Ông Nguyễn Văn Thắng, chủ trang trại chăn nuôi quy mô 80 con lợn nái và 500 con lợn thịt ở xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) cho biết, thông tin giá lợn hơi trên thị trường vượt ngưỡng 45.000 đồng/kg nhưng chưa trang trại chăn nuôi lợn nào ở địa phương bán được giá đó. Trang trại của gia đình ông Thắng vừa xuất chuồng 30 con lợn nhưng giá vẫn chỉ 39.000 đồng/kg.
Là chủ trang trại chăn nuôi lớn ở thôn Việt Yên, xã Đông Yên (huyện Quốc Oai), ông Phùng Văn Hải nhận định: Thị trường lợn hơi hiện nay do thương lái thao túng, nhiễu loạn thông tin. Còn về mức giá lợn hơi, chị Nguyễn Thị Lan, một thương lái chuyên thu gom lợn cho lò mổ ở xã Vạn Phúc (huyện Thanh Trì) cho biết: Giá lợn hơi trên thị trường Hà Nội ở mức 40.000 đồng/kg, trang trại chăn nuôi theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP), sinh học, hữu cơ sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi có phân khúc giá cao hơn, dao động từ 45.000 đồng/kg đến 54.000 đồng/kg...
Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Thái (huyện Ứng Hòa) Nguyễn Văn Sơn cho hay: Địa phương có 3.000 con lợn nái, 18.000 lợn thịt. Thông tin lợn giống tăng giá trên thị trường ở mức 1 triệu đồng/con là có thực. Nếu giá lợn hơi tăng trong vòng 30 ngày tới sẽ có 50% số hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ trên địa bàn quay lại nghề với quy mô từ 10 đến 50 lợn thịt/hộ gia đình.
Ông Sơn cũng cho biết, với giá lợn giảm sốc vừa qua, xã Vạn Thái đã giảm tối đa tổng đàn, thải loại mạnh đàn lợn nái kém chất lượng nên công suất chuồng hiện chỉ đạt từ 60 đến 70%, nhưng nếu giá lợn ổn định, các trang trại sẽ tăng quy mô, đạt 100% công suất thiết kế.
XEM THÊM >> Giải pháp chống nấm mốc trong thức ăn chăn nuôi lợn
Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội khuyến cáo: Giá lợn hơi tăng là tín hiệu đáng mừng, nhưng việc tăng đàn lúc này là vấn đề phải cân nhắc rất kỹ. Trên thực tế, nếu cân đối tổng đàn vật nuôi trên địa bàn thành phố và khu vực lân cận thì khó có thể xảy ra thiếu hụt trong thời gian tới. Hà Nội vẫn kiên trì, khuyến cáo người chăn nuôi ổn định sản xuất, nông hộ chuyển hướng sang chăn nuôi an toàn sinh học, hữu cơ, còn các trang trại chăn nuôi lớn đầu tư công nghệ cao để giảm giá thành sản xuất. Các hợp tác xã, chủ trang trại, doanh nghiệp chăn nuôi lớn với quy mô 300 nái trở lên phải sản xuất gắn với tiêu thụ. Nếu không tìm được đối tác tiêu thụ thì không thể tăng đàn ồ ạt. Đồng quan điểm trên, Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ chăn nuôi Đồng Tâm (huyện Quốc Oai) Nguyễn Đình Tường cho hay: Phương châm của hợp tác xã là tăng đàn hay giảm đàn lợn phụ thuộc vào đầu ra của sản phẩm.
XEM THÊM >> Giám đốc Sở Nông nghiệp TP.HCM nói về giải cứu thịt lợn
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), tổng đàn lợn trên cả nước hiện nay vào khoảng 27 triệu con, giảm 1,7 triệu con so với đầu năm. Số lượng lợn đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trung bình khoảng 300 nghìn tấn/tháng từ nay tới cuối năm. Ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: Mới đây Cục Chăn nuôi khảo sát cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt lợn thị trường trong nước đã bão hòa. Trong khi đó, xuất khẩu tiểu ngạch sang Trung Quốc bấp bênh, nên việc tăng đàn là hết sức mạo hiểm.
Để hỗ trợ người chăn nuôi, Cục Chăn nuôi đang tổng hợp 3 khu vực chăn nuôi (khu vực doanh nghiệp có vốn FDI, khu vực trang trại và khu vực nông hộ) để có đánh giá, nhận định chính thức về tình hình và dự báo dài hạn nhằm khuyến cáo cho người chăn nuôi. Đồng thời xây dựng phần mềm dự báo thị trường chăn nuôi trong từng thời điểm nhằm thông tin sớm nhất cho người chăn nuôi lợn đưa ra quyết định phù hợp...