Anh Phạm Văn Thịnh đang kiểm tra trứng trước khi xuất ra thị trường
Nuôi nhiều thì lỗ lớn
Theo anh Phạm Văn Thịnh (phường Hố Nai, Biên Hòa, Đồng Nai) – một chủ trại cút, hiện với giá bán ra tại trại là 200 đồng/trứng, người nuôi cút lỗ 80 đồng/quả. Anh Thịnh cho biết, hiện anh nuôi hơn 300.000 con chim cút theo mô hình trại lạnh. Mỗi ngày anh thu hoạch khoảng 300.000 trứng cút.
Anh Phạm Văn Thịnh.
Theo bà Nguyễn Thị Vân Phương - Phó trưởng Phòng NNPTNT huyện Thống Nhất cho biết, đã nhiều lần làng cút Đồng Nai rơi vào tình thế nguy hiểm này. Nhiều người nuôi cút đã phá sản vì giá cút rớt giá sâu. Chu trình lập đàn cút khá ngắn chỉ khoảng 35 ngày. Vì thế, khi gặp khủng hoảng giá, người nuôi phá đàn cút và chờ có tín hiệu giá tốt thì mua giống lập đàn lại”.
Một chủ trại cút nuôi hơn 60.000 con ở phường Hố Nai cũng cho biết, giờ tính ra mỗi ngày anh lỗ gần 10 triệu đồng. Theo anh, với giá thức ăn cho cút như hiện nay thì bán trứng không đủ bù chi.
Những thương lái cũng đang “sốt xình xịch”. Anh Phan Hữu Đạo – một lái cút ở Biên Hòa cho biết, anh đang có gần 10 vệ tinh nuôi chim cút gia công. Ngoài việc bao tiêu giá trứng cút và thịt cút cho các hộ này, anh còn cung cấp giống cút.
Trung bình mỗi tháng, anh cung ứng khoảng 150.000 con cút giống cho các vệ tinh này. “Nếu tình hình giá không cải thiện trong thời gian tới, xem như không chỉ các vệ tinh của tôi vỡ trận mà làng cút Đồng Nai cũng lâm nguy”- anh thổ lộ.
Lực mua rất yếu
Hiện, trung bình mỗi trại nuôi cút cho anh Đạo có khoảng 10.000 con cút. Trước đây mỗi trại mỗi tháng lên một đàn cút mới thì hiện nay khi giá trứng lao dốc sẽ phải kéo dài ra khoảng 1,5 tháng mới lên đàn để hạn chế chi phí. Lâu nay, làng cút Đồng Nai còn xuất tiểu ngạch sang Campuchia. Tuy nhiên, theo anh Đạo, thời gian qua thị trường Campuchia cũng giảm lượng mua.
Giai đoạn chưa rớt giá người nuôi cút ở Đồng Nai có thu nhập hàng chục triệu đồng mỗi tháng
Đồng Nai có tổng đàn chim cút lớn trong khu vực Đông Nam Bộ, với gần 4 triệu con. Chim cút tại Đồng Nai chủ yếu được nuôi trong các trang trại, nuôi nhỏ lẻ không nhiều. Địa phương có nhiều trang trại nuôi chim cút là huyện Trảng Bom và Thống Nhất.
Lý giải cho việc trứng cút đang rớt giá, bà Nguyễn Thị Vân Phương cho rằng, một phần cũng do hệ quả của việc tỉnh Đồng Nai quyết liệt “giải cứu” thịt lợn. “Trong thời gian “giải cứu” thịt lợn, người dân tiêu dùng rất nhiều thịt này nên số lượng trứng cút bán ra bị ảnh hưởng nghiêm trọng”- bà Phương nói.
Hiện anh Phạm Văn Thịnh đã cho thanh lý toàn bộ 300.000 cút mái để vừa chờ giá vừa giảm chi phí cho đàn cút. “Sắp tới tôi sẽ mua giống cút lập đàn lại, nhưng bước đầu cũng chỉ nuôi 100.000 con thôi, khi có tín hiệu giá lên mới đổ giống đầy trại”-anh Thịnh chia sẻ.