"Làm liều" khởi nghiệp với con lươn
Kể lại với phóng viên, anh Tân nhớ lại: "Trước đây tôi học ngành kinh tế, sau khi ra trường thì ở lại TP.HCM lập nghiệp tại một công ty Hàn Quốc. Sau thời gian công tác tôi được đề cử giữ chức giám đốc nhân sự, với mức thu nhập khá. Sau khi lập gia đình, để tiện bề chăm sóc vợ con nên tôi xin nghỉ việc về quê lập nghiệp".
Sau khi về quê anh Tân nhờ bạn bè, người thân tư vấn các mô hình làm kinh tế tại địa phương và thử nghiệm nhưng anh đều thấy không phù hợp với mình. Trong một lần lên mạng tìm hiểu các mô hình làm kinh tế hiệu quả, anh thấy mô hình nuôi lươn thịt đang hút thị trường, cho lợi nhuận cao nên từ đó bắt đầu nghiên cứu nuôi lươn.
Năm 2010, anh mua lươn giống về nuôi bán lươn thịt. Tuy thị trường lươn thịt rất hút hàng, giá bán cao có lãi nhưng do con lươn giống mua ban đầu không chất lượng nên lượng lươn hao hụt rất cao, không lời.
Trước tình hình đó, năm 2012 anh quyết tâm tìm tòi, học hỏi kỹ thuật ương lươn giống, tự cung cấp con giống. Sau khi đi tham quan nhiều mô hình, anh Tân bắt đầu "thực nghiệm" ương lươn giống.
Cứ nghĩ dễ mà không hề dễ, kỹ thuật ương lươn giống để cho ra con giống chất lượng là cả một quá trình kỳ công mà gần như anh Tân phải đánh đổi gần hết gia tài. Cứ hễ lươn đẻ trứng, đưa vào khu ấp hoặc trứng bị hư nguyên mẻ, hoặc trứng nở rất ít.
Anh Tân trải lòng: "Lúc đó tôi thật sự nản và muốn bỏ cuộc. Tài sản tích cóp bao năm đầu tư hết vào việc ương lươn giống mà không lấy lại được đồng nào. Rất may tôi luôn có bà xã ở bên động viên. Những lúc ương lươn giống thất bại liên tiếp, tôi buông không làm nữa thì vợ tôi lên mạng nghiên cứu và ngày đêm thức canh theo dõi. Thấy vậy tôi cùng vợ ngày đêm quên ăn, quên ngủ nghiên cứu. Cuối cùng ông trời không phụ lòng người, năm 2015 vợ chồng tôi đã tìm ra được nguyên nhân thất bại và kỹ thuật ương lươn giống chất lượng, tỷ lệ ấp nở đạt đầu con giống là 80-90%".
Mở rộng thị trường ra nước ngoài
Sau khi thành công, anh Tân thành lập hẳn trang trại lươn giống tại quê nhà, chuyên sản xuất lươn giống nhân tạo, cung cấp lươn giống cho các hộ, đơn vị, doanh nghiệp nuôi lươn thương phẩm với công nghệ nuôi lươn nước sạch không bùn (nuôi công nghiệp) trong nước và xuất khẩu.
Hiện nay trang trại của anh Tân có 7.500m2 mặt đất, 500m2 mặt nước, gồm: Khu xử lý nước, khu ấp trứng lươn, khu trại ương lươn bột, khu ương lươn hương, khu nuôi thương phẩm...
Trong năm 2018, trang trại của anh Tân cho lươn bố mẹ sinh sản và tỷ lệ ấp nở đạt đầu con giống là 80% theo kế hoạch đề ra, cung ứng ra thị trường khoảng 1,1 triệu con lươn giống. Theo kế hoạch trong năm 2019, trang trại ứng dụng các phương pháp khoa học mới, cho lươn bố mẹ sinh sản và tỷ lệ ấp nở đạt đầu con giống lên đến 90% so với năm 2018. Với thành công đó, năm 2018 thu nhập của trang trại đạt trên 2 tỷ đồng (lợi nhuận trên 50%); dự kiến kế hoạch năm 2019 doanh thu của trang trại phải đạt gấp đôi năm 2018 (lãi từ 50% trở lên).
"Long Hồ là địa phương chuyên cây trái, nhưng những năm gần đây giá cả khá bấp bênh, nên nếu so sánh mô hình trang trại lươn giống và lươn thương phẩm với vườn cây ăn trái cùng diện tích trên năm, hiệu quả kinh tế mang lại từ nuôi lươn gấp hơn 8 lần. Đặc biệt mô hình ương lươn giống, nuôi lươn công nghiệp không cần diện tích lớn, thích hợp với những hộ dân ít đất, ven thành phố. Chỉ cần 6m2 đất là có thể nuôi được 1 hồ nuôi từ 3.000 con lươn thịt (trong 10 tháng, trừ chi phí lãi từ 30-60 triệu đồng). Nuôi lươn công nghiệp chỉ cần con giống chất lượng, nắm vững kỹ thuật là tỷ lệ đạt từ 90% trở lên"- anh Tân phấn khởi nói.
Để sản phẩm và thương hiệu của trang trại nhanh chóng được mọi người biết đến rộng rãi, anh Tân xác định tập trung mục tiêu vào thương mại điện tử, lập nhiều kênh bán hàng, như: Lập website với tên miền là "luongiongvinhlong.com", zalo, facebook, youtube để giới thiệu sản phẩm cũng như tương tác với khách hàng. Nhờ đó mà năm 2018 anh xuất hai lô hàng với 16.000 con lươn giống sang Nhật Bản và Hàn Quốc.
Trao đổi với phóng viên, anh Bùi Văn Triều- Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Vĩnh Long nhận xét: "Ngoài ý chí cao trong lao động sản xuất để phát triển kinh tế gia đình thì anh Tân còn là cầu nối hỗ trợ cho nhiều nông dân ở địa phương. Hiện tại, trang trại của anh sử dụng 15 lao động tại địa phương, với thu nhập ổn định 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra anh còn rất nhiệt tình hỗ trợ con giống, kỹ thuật cho nhiều hội viên nông dân khác ở địa phương, đặc biệt các hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế, vươn lên trong cuộc sống".