dd/mm/yyyy

Hồng Kỳ “phất lên” nhờ nuôi dê sạch

Là xã miền núi, nhiều đồi rừng nên việc phát triển kinh tế của xã Hồng Kỳ (huyện Yên Thế, Bắc Giang) khá khó khăn. Tuy nhiên, “cái khó ló cái hay”, vài năm trở lại đây nhiều người dân trong xã đã áp dụng mô hình nuôi dê, đem lại thu nhập cao.

Anh Nông Văn Chiền (thôn Trại Hồng) là một trong những người đầu tiên ở xã Hồng Kỳ mang giống dê về nuôi cách đây gần 5 năm. Anh chọn cách nuôi dê thương phẩm, tức là mua dê nhỏ về chăm sóc, vỗ béo, đến khi dê trưởng thành, đạt trọng lượng thì xuất bán.

Anh Nông Văn Chiền đã có kinh nghiệm nuôi dê gần 5 năm, theo anh đây là mô hình chăn nuôi đơn giản, ít vốn nhưng hiệu quả ổn định.
Anh Nông Văn Chiền đã có kinh nghiệm nuôi dê gần 5 năm, theo anh đây là mô hình chăn nuôi đơn giản, ít vốn nhưng hiệu quả ổn định.

Anh Chiền đầu tư gần 50 triệu đồng để mua 20 con dê đực khoảng 4 tháng tuổi, cân nặng từ 15 - 18kg về nuôi. Chi phí làm chuồng trại không đáng kể nhờ anh tận dụng gỗ sẵn trong nhà và tự đóng chuồng nuôi.

So với nuôi gà thì con dê tốn ít công chăm sóc, hiếm khi mắc bệnh và tận dụng nguồn thức ăn phong phú trên rừng. Sau 3 - 4 tháng nuôi, dê tăng khoảng 12 - 15 kg, đạt từ 30 kg trở lên thì được bán. Tính ra, mỗi con dê cho lãi từ 1,2 - 1,5 triệu đồng.

“UBND huyện Yên Thế đã phê duyệt “Dự án nâng cao chất lượng đàn dê thương phẩm giai đoạn 2019 - 2020”. Trong đó, chú trọng quy hoạch vùng chăn nuôi dê để mở rộng quy mô tổng đàn, tập trung vào các xã có diện tích đồi rừng lớn, nguồn thức ăn dồi dào; chú trọng phát triển theo hướng sạch, an toàn, hướng tới xây dựng nhãn hiệu chứng nhận dê Yên Thế”. Ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Yên Thế.

Lứa dê đầu tiên, anh Chiền lãi gần 30 triệu và được dành để tái đầu tư. Cứ như vậy, đến nay, gia đình anh đã phát triển được 2 khu chuồng nuôi dê, với trên 100 con lúc cao điểm. Mỗi năm, trung bình anh Chiền xuất bán gần 300 con dê, trừ chi phí thu lãi gần 300 triệu đồng.

Theo anh Chiền, để nuôi dê thương phẩm hiệu quả, chuồng nuôi cần được làm sàn bằng gỗ, mặt sàn cách đất từ 80 - 100cm. Tiếp theo, tuân thủ chặt chẽ quy trình chăn nuôi, thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo luôn thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Đặc biệt, phải bổ sung thức ăn tinh bột cho dê như ngô, sắn; theo dõi và chữa trị kịp thời chứng chướng bụng, đầy hơi của dê...

Với ưu điểm là tốn ít vốn, dễ nuôi, dễ bán, mô hình nuôi dê thương phẩm đang là hướng đi hiệu quả của những hộ nghèo ở xã Hồng Kỳ. Ngoài gia đình anh Chiền, các hộ Nông Trần Hiên, Long Văn Chỉ... cũng thu lời trên 200 triệu từ nuôi dê, nhờ đó chất lượng cuộc sống được cải thiện đáng kể.

Ông Mai Trung Dũng, Bí thư Đảng ủy xã Hồng Kỳ cho biết: Hồng Kỳ là xã miền núi, điều kiện hạn chế, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 80% nên trước kia bà con trong xã rất khó khăn phát triển kinh tế. Xã đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, trong đó đặc biệt đẩy mạnh mô hình nuôi dê thương phẩm. Hiện, toàn xã có khoảng 120 hộ nuôi, tập trung nhiều ở thôn Trại Nhất, Trại Hồng... với tổng số lượng hơn 3.000 con.

“Dê nuôi trên địa bàn đang có thị trường tiêu thụ tốt, giá cao. Hiện, xã đang tập trung thành lập Hợp tác xã nuôi dê kết hợp nuôi ong mật, nhằm tạo điều kiện hỗ trợ về nguồn vốn, khoa học kĩ thuật và đầu ra ổn định cho các sản phẩm này của bà con” - ông Dũng nhấn mạnh.

Bài, ảnh: Ngọc Tùng