Giá lợn hôm nay ổn định nhưng người chăn nuôi vẫn rất khó khăn. Ảnh minh họa
Doanh nghiệp thâu tóm tạo giá ảo
Ông Hà Hữu Thưởng, chủ trang trại lợn ở xã Yên Tân (Ý Yên, Nam Định) cho biết, giá lợn hơi trên thị trường đang diễn biến rất khó lường, nhất là một tháng trở lại đây. Theo ông, từ đầu năm đến đầu tháng 7 vừa rồi, người nuôi “chết như ngả rạ” do giá xuống quá thấp, chỉ 18-19 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, từ khoảng gần giữa tháng 7, giá lợn bất ngờ tăng và trong khoảng 1 tuần đã vọt lên gấp đôi, hơn 40 nghìn đồng/kg.
Ông Phạm Đức Bình
“Giá lợn lên chóng mặt, không hiểu chuyện gì đang xảy ra, giống như ai đó đang điều khiển. Nhưng lúc giá lên đến 42-43 nghìn đông/kg, hầu như chỉ số ít nhà cầm cự được mới còn lợn để bán, còn lại phải bán tống, bán tháo trước đó. Giờ thì giá lợn tụt dần, chỉ còn khoảng 30-31 nghìn đồng/kg”, ông Thưởng nói.
Ông Thưởng cũng cho rằng, đợt khủng hoảng giá lợn đầu năm đã đẩy nhiều trang trại đến cùng quẫn. Nhiều chủ đại lý cám phải dùng cả xã hội đen đi đòi nợ chủ trại lợn. Xã Yên Tân có 5-6 thôn nuôi lợn nhiều, nay chỉ nuôi cầm chừng 20-30% so với đầu năm.
Cho rằng giá lợn đang bị làm ảo, bất thường, ông Đỗ Quốc Gia, chủ trang trại lợn ở thôn Đan Nhiễm, thị trấn Văn Giang (Văn Giang, Hưng Yên) dẫn chứng: Khoảng gần một tháng trước, giá lợn mỗi ngày lên 1-2 giá, thậm chí có ngày lên 3-5 giá và lúc cao nhất đã lên 42-44 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, theo ông Gia, việc giá lợn tăng đột biến là do phía Trung Quốc “mở” biên. Mặt khác, giá lợn hơi trong nước thường phụ thuộc vào giá của các doanh nghiệp FDI lớn như C.P, Japfa…
“C.P đưa ra giá nào, thị trường theo giá đó, còn họ bán tống bán tháo, dân mình cũng phải bán tống bán tháo thôi. Thị trường kiểu này, không biết giá thế nào mà lần”- ông Gia nói.
Các doanh nghiệp có tiềm lực mạnh sẽ đủ sức vượt qua giai đoạn khủng hoảng giá lợn. Ảnh minh họa
Trong khi đó, nhận định khả năng DN FDI lớn như C.P tác động đến giá lợn thời gian qua, ông Nguyễn Trọng Long, chủ trang trại lợn hơn 4.000 con ở xã Tân Ước, huyện Thanh Oai (Hà Nội) cho rằng: “Thị trường theo quy luật, bình thường C.P cũng chẳng có gì sai. Đương nhiên, giá lợn cũng ít nhiều có tác động của DN FDI, bởi trong kinh doanh ai chả muốn thâu tóm”.
Còn ông Võ Việt Dũng, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn chế biến thực phẩm Nam Hà Nội, đơn vị đang xây dựng liên kết theo chuỗi cho rằng, nếu nói các DN như C.P điều khiển giá, cần phải có căn cứ xác đáng. "Tuy nhiên, việc tăng giá bất thường như vừa qua, chắc chắn phải có những yếu tố không bình thường", ông Dũng nói.
Theo đó, sau khi lên hơn 40 nghìn đồng/kg, hiện giá lợn đã tụt dần về 31-32 nghìn đồng/kg và khó có thể giảm sâu, vì áp lực hàng tồn không lớn. Tuy nhiên, một trang trại lợn ở phía Bắc nhận định rằng: “Lợn trong dân ăn ít bữa thì cũng cạn dần. Khi đã hết, lại phải quay sang mua lợn của C.P thôi”.
Đừng biến mình thành nạn nhân
Từ góc nhìn của người có nhiều năm gắn bó với ngành chăn nuôi lợn thời gian qua, ông Phạm Đức Bình, Chủ tịch HĐTV Cty TNHH Thanh Bình (Đồng Nai) cho rằng: “Nhiều người nói tránh, nhưng đó là do chiêu trò của các công ty FDI lớn, làm nhiễu loạn thị trường và người dân là nạn nhân”.
Ông Bình cũng cho rằng, trong kinh doanh, việc các DN FDI khai với cơ quan quản lý họ đang có bao nhiêu nái, lợn thịt, lợn giống… rất khó; vì đó là bí mật kinh doanh, phải chấp nhận.
“Tuy nhiên, phải dựa vào giấy phép đầu tư của họ. Chẳng hạn, cho phép họ nuôi, bán nội địa bao nhiêu %, xuất khẩu bao nhiêu… thì phải kiểm soát. Vừa rồi chỉ là một cú, sau này họ làm tiếp những cú khác thì sao…”, ông Bình phân tích.
Người chăn nuôi lợn theo quy trình VietGAP để tăng sức cạnh tranh. Ảnh minh họa
Ông Trần Đức Vang, hộ chăn nuôi ở Long Khánh (Đồng Nai) thì nhấn mạnh, doanh nghiệp có "bài" của họ, người chăn nuôi nhỏ cũng phải tự lớn lên, đừng mãi cam chịu làm nạn nhân.
Một trong những phương cách mà ông Vang lựa chọn là nuôi lợn theo chuẩn VietGAPHP, tuy nhiên để thành công còn phải tính đến việc người thu mua phải cùng chia sẻ lợi nhuận với người chăn nuôi. Khi giá lợn VietGAHP chênh lệch hợp lý giá lợn thường, người nuôi sẽ yên tâm sản xuất, thương lái sẽ có nguồn hàng ổn định, người tiêu dùng cũng an tâm.
Ông Trần Quang Mậu - Chủ trang trại huyện Thống Nhất (Đồng Nai)
“Khâu chăn nuôi của nông hộ sẽ gắn liền bộ phận cung cấp nguyên liệu đầu vào. Với thương lái và lò giết mổ thì có lực lượng quản lý thị trường, chi cục thú y kiểm soát. Miếng thịt đến tay người bán lẻ thì có đủ giấy tờ, thông tin truy xuất. Khi khép kín được vòng tròn này thì không lo sợ thị trường bị phá bĩnh hay biến động bất thường”, ông Vang giải thích.
Còn ông Phan Đức Minh lại nêu quan điểm, khi thương lái bán lợn bẩn, bị xử phạt nhiều lần thì cũng phải đi tìm nguồn lợn sạch. Lời ít mà chắc, còn hơn lỗ. Giá thu mua lợn sạch mà nhỉnh hơn thì những người nuôi lem nhem cũng phải nghỉ do áp lực giá, không cần ai ép. Từ đó sẽ ổn định lại mức cung cấp ra thị trường. Để thu lợi nhuận và cạnh tranh được với các công ty chăn nuôi lớn, các nông hộ buộc phải thay đổi cách sản xuất, chủ động nguồn thức ăn và liên kết lẫn nhau.
Đồng quan điểm, ông Trần Hữu Trung, tổ trưởng tổ chăn nuôi VietGAHP ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho rằng tâm lý người dân chỉ muốn giá ổn định, đảm bảo có lời dù ít. Để tránh rủi ro, nông hộ không cần nuôi nhiều mà chỉ cung cấp đủ số lượng đã ấn định, thêm phần ít để dự phòng. Những người không còn sức lao động ở xí nghiệp hoặc làm ruộng vẫn có thể ổn định cuộc sống từ việc nuôi mấy chục con lợn.
Người tiêu dùng mong muốn được sử dụng thịt lợn an toàn. Ảnh minh họa
Đó cũng là mục đích của Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi Lifsap mà tỉnh Đồng Nai đang thí điểm là tạo vết dầu loang để người kế bên làm theo. Khi lợi nhuận đảm bảo, chỉ những người sống chết với nghề mới bắt buộc tuân thủ và bảo vệ công việc, không thể chụp giật, nay nuôi mai nghỉ. Nhà nước cũng dễ quản lý từ chất lượng đến số lượng thông qua hợp đồng, ông Trung nhấn mạnh.
"Khi thị trường ổn định, người chăn nuôi không phải phập phồng giá lên xuống bất chợt; tạo đà nhân rộng các trang trại quy mô lớn hay các hộ nhỏ lẻ liên kết lại, không manh mún nhỏ lẻ nữa", ông Trung cho hay.