Indonesia nhập khẩu thêm 1 triệu tấn gạo
Đợt nhập khẩu bổ sung này được tiến hành nhằm tăng cường kho dự trữ gạo của Chính phủ Indonesia đến năm 2024. Bulog sẽ thực hiện nhiệm vụ nhập khẩu gạo từ bất kỳ quốc gia nào đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn.
Hiện tại, Bulog đã có hợp đồng với một số quốc gia sản xuất gạo lớn, cụ thể là Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Myanmar. Bulog cũng sẽ thăm dò nhập khẩu từ Ấn Độ, Campuchia và các quốc gia khác nếu đáp ứng được yêu cầu.
Bulog cũng lưu ý rằng mặc dù Chính phủ Indonesia đã cấp thêm hạn ngạch nhập khẩu gạo với 1,5 triệu tấn, nhưng việc thực hiện sẽ được điều chỉnh tùy theo nhu cầu phân phối trong nước.
Kho gạo do Bulog kiểm soát hiện còn 1,45 triệu tấn. Với việc thực hiện chỉ đạo nhập khẩu bổ sung, số lượng gạo dự trữ của cơ quan này sẽ tăng lên để đáp ứng nhu cầu phân phối đến năm sau nhằm duy trì ổn định giá gạo trong nước.
Hiện Bulog cũng đang tiến hành giám sát chuyên sâu đối với giá gạo. Theo đánh giá của cơ quan này, giá gạo Indonesia tăng xuất phát từ nhiều yếu tố cả trong lẫn ngoài nước như ảnh hưởng của El Nino và thời điểm đầu vụ gieo trồng.
Từ đầu năm đến nay, Bulog đã phân phối tổng cộng 885.000 tấn gạo nhằm bình ổn thị trường và 641.000 tấn gạo thuộc chương trình hỗ trợ lương thực cho người nghèo trên khắp Indonesia trong giai đoạn từ tháng 9-11/2023.
Được biết, trên thị trường xuất khẩu, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam hôm nay (4/11) tiếp tục xu hướng đi ngang. Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), hiện giá gạo xuất khẩu 5% tấm ở mức 653 USD/tấn; giá gạo loại 25% tấm dao động quanh mức 638 USD/tấn.
VFA cho biết: Tính đến ngày 1/11, so với nhóm quốc gia xuất khẩu gạo lớn trên thế giới, giá gạo Việt Nam vẫn đang có mức cao nhất.
Giá gạo tấm 5% và 25% của Việt Nam đều cao hơn giá gạo cùng loại của Thái Lan và Pakistan.
Theo VFA, giá gạo Việt Nam tăng cao như hiện nay, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải đối mặt với những khó khăn trong khâu cung ứng, tăng giá thu mua để hoàn thành hợp đồng đã ký trước đó với đối tác.
Giá gạo xuất khẩu tăng cao còn tiềm ẩn nguy cơ mất thị trường truyền thống vì khách hàng có thể tìm kiếm nguồn cung khác với giá phù hợp nhưng chất lượng vẫn tương đương với gạo Việt Nam.
Giá lúa gạo hôm nay ngày 4/11 ở Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định. Giá lúa dao động quanh mốc 8.800 – 9.000 đồng/kg. Thị trường giao dịch sôi động hơn.
Tại khu vực An Giang, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, lúa IR 504 dao động quanh mốc 8.700 – 8.800 đồng/kg; lúa OM 5451 ở mức 8.800 - 8.900 đồng/kg; nếp Long An (khô) ở mức 9.400 - 9.800 đồng/kg; lúa Đài thơm 8 ở mức 8.900 - 9.000 đồng/kg; OM 18 dao động quanh mức 8.700 - 8.800 đồng/kg; lúa Nàng Hoa 9 duy trì ở mức 8.800- 9.000 đồng/kg; Nàng Nhen (khô) 15.000 đồng/kg; lúa Nhật ổn định 7.800 - 8.000 đồng/kg; nếp An Giang (khô) ở mức 9.600 - 9.800 đồng/kg.
Tại các kho xuất khẩu ở Đồng Tháp, An Giang giá gạo nguyên liệu duy trì ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu OM 5451 dao động 13.500 - 13.600 đồng/kg; gạo nguyên liệu OM 380 ở mức 13.000 - 13.050 đồng/kg; gạo nguyên liệu IR 504 duy trì ổn định quanh mức 13.100 - 13.150 đồng/kg. Trong khi đó, giá gạo thành phẩm OM 5451 tăng 200 đồng/kg lên mức 15.650 - 15.750 đồng/kg.
Bộ Công Thương dự kiến, xuất khẩu gạo trong tháng 10/2023 đạt 700.000 tấn, tương đương 433 triệu USD, đi ngang về lượng và tăng 27% về giá trị so với tháng 10/2022. Ước 10 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu khoảng 7,1 triệu tấn gạo, trị giá gần 4 tỷ USD, tăng 17% về lượng và tăng 35% về giá trị so với cùng kỳ năm 2022.
Trong bối cảnh khủng hoảng lương thực toàn cầu, kim ngạch xuất khẩu gạo của Việt Nam lập kỷ lục 4 tỷ USD chỉ trong 10 tháng năm 2023, con số cao nhất sau 34 năm gạo Việt tham gia vào thị trường thế giới.
Theo VFA, từ cuối tháng 6, giá gạo xuất khẩu trải qua rất nhiều lần tăng và tính đến nay đã tăng trên 150 USD/tấn.
Nguyên nhân khiến giá gạo Việt Nam tăng cao theo các chuyên gia là do nhu cầu của thị trường thế giới lớn và chất lượng gạo Việt Nam ngày càng cao. Bộ NN&PTNT dự kiến, năm 2023 Việt Nam có thể xuất khẩu 8 triệu tấn gạo.