Cắt lúa non cho bò ăn
Những ngày qua, do nhiều diện tích lúa không còn nước tưới, người dân xã Cư Pui, huyện Krông Bông đã ra đồng cắt lúa non về cho bò ăn. Em Cứ Thị Vàng (thôn Ea Uông, xã Cư Pui) nói với chúng tôi, nhà có 6 sào lúa chưa kịp trổ bông đã bị khô hạn, nên gia đình phải cắt dần về cho bò ăn.
Bà H'Ngen Niê (ở Buôn Phung, xã Cư Pui) cũng cho biết, 5 sào lúa non của gia đình giờ chẳng thể cứu được. "Lúa xuống giống được một tháng thì trời hết mưa. Xung quanh chẳng có nguồn nước nào để tưới nên những ngày qua, tôi đã cho người thân cắt lúa về cho bò ăn cho đỡ tiếc"- bà H'Ngen nói.
Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết các cánh đồng lúa tại các buôn Ea Uông, Phung, thôn Ea Lang…của xã Cư Pui đều chung cảnh ngộ. "Năm nay, hạn đến sớm, cây lúa chuẩn bị làm đồng thì bị thiếu nước. Người dân đã tìm mọi cách để cứu vãn nhưng không thể vì xung quanh không còn nguồn nước đành phải bỏ mặc cho nắng thiêu đốt"- ông Lý Văn Tu (thôn Ea Lang) than thở.
Theo lãnh đạo xã Cư Pui, đến thời điểm hiện tại, toàn xã đã hơn 150 ha cây trồng bị khô hạn, trong đó có gần 90ha lúa. Diện tích này nằm dọc các khe suối, việc gieo trồng dựa vào "nước trời" nên người dân trở tay không kịp. Để cứu lúa người dân chỉ còn cách làm trạm bơm, dẫn nước về. Song do kinh phí bơm tưới quá lớn, thu không đủ chi nên người dân đành phải bỏ.
Thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Krông Bông, đến thời điểm này, toàn huyện có 260/5.892 hecta cây trồng ngắn ngày bị khô hạn, trong đó có 159 hecta lúa nước, 58 hecta sắn, 23 hecta ngô tập trung ở các xã Cư Pui, Ea Trul, Cư Drăm, Yang Mao…
Hồ đập, sông suối cạn kiệt, nguy cơ hạn hán lan rộng
Báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk cho biết, so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ mực nước thấp hơn từ 2– 2,5m; lượng dòng chảy thấp hơn từ 40 – 60%. Dự báo từ tháng 3 đến tháng 5/2020 mực nước sông, suối tiếp tục giảm, suối vừa và nhỏ có thể bị khô cạn; lượng dòng chảy phổ biến thiếu hụt khoảng 50-70% so với TBNN cùng kỳ.
Nhiều suối nhỏ trên địa bàn các huyện bị cạn kiệt, đặc biệt sông Krông Nô, sông Krông Pách mực nước xuống quá thấp, lượng dòng chảy giảm mạnh. Nguồn nước ngầm, mực nước và lưu lượng giảm.
Bên cạnh đó, các hồ chứa mực nước giảm nhanh do quá trình phục vụ sản xuất và thời tiết nắng nóng; hồ chứa nhỏ phổ biến lượng nước trữ còn khoảng dưới 40% dung tích thiết kế, trong đó có 19 hồ cạn khô, các hồ chứa vừa và lớn phổ biến còn khoảng từ 50 – 70% dung tích thiết kế (cá biệt một số hồ lớn còn dưới 40% dung tích thiết kế như tại huyện Lắk, Hồ Buôn Triết 36%, hồ Ja Tu 26%; huyện Krông Pắc, hồ Suối Hai 18%, hồ Buôn Hằng 1B 35%)…
Từ tháng 3 đến đầu tháng 5, hạn hán có thể xảy ra diện rộng, tập trung ở một số địa phương như: Ea H’Leo, Krông Buk, Krông Bông, Lắk, Ea Kar, Cư M’gar, Buôn Đôn, Ea Súp; nhiều hồ chứa nhỏ bị khô cạn, nhiều trạm bơm không còn nguồn để bơm tưới; một số vùng không còn nguồn nước ngầm để khai thác.
Đến thời điểm hiện tại, ngoài hàng trăm ha cây trồng (chủ yếu ở huyện Krông Bông) bị khô hạn, toàn tỉnh đã có các xã Ea Hleo, Ea Sol, Cư Amung (huyện Ea Hleo); Ea Trul, Jang Réh (huyện Krông Bông); Ia R’vê, Ia Lốp, Cư Kbang (huyện Ea Súp) đã có hàng trăm hộ dân thiếu nước sinh hoạt.
Theo dự báo, đến giữa tháng 4 nếu không có mưa, Đắk Lắk sẽ có khoảng 30.000 ha cây trồng bị thiếu nước tưới, trong đó diện tích không còn nguồn nước để chống hạn có khả năng bị mất trắng khoảng 2.000 ha (gồm 500 ha lúa, 300 ha cây hoa màu và 1.200 ha lâu năm).
Tình trạng thiếu nước sinh hoạt cũng có thể xảy ra ở nhiều thôn buôn, kể cả khu vực có công trình cấp nước tập trung do giếng khoan bị cạn (dự kiến khoảng 2.000 hộ bị thiếu nước); hạn hán, thiếu nước tập trung chủ yếu ở các huyện: Ea Kar, Cư Mgar, Buôn Đôn, Ea Hleo, Krông Buk, Krông Bông, Lắk, Ea Súp...
Hiện ngành nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk đang tích cực các biện pháp để chống hạn. Các địa phương cũng đã chủ động thực hiện các hoạt động như: nạo vét kênh mương, cửa lấy nước, kênh dẫn và bể hút trạm bơm; tăng cường bơm chuyền, bơm bổ sung nhiều đợt để tưới cho diện tích cây trồng khó khăn nguồn nước; đào ao, đắp đập tạm, vận hành trạm bơm dã chiến để tận dụng mọi nguồn nước phục vụ chống hạn; khoan giếng, bổ sung nối dài đường ống cấp nước đảm bảo nước sinh hoạt ...
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND tỉnh, các địa phương đã chủ động, tích cực triển khai phòng, chống hạn theo phương châm 4 tại chỗ, hạn chế mức độ ảnh hưởng của hạn hán đến sản xuất và đời sống của nhân dân.
Tuy nhiên, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, hiện công tác chống hạn gặp nhiều khó khăn. Địa phương có diện tích trồng cây cà phê và hồ tiêu khá lớn, không thể điều chỉnh theo thời vụ. Do đó khi thời tiết bất lợi xảy ra, tình trạng thiếu nước tưới đã gây thiệt hại lớn về kinh tế trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, do một số khu vực chưa có công trình thủy lợi hoặc công trình bị hư hỏng xuống cấp không đảm bảo năng lực thiết kế nên công tác chống hạn gặp khó khăn do thiếu nguồn nước.
Ngoài ra, nhận thức của người dân về sử dụng nước tiết kiệm, áp dụng công nghệ tưới nước tiên tiến chưa được quan tâm nhất là ở các vùng sâu, vùng xa dẫn đến một số khu vực công tác quản lý nguồn nước chưa tốt, sử dụng nước lãng phí.
Cũng theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, về lâu dài, để phát triển sản xuất bền vững trước sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, đơn vị đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường hỗ trợ các dự án trồng rừng, quản lý bảo vệ rừng tự nhiên để đảm bảo nguồn sinh thủy và chống bồi lắng lòng hồ.
Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trọng điểm, đồng thời nâng cấp các công trình thủy lợi vừa và nhỏ, hoàn thiện hệ thống kênh mương nhằm vụ nhu cầu phát triển sản xuất của nhân dân trong tỉnh.
Trước nhu cầu phát triển sản xuất tăng nhanh, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu chính sách đầu tư áp dụng công nghệ tưới nước tiến tiến, tiết kiệm để bảo vệ nguồn nước và phục vụ sản xuất đạt hiệu quả, hạn chế thiệt hại do hạn gây ra.