Giá lợn hơi hôm nay giảm sâu do đàn lợn đến lứa xuất chuồng. Ảnh minh họa
Sau thời gian duy trì ở mức giá 35.000 đến 37.000 đồng/kg, giá lợn hơi tại nhiều tỉnh ở vùng Đông Nam Bộ và ĐBSCL giảm 4.000 – 5.000 đ/kg xuống còn 30.000 – 32.000 đ/kg. Giá lợn hơi tại các tỉnh miền Bắc cũng có xu hướng giảm. Giá lợn hơi tại huyện Hải Hậu, Nam Định giảm 2.000 đ/kg, hiện đang ở mức 31.000 đ/kg. Có địa phương giá lợn chỉ còn ở mức 26.000 đến 28.000 đồng/kg.
Giá lợn giống cũng xuống thấp chỉ 700.000 – 800.000 đồng/con 20kg, thấp hơn 400-500 ngàn đồng/con so với năm ngoái nhưng vẫn không có người mua.
Theo Bộ NN&PTNT cho biết, giá thịt lợn trong tháng 8 giữ ổn định ở mức thấp, hiện người dân vẫn thận trọng trong việc đầu tư tái đàn. Hầu như chỉ các gia trại, trang trại chăn nuôi quy mô lớn tái đàn tuy nhiên số lượng rất hạn chế. Ước tính tổng số lợn cả nước trong tháng giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016.
Giá thịt lợn hơi trong nước giảm trong tháng 8 do nguồn cung thịt lợn trên thị trường vẫn rất dồi dào. Trong khi đó, xuất khẩu theo đường chính ngạch và tiểu ngạch đều chưa có dấu hiệu khả quan.
Trong khi giá một số thực phẩm như thịt gà, trứng tăng mạnh do nhu cầu tiêu dùng tăng thì giá thịt lợn lại giảm khiến người chăn nuôi hết sức khó khăn.
Do giá lợn hơi giảm sâu nên người chăn nuôi cũng rất cân nhắc khi tái đàn. Ảnh minh họa
Mới đây, tại Hội thảo “Đổi mới quản lý chuỗi sản xuất thịt lợn theo định hướng quốc tế” do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ Kinh tế Hà Lan vừa tổ chức ở TP. Hồ Chí Minh, vấn đề liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được các chuyên gia đánh giá là giải pháp quan trọng cho phát triển ngành chăn nuôi hiện đại, bền vững ở Việt Nam.
Theo đó, việc đổi mới hợp tác liên kết chuỗi giá trị cần có chính sách khuyến khích doanh nghiệp, HTX triển khai liên kết chuỗi, đồng thời hỗ trợ xây dựng, phát triển khung thể chế mới về liên kết chuỗi giá trị hàng hóa cũng như các sản phẩm chủ lực của địa phương.
Đồng thời, sản phẩm chăn nuôi, sản xuất thịt lợn trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh với hàng hóa ngoại nhập, đòi hỏi phải đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, trong khi phần lớn các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, chế biến chưa quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc là khó khăn lớn tại Việt Nam.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành chăn nuôi tại Việt Nam là làm sao để kiểm soát hệ thống thương lái, vì khâu này đang chiếm lợi nhuận cao trong chuỗi cung ứng nhưng chưa có quy định để đảm bảo sự bình đẳng, minh bạch. Bên cạnh đó, việc kiểm soát, giám sát hệ thống thương lái còn góp phần tăng cường đảm bảo an toàn thực phẩm và quyền lợi người tiêu dùng.
Để làm được điều này không chỉ cần những giải pháp khuyến khích, vận động mà phải có nhiều công cụ quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn một cách chặt chẽ dựa trên cơ sở pháp lý. Đặc biệt, việc xây dựng và hình thành chuỗi giá trị cho hàng hóa cần liên tục và củng cố để nâng cao giá trị của sản phẩm cuối cùng lên mức cao nhất.