng với tổng kinh phí thực hiện trên 700 triệu đồng.

Văn Bàn: Trao “cần câu cơm” cho người nghèo - Ảnh 1.

Chị Vương Thị Giang, thôn Ỏ, xã Liêm Phú đã có việc làm với thu nhập ổn định từ đàn gà Dabaco được Nhà nước hỗ trợ.

Theo đó, tại xã Dương Quỳ gồm có các thôn: Tùn Dưới, Nà Hạch, Tông Hốc với tổng kinh phí thực hiện là 200 triệu đồng; xã Liêm Phú gồm các thôn: Ỏ, Liêm, Khổi Mèo, Khổi Ai với tổng kinh phí thực hiện 200 triệu đồng; xã Tân Thượng gồm các thôn: Khe Thùng 1, Khe Thùng 2, Bản Mai với tổng kinh phí 148,240 triệu đồng; xã Nậm Dạng gồm các thôn: Thượng, Hạ, Nậm Đinh, Nậm Cằm, Nậm Lạn, Nậm Kẹn.

Văn Bàn: Trao “cần câu cơm” cho người nghèo - Ảnh 2.

Ông Hoàng Văn Dương, thôn Nà Hạch (xã Dương Quỳ, huyện Văn Bàn), chia sẻ: Đàn gà Dabaco được Nhà nước hỗ trợ phát triển rất tốt. Ngoài việc hỗ trợ gà, Nhà nước còn hỗ trợ thêm 4 bao cám Dabaco cho người dân nghèo chúng tôi.

Trao đổi với phóng viên TRANGTRAIVIET.VN, ông Nông Đình Tá – Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ Nông lâm nghiệp – Dịch vụ Quang Vinh, đơn vị cung ứng giống, cho biết: Đối tượng nhận hỗ trợ giống gà chủ yếu là đồng bào người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. Do vậy, để đảm bảo đưa chất lượng con giống tốt nhất đến tận tay các hộ dân, trước khi cung ứng giống gà Dabaco (21 ngày tuổi) này, HTX đã tiến hành tiêm vắc xin phòng các loại bệnh, như: Marek, Newcastle, viên phế quản truyền nhiễm, Gumboro, đậu, cúm.

Gà sau khi cấp phát cho các hộ dân, sau 3,5 tháng nuôi đến tuổi bán, nếu người dân có nhu cầu liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra. HTX Dịch vụ NLN – XD Quang Vinh sẽ hợp đồng bao tiêu đầu ra cho bà con nông dân.

Văn Bàn: Trao “cần câu cơm” cho người nghèo - Ảnh 3.

Do được tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin nên đàn gà Dabaco phát triển rất tốt.

Tìm đến xã Liêm Phú, tâm sự với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hơn – Chủ tịch UBND xã bảo: Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn coi chương trình xóa đói – giảm nghèo là mục tiêu chiến lược lâu dài để tạo động lực phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Trước khi triển khai dự án phát triển chăn nuôi gia cầm, xã đã tổ chức họp lấy ý kiến về nội dung dự án, đưa ra bình xét các hộ nghèo và chọn được 40 hộ nghèo ở thôn Ỏ, Liêm, Khổi Mèo, Khổi Ai có ý chí vươn lên thoát nghèo được thụ hưởng dự án.

Khi dự án được UBND huyện Văn Bàn phê duyệt, tháng 9/2019, UBND xã Liêm Phú đã lựa chọn đơn vị cung ứng giống uy tín trên địa bàn huyện. Qua tìm hiểu HTX Dịch vụ Nông lâm nghiệp – Xây dựng Quang Vinh ở thôn An (xã Làng giàng, huyện Văn Bàn) là đơn vị đóng trên địa bàn, có uy tín trong lĩnh vực cung cấp con giống – HTX có Liên kết bao tiêu con giống với Tập đoàn DABACO nên UBND xã đã lựa chọn để cung ứng giống gà cho các hộ dân. Sau khi hỗ trợ được 1 tháng, xã đã trực tiếp xuống từng hộ dân kiểm tra, giống gà Dabaco phát triển rất tốt. Hy hữu, có hộ chết từ 2 – 3 con.

Văn Bàn: Trao “cần câu cơm” cho người nghèo - Ảnh 4.

Đàn gà Dabaco 1 ngày tuổi sau khi nhập về được HTX Dịch vụ NLN-XD Quang Vinh úm bằng đèn hồng ngoại.

Có mặt tại nhà anh Nguyễn Văn Phóng, thôn Ỏ, xã Liêm Phú. Theo tìm hiểu, gia đình anh Phóng là hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, vợ anh bị bệnh u tuyến giáp và bệnh thoái hóa đốt sống nên tháng nào anh cũng phải đưa vợ vào viện khám, lấy thuốc.

Vợ bị bệnh từ lâu không lao động sản xuất được, một mình anh Phóng làm việc cật lực "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời" để nuôi vợ và 2 đứa con thơ. Làm được đồng nào anh đem mua thuốc chữa bệnh cho vợ nên cuộc sống nghèo vẫn hoàn nghèo. Để tạo cơ hội cho gia đình anh Phóng có thêm điều kiện sản xuất, vươn lên thoát nghèo, sau nhiều đợt bình xét, người dân thôn Ỏ đã ưu tiên cho gia đình anh được nhận gà giống.

Văn Bàn: Trao “cần câu cơm” cho người nghèo - Ảnh 5.

Những bao cám Dabaco chất lượng cao hỗ trợ cho người nông dân.

Đang chuẩn bị xuất bị xuất bán đàn gà được Nhà nước hỗ trợ, anh Phóng vui vẻ bảo: Lúc mới nhận, đàn gà rất bé, chỉ mới được 21 ngày tuổi, vợ tôi cứ lo đàn gà sẽ không sống được. Tôi nói với vợ, anh được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn đầy đủ kỹ thuật chăm sóc rồi, mình chỉ cần làm theo hướng dẫn là ổn. Đến nay, 100 con gà Dabaco của gia đình nhà tôi phát triển rất tốt và đạt trọng lượng từ 1 – 1,2 kg. Sắp tới chỉ cần bán khoảng 20 con là có đủ tiền mua thuốc cho vợ và sắm cái Tết cho gia đình rồi.

Hộ gia đình anh Phóng chỉ là một trong số hàng trăm hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các xã Dương Quỳ, Tân Thượng, Nậm Dạng nhận được sự quan tâm hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.

Bằng những chương trình, dự án hỗ trợ giống con giống, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của các hộ dân nghèo trên địa bàn huyện Văn Bàn đã góp phần khơi dậy ý chí làm giàu, phát huy được nội lực từ người dân trong việc phát triển kinh tế, xóa đói – giảm nghèo.

PV Tây Bắc