dd/mm/yyyy

Khám chữa bệnh cho… cây cưng

Với nhiều người, cây cảnh cũng giống như thú cưng, phải được nâng niu, chăm sóc và nếu bị bệnh thì phải được… đưa đi bác sĩ.
Khám chữa bệnh cho… cây cưng - Ảnh 1.

Cây cưng cũng có các cơ sở, dịch vụ chăm sóc xa hoa như khách sạn, lưu trú, quản gia… Ảnh: Choi Jae Hee, Koreaherald.com

Bệnh viện đa khoa thực vật

Thế giới đang trong thời đại bùng nổ trồng cây trong nhà. Tại các thành phố lớn bị bê tông hóa như Seoul, Hàn Quốc, gần như căn hộ nào cũng có cây cảnh. “Bất cứ khi nào đám cây có dấu hiệu bị bệnh, tôi lập tức đem chúng đến bệnh viện cây cưng”, Joo Young-hyun, cư dân trẻ ở quận Seocho-gu cho biết.

Địa điểm “cấp cứu cây cưng” của cô Young-hyun là Bệnh viện Đa khoa Điều trị Thực vật nằm trong Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Seoul. Nó chỉ mới được khánh thành vào tháng 4 năm nay, cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí với các “bác sĩ” là chuyên gia thực vật.

Gần đây, cây cưng bị bệnh của cô Young-hyun là 2 chậu hương thảo và hoa oải hương được cha mẹ tặng làm quà. Sau khi “khám”, “bác sĩ” chẩn đoán chúng bị úng rễ do bị tưới nước quá nhiều và đất thiếu oxy.

Vì không tự tin có thể tự “điều trị” cho cây cưng, cô Young-hyun cho cả 2 chậu cây “nhập viện”. Các bác sĩ đã đổi chậu, thay đất, tưới nước và hứng nắng cẩn thận nên, chỉ sau 10 ngày, cả 2 đã tươi tốt trở lại và được “xuất viện”.

“Với tôi, cây cưng cũng như thú cưng vậy. Tôi biết, nhiều người thường tự chăm sóc cây cưng bằng cách học theo các mẹo vặt trên YouTube, nhưng tôi không dám nên phải nhờ cậy đến các chuyên gia”, cô Young-hyun chia sẻ.

Khám chữa bệnh cho… cây cưng - Ảnh 3.

Bệnh viện Đa khoa Điều trị Thực vật nằm trong Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Seoul. Ảnh: Choi Jae Hee, Koreaherald.com

Nâng cây như… nâng trứng

Chỉ cần nhập chìa khóa tìm kiếm “cây cưng” hoặc “chăm sóc cây cưng” bằng tiếng Hàn lên bất cứ mạng xã hội nào ở Hàn Quốc, bạn liền thấy la liệt các ảnh và video từ những người làm vườn tại gia. Nhiều người còn đặt tên cho cây cưng của mình, dành trọn tâm huyết chăm sóc từng li từng tí.

Điểm chung của những người yêu thích cây cưng là có vườn để trồng nhiều loại cây và thái độ nâng niu cây như “nâng trứng, hứng hoa”. Tùy điều kiện, diện tích vườn có thể khác nhau nhưng tình yêu đối với cây cưng thì không ai thua ai cả.

“Một trong những chuyện quan trọng nhất phải làm trong ngày của tôi là tưới nước cho cây cưng, chụp ảnh lưu lại mức độ phát triển”, Han (31 tuổi), một nhân viên văn phòng say mê cây monstera cho biết.

“Chỉ cần nhìn thấy hạt cây nảy mầm, tôi đã cảm thấy hạnh phúc vô cùng. Mầm cây chính là điều kỳ diệu của cuộc sống”, cô Han chia sẻ thêm.

Ngoài Bệnh viện Đa khoa Điều trị Thực vật nằm trong Trung tâm Công nghệ Nông nghiệp Seoul, tại thủ đô của Hàn Quốc còn một loạt các phòng khám thực vật quy mô nhỏ hơn ở 4 quận lớn, Jongno-gu, Dongdaemun-gu, Eunpyeong-gu và Yangcheon-gu. Tại các nơi này, chủ sở hữu cây cưng có thể yên tâm giao cây của mình, nhờ các chuyên gia tìm hiểu bệnh tình và chữa trị khỏi.

“Bệnh viện và phòng khám thực vật là nơi mà cây cưng được chẩn đoán tình trạng và kê đơn khi bị héo hoặc bị bệnh. Về cơ bản, chúng cũng giống như bệnh viện hay phòng khám thú cưng”, Park Jae-yong, một quan chức chính quyền ở Seoul giải thích.

Ngoài khám chữa, các phòng khám thực vật còn tư vấn cách chăm sóc cũng như tự điều trị tại gia. Trong trường hợp cây cưng bị bệnh quá nặng, các phòng khám sẽ kiến nghị chủ sở hữu nên đem tới bệnh viện thực vật để được khám chữa tốt hơn.

Khám chữa bệnh cho… cây cưng - Ảnh 5.

Trồng cây cưng trong nhà đang là trào lưu của giới trẻ ở Hàn Quốc. Ảnh: Choi Jae Hee, Koreaherald.com

“Cây cưng nội thất”

Sự bùng nổ cây trồng trong nhà giúp hình thành một dạng công ty khởi nghiệp mới: Cây cưng nội thất. Các công ty này giống như cửa hàng đa năng về cây trồng, hỗ trợ khách hàng lựa chọn loại thực vật, dụng cụ chăm sóc phù hợp với nội thất.

Một trong các tiệm “cây cưng nội thất” nổi bật nhất hiện nay là Macho’'s Sachunki ở quận Bundang-gu, thành phố Seongnam, tỉnh Gyeonggi. Ngoài cung cấp cây cưng, nơi này còn có dịch vụ “cây cưng lưu trú”, cho phép khách hàng gửi cây cưng tối đa 2 tuần. Trong thời gian cây cưng lưu trú, các chuyên gia chăm sóc của tiệm giúp thay chậu, làm sạch và tưới nước miễn phí.

Một công ty “cây cưng nội thất” khác là Sikmul Hall thì cung cấp dịch vụ “quản gia cây cưng”. Đối tượng họ nhắm đến là những người mới tập tành trồng cây (chưa có kinh nghiệm chăm sóc) và nhân viên văn phòng (quá bận rộn). Các quản gia cây cưng đến tận nhà khách hàng, tư vấn phương pháp và tự tay chăm sóc tận tình.

Năm ngoái, Cục Phát triển Nông thôn Hàn Quốc đã thực hiện cuộc khảo sát trực tuyến với 874 người làm vườn tại gia và nhận được kết quả: 55% trồng cây để “ổn định về mặt cảm xúc”, 27% trồng cây để lọc không khí và chỉ 14% trồng cây để trang trí nhà cửa. Một số chuyên gia cho rằng, đại dịch Covid-19 với thời gian bị phong tỏa, hạn chế kéo dài chính là nguyên nhân bùng nổ trào lưu trồng cây cưng.

“Khi chạm tay vào đất và cây cỏ, chúng ta có cảm giác được kết nối với thiên nhiên. Nhìn cây cối lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của mình, chúng ta cảm thấy được đền đáp. Những cảm xúc tích cực này kích hoạt cơ thể giải phóng serotonin - hormone hạnh phúc, xoa dịu lo lắng và giải tỏa trầm cảm”, Giáo sư tâm thần học Jo Young-tak giải thích.


Theo koreaherald.com