Theo Bộ Công Thương, dự báo từ nay đến Tết Nguyên đán, sẽ thiếu khoảng 200.000 tấn thịt lợn. Để bù đắp nguồn cung, Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp, tập đoàn nhập khẩu thịt lợn.
Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều qua (12.12.2019), ông Hoàng Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, hiện nay việc nhập khẩu thịt lợn do các doanh nghiệp tự quyết, không cần phải xin hạn ngạch và cũng có đến 24 quốc gia Việt Nam có thể nhập khẩu thịt lợn.
Theo Cục Chăn nuôi, Việt Nam đang nhập khẩu một số sản phẩm thịt heo, chân giò, xương sụn, thịt ức, thịt vai, sườn đông lạnh, ba chỉ, mỡ heo và nội tạng.
Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Xuân Dương – Cục trưởng Cục chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhiều lần nhấn mạnh: Việc nhập khẩu thịt lợn cần kiểm soát tốt cả về chất lượng, xuất xứ hàng hóa, hạn sử dụng. Ông Dương cũng lưu ý rằng, hiện nay giá thành sản phẩm thịt lợn trên thế giới đang cao lên, nên nguồn thịt nhập khẩu được kiểm dịch tốt, xuất xứ tốt, hạn sử dụng tốt thì giá cũng không rẻ.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, với mức giá từ 2,7USD đến 6USD/kg, khi về đến Việt Nam, cộng thêm các thuế phí thì giá thịt lợn cũng đã rất cao. Vì vậy, người tiêu dùng cần đặt câu hỏi nghi vấn với những loại thịt lợn nhập khẩu được bán với giá rẻ.
Theo Bộ Công Thương, với mục tiêu đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ Công Thương chỉ cho phép nhập khẩu thịt lợn từ những nguồn hàng có chất lượng. Hiện nay, có 24 quốc gia được nhập khẩu thịt lợn chính ngạch vào Việt Nam gồm: Argentina, Úc, Bỉ, Áo, Brazil, Canada, Đan Mạch, Hà Lan, Pháp, Đức, Hungari, Ấn Độ, Ireland, Litva, Ý, Nhật, Hàn Quốc, Malaysia, Niuzelan, Ba Lan, Tây Ban Nha, Mỹ, Nga, Mexico…
"Chúng tôi sẽ có phối hợp với các bên kiểm soát, nhập khẩu sản phẩm thực sự tốt mà không ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi của chúng ta" - ông Hoàng Anh Tuấn khẳng định.
Số liệu từ Cục Chăn nuôi - Bộ NNPTNT cho thấy, trong 9 tháng của năm, cả nước đã nhập khẩu 14.824 tấn thịt lợn các loại với tổng giá trị 29,177 triệu USD. Trong khi đó, năm 2018, lượng thịt lợn nhập khẩu là 14.295 tấn các loại với tổng giá trị 23,625 triệu USD.
Bộ Tài Chính dự kiến điều chỉnh giảm thuế suất mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 22%.
Tại văn bản gửi xin ý kiến các Bộ, ngành lần thứ 4 về việc sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị định số 125 của Chính phủ, trong đó có liên quan đến mức thuế nhập khẩu của mặt hàng thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh, Bộ Tài Chính cho biết: Uỷ ban Nông nghiệp Hoa Kỳ đã có đề nghị giảm mức thuế thịt lợn tươi hoặc ướp lạnh trừ loại thịt cả con và nửa con, trừ thịt mông đùi, thịt vai và các mảnh của chúng từ 25% xuống 18,9% năm 2020 và 0% trong năm 2027.