dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Trên 181 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp

Trao đổi với phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/ Trang Trại Việt, ông Lê Văn Thạch, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình thông tin: Nhiệm kỳ 2018-2023, Hội Nông dân tỉnh thực hiện đạt và vượt 20/20 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội...

Hướng tới Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 sẽ diễn ra trong 2 ngày (từ ngày 8 - 9/8/2023), tại Cung Văn hóa tỉnh, phóng viên Báo Nông Thôn Ngày Nay/Điện tử Dân Việt/Trang Trại Việt đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Thạch, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình về những kết quả nổi bật trong công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 - 2023; công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028...

Hòa Bình có trên 181 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp - Ảnh 1.

Ông Lê Văn Thạch, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: Ảnh: Tuệ Linh.

PV: Thưa ông, trong nhiệm kỳ 2018-2023, công tác Hội và phong trào nông dân tỉnh Hòa Bình đã đạt những kết quả nào nổi bật nào? Các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đồng hành cùng hội viên, nông dân, nông nghiệp, nông thôn như thế nào để đạt được những kết quả trên?

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình:

Trong nhiệm kỳ 2018 – 2023, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đoàn kết, thống nhất thực hiện thắng lợi, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, được tổ chức, dư luận đánh giá cao trong công tác hội và phong trào nông dân. Có 20/20 Chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội  Hội Nông dân tỉnh lần thứ X đề ra đều đạt và vượt (10 chỉ tiêu đạt, 10 chỉ tiêu vượt).

Một số kết quả nổi bật như sau:

Các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã kết nạp mới được trên 6.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 130.218 hội viên. Tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình ban hành Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 06/8/2021 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.

Hòa Bình có trên 181 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp - Ảnh 2.

Ông Lê Văn Thạch (thứ 4 từ trái sang), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình tặng hoa chúc mừng thành công của Đại hội đại biểu Hội Nông dân huyện Lạc Thủy. Ảnh: Tuệ Linh.

Việc triển khai thực hiện nghiêm túc, tích cực, hiệu quả Đề án số 01-ĐA/TU đã thúc đẩy phát triển nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân đạt 53,270 tỷ đồng; xây dựng 754 mô hình được vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân cho 9.945 lượt hộ hội viên nông dân vay vốn đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. 

Cùng với đó, các cấp Hội tín chấp nguồn ủy thác cho hội viên nông dân từ Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Ngân hàng thương mại khác với tổng dư nợ đạt trên 3.747 tỷ đồng cho trên 52.270 hội viên nông dân vay vốn. 

Nguồn vốn vay đã góp phần giúp nhiều hộ nông dân vươn lên thoát nghèo trở thành hộ khá, hộ giàu; đời sống vật chất, tinh thần của nông dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người tăng cao. 

Hòa Bình có trên 181 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp - Ảnh 3.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Hòa Bình tham quan quy trình sơ chế, đóng gói bưởi Diễn của HTX Đại Đồng trước khi xuất khẩu sang thị trường Vương Quốc Anh. Đây là mô hình được Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình cho vay 900 triệu đồng từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để đầu tư chăm sóc và xây dựng thương hiệu bưởi Diễn Đại Đồng. Ảnh: Dương Linh.

Bên cạnh đó, các cấp Hội đã tổ chức tốt các hoạt động hỗ trợ, dịch vụ, tư vấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật tạo điều kiện cho hội viên nông dân trong lao động, sản xuất, phát triển kinh tế; trực tiếp và phối hợp đào tạo nghề cho 8.460 hội viên, nông dân. 

Vận động, hướng dẫn thành lập mới 72 hợp tác xã, 329  tổ hợp tác, 94 Chi hội nông dân nghề nghiệp, 606 tổ Hội nông dân nghề nghiệp; Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho nông dân thông qua việc xây dựng và duy trì 10 cửa hàng nông sản an toàn tại các huyện, thành phố làm điểm trưng bày, giới thiệu, mua bán, liên kết sản phẩm OCOP, sản phẩm an toàn trong và ngoài tỉnh. 

Thông qua các hoạt động trên đã giúp hàng nghìn hộ hội viên nông dân vươn lên giảm nghèo và làm giàu chính đáng. Trong nhiệm kỳ đã có trên 181.000 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

Hòa Bình có trên 181 nghìn hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp - Ảnh 4.

Mô hình nuôi gà Lạc Thủy của hội viên nông dân Nguyễn Duy Lành, thôn Bột, xã Phú Thành, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ảnh: Phạm Hoài.

PV: Thưa ông, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã đồng hành cùng hội viên, nông dân, nông nghiệp, nông thôn như thế nào để đạt được những kết quả trên?

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình:

Các cấp hội đã nắm vững, vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, để cụ thể hoá vào hoạt động công tác hội và phong trào nông dân.

Tích cực, chủ động tham mưu với cấp uỷ Đảng, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đơn vị, địa phương để tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ xây dựng tổ chức hội vững mạnh và các phong trào nông dân được thực hiện rộng khắp, thiết thực, hiệu quả.

Thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo đa dạng, mở rộng hình thức tập hợp nông dân, vận động đi đôi với tư vấn, hỗ trợ, các hoạt động phải tập trung hướng về cơ sở; thực hiện tốt việc quan tâm, chăm lo nâng cao đời sống, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của hội viên nông dân.

Xây dựng kế hoạch được thống nhất trong triển khai thực hiện, nhất là các phong trào thi đua do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và của tỉnh phát động; đồng thời tuyên truyền phổ biến, nhân rộng và tổ chức biểu dương các điển hình tiên tiến, tích cực trong xây dựng tổ chức Hội và thực hiện các phong trào thi đua.

PV: Thưa ông, đến nay, công tác chuẩn bị cho Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023 – 2028 đã được Hội Nông dân tỉnh thực hiện như thế nào?

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình:

Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình nhiệm kỳ 2023-2028 có ý nghĩa hết sức quan trọng, là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn của giai cấp nông dân Việt Nam trong năm 2023; đây cũng là dịp để đại hội bàn sâu hơn về phương hướng nhiệm vụ của tổ chức Hội, trong việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Đảng, các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, ngày càng thực hiện tốt hơn vai trò trách nhiệm của tổ chức Hội đối với nông dân và yêu cầu nhiệm vụ của Hội trong công cuộc xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam. 

Để chuẩn bị tổ chức Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hoà Bình lần thứ XI, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã chỉ đạo Hội Nông dân cấp huyện, cấp cơ sở tổ chức Đại hội đảm bảo nội dung, quy trình và kế hoạch đề ra. 

Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và của tỉnh xây dựng phóng sự, đăng tải tin, bài, ảnh tuyên truyền về Đại hội. Đặc biệt chú trọng triển khai công tác nhân sự đảm bảo đúng quy trình, dân chủ, công khai, chặt chẽ theo đúng hướng dẫn và quy định; xây dựng văn kiện và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ Đại hội.

Trong quá trình chuẩn bị Đại hội, Hội Nông dân tỉnh luôn nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Ban thường vụ Tỉnh ủy; sự tham gia đóng góp trí tuệ, công sức vào văn kiện và công tác chuẩn bị Đại hội của các cấp hội và cán bộ, hội viên nông dân trong toàn tỉnh. Đây chính là cơ sở và tiền đề quan trọng để Đại hội Đại biểu Hội Nông dân tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2023-2028 sẽ diễn ra thành công tốt đẹp.

PV: Thưa ông, mục tiêu của Đại hội đại biểu Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình trong nhiệm kỳ tới là gì? Những giải pháp, chương trình hành động để triển khai hiệu quả mục tiêu trên? Những kiến nghị, đề xuất để giải quyết những vấn đề bức xúc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay?

Ông Lê Văn Thạch, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hòa Bình: 

Với tinh thần "Đoàn kết – Trách nhiệm - Đổi mới – Hợp tác - Phát triển", trong nhiệm kỳ tới các cấp Hội Nông dân trong tỉnh cần bám sát các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy và chỉ đạo của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam để tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Hội vững về chính trị, mạnh về tổ chức, thống nhất về hành động. 

Xác định nông dân là chủ thể, là trung tâm của quá trình phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.

Để triển khai hiệu quả những mục tiêu đề ra trong Nghị quyết, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội cần tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng; vận động nông dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trọng tâm là những nội dung liên quan đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Tích cực chủ động tham mưu với cấp ủy Đảng, chính quyền; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể và sự hỗ trợ, tạo điều kiện, hợp tác, liên kết của các đơn vị doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài tỉnh tạo sức mạnh tổng hợp để thực hiện nhiệm vụ.

Đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp Hội; hướng các hoạt động về cơ sở; đa dạng hoá các hình thức tập hợp nông dân, vận động đi đôi với tư vấn hỗ trợ nông dân đáp ứng lợi ích thiết thực cả về vật chất và tinh thần cho nông dân.

Tích cực chủ động xây dựng kế hoạch triển khai các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Trung ương và của tỉnh phát động; qua đó khơi dậy tinh thần hăng say lao động sản xuất của Nhân dân; đồng thời tuyên truyền phổ biến và nhân rộng các điển hình tiên tiến trong công tác Hội và phong trào nông dân.

Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ Hội thực sự có năng lực, trình độ chuyên môn, nhiệt tình, tâm huyết, trách nhiệm và có uy tín, có kinh nghiệm tổ chức vận động quần chúng nông dân, đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ được giao; lấy hiệu quả công việc để đánh giá cán bộ. Tăng cường kiểm tra đôn đốc, giám sát và phản biện xã hội, đưa phong trào phát triển đúng định hướng, trọng tâm,...

Để giải quyết những kiến nghị, vấn đề bức xúc trong nông nghiệp, nông dân, nông thôn hiện nay như: Giá vật tư nông nghiệp tăng; được mùa mất giá; hỗ trợ vốn cho nông dân, hợp tác xã mở rộng sản xuất…; với vai trò trung tâm và nòng cốt trong bảo vệ quyền lợi của người nông dân, Hội Nông dân tỉnh sẽ đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo, chỉ đạo, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các cấp Hội và hội viên nông dân hoàn thành tốt vai trò của mình, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển chung của tỉnh.

Đồng thời, có cơ chế hỗ trợ lãi suất vốn vay cho nông dân, các Hợp tác xã, doanh nghiệp nông nghiệp để đầu tư phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, phát triển nông nghiệp hữu cơ, phát triển sản phẩm OCOP, vì trong nông nghiệp thường gặp nhiều rủi ro, thời gian để thu hồi lại vốn chậm, mất nhiều thời gian.

Xin cảm ơn ông!

Tuệ Linh - Phạm Hoài