dd/mm/yyyy

Hòa Bình: Nguồn vốn chính sách vực dậy xã nghèo ở Đà Bắc

Bà con người Dao, người Mường ở xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế. Họ vươn lên thoát nghèo, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Nguồn vốn chính sách đã khơi dậy được tiềm năng của xã nghèo vùng cao Đà Bắc.

Vầy Nưa xã vùng cao thuộc vùng di dân lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Ngày trước muốn đến xã phải đi thuyền từ thành phố Hòa Bình lên. Mất cả nửa ngày trời mới đến nơi. Giờ đây điện, đường, trường, trạm đã dần hoàn thiện. Theo đó, cuộc sống của bà con người Mường, người Dao cũng dần thay đổi.

Trong những năm gần đây, nguồn vốn chính sách đến với bà con vùng sâu, vùng xa nhiều hơn. Người dân cũng đã mạnh dan vay vốn để phát triển kinh tế. Nhờ đó, bộ mặt của xã nghèo vùng cao đang khởi sắc.

Hòa Bình: Nguồn vốn chính sách vực dậy xã nghèo ở Đà Bắc - Ảnh 1.

Cuộc sống gia đình của ông Đinh Công Son khá giả nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách để nuôi cá lồng. Ảnh: Ngọc Hoài.

Sang Bờ - vựa cá nơi lòng hồ thủy điện Hòa Bình

Xóm Sang Bờ, xã Vầy Nưa từng được biết đến là một ốc đảo nằm bên lòng hồ Hòa Bình. Bao năm qua bà con người Mường sống bằng việc trồng rừng, làm nương làm rẫy. Một số hộ sống nhờ việc đánh bắt nguồn cá nước ngọt lòng hồ Hòa Bình. Khi đó cái đói, cái nghèo còn hiển hiện trên từng nếp nhà. Bà con làm việc vất vả, lần hồi kiếm từng bữa ăn.

Bẵng đi mười năm, chúng tôi mới có dịp trở lại Sang Bờ, điều khiến tôi ngạc nhiên là ở vùng sông nước này đang "thay da, đổi thịt" từng ngày. Mấy chục hộ dân người Mường đã mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi cá lồng.

Hòa Bình: Nguồn vốn chính sách vực dậy xã nghèo ở Đà Bắc - Ảnh 2.

Đồng vốn ưu đãi giúp người dân xóm Sang Bờ có cuộc sống ổn định hơn. Ảnh: Tuệ Linh.

Ông Đinh Công Son là một trong những hộ dân đầu tiên của bản Sang Bờ mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng. Hiện, ông Son có hơn chục lồng cá. Ngoài ra, ông còn là địa chỉ tin cậy về việc cung cấp cá giống và làm dịch vụ nông nghiệp cho bà con. 

Dẫn chúng tôi ra thăm bè, ông Son thủng thẳng: "Không có con cá, chắc cả đời tôi bám mặt trên nương, trên núi. Nuôi cá trên lòng hồ vừa tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp, lại có nguồn thu đều. Chỉ cần bán vài con cá đã bằng cả tấn ngô".

Hơn chục bè cá của ông Son được gia công chắc chắn. Chúng móc nối lại với nhau giữa hồ nước mênh mông. Ông Son nuôi nhiều loại cá như trắm cỏ, cá lăng, cá chiên, rô phi… Dưới làn nước trong xanh, đám cá lượn thành từng đàn. Nom thấy ông Son, đám cá nhao nhao lên mặt nước. Bước đến lồng cá, ông Son với nắm cỏ vứt lên mặt nước, đám cá lao lên ầm ầm làm náo loạn cả vùng hồ.

Hòa Bình: Nguồn vốn chính sách vực dậy xã nghèo ở Đà Bắc - Ảnh 3.

Tận dụng lợi thế lòng hồ, người dân xóm Sang Bờ, xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc mạnh dạn đầu tư nuôi cá lồng để phát triển kinh tế. Ảnh: Ngọc Hoài.

Nhìn đám cá ăn, ông Sơn ra chiều ưng ý lắm: “Nuôi cá trắm cỏ không phải mất tiền mua thức ăn. Hàng ngày gia đình tôi chở cỏ, chuối, lá sắn, lá chuối… ra cho chúng. Sau một năm nuôi, mỗi con đạt trọng lượng 5kg, bán được nửa triệu đồng”.

Mỗi lồng ông Son nuôi được vài trăm con trắm cỏ. Nếu mọi chuyện hanh thông, một lồng cá cho thu lãi vài chục triệu đồng. Sau chục năm nuôi cá, ông Son đã tích lũy được kinh nghiệm. Ông chỉ cần nhìn cá ăn, nghe nó quẫy là biết được đám cá khỏe hay yếu. 

Ông Son có được cơ ngơi bề thế như ngày hôm nay cũng bắt nguồn từ cái duyên với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Đà Bắc. Nhớ ngày đầu cán bộ đến vận động ông vay vốn, ông Son chưa biết mình vay vốn để làm gì. Khi ông nuôi cá, xây bè mới biết mình thật sự cần vốn.

“Lúc đầu tôi mới chỉ vay để làm 1 lồng. Dần dần tôi vay tới 70 triệu đồng làm được 3 lồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi này, gia đình tôi đã đưa mình ra khỏi danh sách hộ nghèo”, ông Son nói.

"Bà đỡ" cho người nghèo cũng giống như ông Son, nhiều gia đình khác như ông Ngọc, bà Hòa, ông Sang… đã mạnh dạn vay vốn nuôi cá. Giờ bản Sang Bờ trở thành vựa cá của Vầy Nưa. Ngày nào cũng có thuyền của tư thương đến mua cá.

Đồng vốn ưu đãi giúp nông dân Hòa Bình làm giàu trên chính quê hương

Nói như ông Bàn Văn Thích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vầy Nưa: “Nguồn vốn ưu đãi đã đánh thức được tiềm năng nơi lòng hồ. Đây là bệ đỡ quan trọng để bà con người Dao, người Mường thay đổi phương thức sản xuất từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp".

Xã Vầy Nưa có 713 hộ dân, với 8 bản, hiện tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn còn cao (trên 250 hộ). Cái đói, cái nghèo đến từ nhiều nhẽ. Diện tích đất tự nhiên của xã thì rộng, nhưng đất cho sản xuất lại vô cùng hiếm. 

Từ năm 1986, các hộ dân người Dao, người Mường đã nhường toàn bộ đất đai, nhà cửa cho lòng hồ thủy điện Hòa Bình. Họ thuộc các hộ di dân vén, nên càng lên cao diện tích đất sản xuất càng hiếm. Ngày ngày bà con trông vào mấy ruộng ngô, mảnh rừng nhỏ, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Ông Bàn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND xã Vầy Nưa cũng nằm trong diện những hộ dân đó. Theo thống kê của xã, đến giờ có tới 45% lực lượng lao động của xã phải đi làm ăn xa. Những hộ dân ở lại xã cũng lần hồi kiếm cái ăn vô cùng vất vả.

"Mọi sự đã thay đổi, khi nguồn vốn chính sách đến với các hộ dân ở Vầy Nưa. Bà con đã mạnh dạn vay vốn nuôi cá, nuôi trâu bò và trồng rừng. Đến giờ tổng dư nợ của toàn xã là 50 tỷ đồng, với 176 hộ vay", ông Khánh cho biết.

Cũng theo ông Khánh, nguồn vốn ưu đãi đã khơi dậy được tiềm năng phát triển kinh tế của địa phương. Các hộ dân vay vốn đều kinh doanh có hiệu quả. Sau mỗi năm, số hộ nghèo của xã giảm dần. Nhiều hộ vay vốn làm ăn không phải để giảm nghèo nữa mà làm giàu trên chính quê hương.

"Tình hình hiện tại đã thay đổi, muốn đầu tư một mô hình cần nguồn vốn nhiều hơn. Chúng tôi mong phía ngân hàng sớm nâng hạn mức vay tiền để các hộ dân mở rộng sản xuất, kinh doanh", ông Bàn Văn Thích, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vầy Nưa cho biết.

Nhóm PV Tây Bắc