dd/mm/yyyy

Hoàng hậu trái

Bốn mươi năm trước, lần đầu thấy một người bạn đi thăm một người bạn mà mua một nải chuối làm quà, ngạc nhiên quá đỗi. Chuối ở Nam bộ rẻ như bèo, không ai biếu ai nếu đó không phải đồ vườn. Miền Bắc gọi chuối và là chuối tiêu. Người bạn lý giải, chuối tiêu ngoài này mùa thu mới có, ừ ha, mùa thu cốm xanh và hoa cúc vàng. Vậy đó!

Cũng lần đầu nhìn thấy vải thiều. Thời bao cấp ấy vải thiều xôn xao trên những xe thồ trên phố Hà Nội, đúng là hiện tượng. Những người nông dân ăn mặc nhếch nhác, xe đạp cà tàng và những cái sọt quá “nhà quê” nhưng thứ trái trong đó thì kỳ lạ. Ngày xưa trái vải nổi tiếng ở miền Nam nhờ giai thoại Dương Quý Phi bên Tàu, chuyện rằng khi được người phía Nam tiến cúng thì thứ trái đó phải đi ngựa trạm hỏa tốc ngày đêm để kịp tươi cho người đẹp dùng! (Biết là giai thoại xạo mà cũng hơi tin).

Cầm chùm vải nâng nâng trên tay một hồi đã. Thứ trái hiến dâng bằng chùm như vầy thì miền Nam có chôm chôm và dâu ta, hai loại ấy không sánh nổi với vải thiều. Giữa mùa, màu vải tươi hẳn, cũng là lúc vải mọng nhất và ngọt nhất, bạn bè “thuyết trình” thêm. Bóc một trái, bóc khẽ, nâng một lần nữa riêng cái ruột trái đã bóc, chao ơi, trên cả lạ lùng, đó là sự mầu nhiệm, hiến dâng, hết cỡ. Măng cụt miền Nam cũng được phong là hoàng hậu trái nhưng vỏ măng cụt dày, ruột trái là từng chút bí mật riêng nó, nhiều may rủi. Vải thiều không vậy, trái thế đó thì bên trong sẽ thế đó, không dối, không gian.

Khi đã ra hẳn với Thủ đô thì khi nắng hè rát trên mặt trên tay đường đi làm, biết mùa vải thiều đang chính vụ. Nắng càng quái, vải càng tươi và càng đậm, thứ gì trái khoáy thế không biết. Trên trời dưới vải. Những vỉa hè vải, những sọt vải, thương người bán dạo đứng phơi trong nắng mà kẻ mua vẫn trả giá từng nghìn một. trong ngày không bán hết coi như tiêu, vải xuống mã và khô coong coong, thâm túi. Người thủ đô đã bão hòa nhu cầu, nhà nhà ăn vải, ngày này qua ngày khác rồi bà con ơi, không sao gánh nổi nữa. Trẻ con đi viện, nhiệt trong người quá, người già tắt tiếng, cũng do nhiệt trong người quá, thiếu nữ nhiều mụn, cũng do nhiệt trong người quá. Đặt dĩa vải thiều trước mặt các đức ông, liền bị phán: “Có bị kỷ luật gì đâu mà ngày nào cũng vải thiều thế?”.

Mùa vải thiều không đi cùng với mùa hè, nó chào vĩnh biệt sớm, chắc thấy mình bị phũ phàng quá. Năm nào cũng vậy, háo hức từ đầu vụ tháng 5, vải lai chua lòe, đến tháng 6 mới thấy những “nàng thiều” chính gốc ra mắt. Và tháng 7 chưa mấy ngày thì các “nàng” đã chào sân “các em đi đây, hẹn năm sau mùa sau, nhá nhá!” Mới tháng 8 mà đã ngẩn ngơ nhớ, nhãn đâu thay được hoàng hậu trái, hồng cũng không thay được, chuối trứng cuốc vào thu, chưa là gì so với vải thiều. Nhịp hải hà thế và mùa vải chính là trung tâm của ngày hè.

Về Nam đã nhiều năm nay. Năm nào cũng xem trên báo trên ti vi mùa vải đổ bộ xuống phố như thế nào. Thương nhà nông, thương những xe máy thồ xe đạp thồ, hình như vùng vải đã vươn ra bạt ngàn tận đẩu đâu khắp sông Hồng rồi. Vẫn không có nhà máy thu mua chế biến, trái vải vẫn tươi và ngắn ngủi như thời Dương Quý Phi. Nhớ có lần ăn một cốc vải thiều đóng hộp made in Hongkong, sững người vì cách lưu giữ và sự ngon, thanh tao hết cỡ. Bao giờ thì vải hộp made in Vietnam là đệ nhất quả đóng hộp xứng đáng với nó?

Nhìn những người đàn ông trong vườn vải của họ thấy giống đàn ông miệt vườn Tiền Giang hay Bến Tre - xứ vườn trứ danh đã mấy trăm năm nay. Sự giống nhau ấy là gì? Cốt cách giống thầy giáo, khắc khổ, tỉ mẩn, nói được làm được và có chút kiêu ngầm. Không có những phẩm chất ấy không làm vườn được. Nó đòi hỏi người ta sự tao nhã, kỳ công và danh dự. Ai bốp xốp, ăn xổi ở thì, nhất định không làm chủ điền trang của vải thiều, của nhãn lồng, của bưởi Diễn, của măng cụt, của sầu riêng được. Riêng việc chờ cho cây lớn rồi qua mùa bói, qua nữa và qua nữa để đến lúc cây trung niên phong độ nhất, cũng đủ thấy một phẩm chất kiên nhẫn của chủ vườn.

Cây lưu niên quý, con người cốt cách quý, những chủ nhân hai đầu đất nước giống nhau cả cái sự nghèo. Trái ngập vườn, ra đường làm tắc cả đường mà người chủ của chúng vẫn nghèo, vì sao? Xa lắm và thương lắm, muốn hát lên một câu hát buồn để nhớ về, tri ân và chia sẻ, mọi thứ phó mặc cho vòng quay của thời giá và thời cuộc, còn biết sao nữa?

Dạ Ngân