dd/mm/yyyy

Giá lợn hơi hôm nay 07/8: Chăn nuôi nhỏ vỡ nợ, trang trại lớn được "chống lưng" để tránh rủi ro

Giá lợn hôm nay vẫn duy trì ổn định nhưng vẫn neo ở mức 30.000 đến 36.000 đồng/kg khiến nhiều người chăn nuôi ngồi trên đống lửa. Sự kiên nhẫn của người chăn nuôi cạn dần khi giai đoạn khó khăn kéo dài gần 1 năm qua. Tuy nhiên, với những trang trại lớn lại có những giải pháp để giảm thiểu rủi ro.

Đợt khủng hoảng giá lợn kéo dài, những hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ trắng tay. Ảnh minh họa

Tìm hiểu tại một số vùng chăn nuôi lớn của cả nước, không khí làm ăn trầm lắng khi đợt khủng hoảng giá lợn chưa kết thúc. Nhưng người gánh chịu tổn thất lớn nhất lại là những người chăn nuôi nhỏ, lẻ.

 Bộ NN&PTNT đánh giá, nuôi nhỏ lẻ thường gặp biến động theo giá cả lên xuống, dịch bệnh bùng phát. Tuy nhiên, nuôi nhỏ lẻ cũng thích nghi nhanh với thị trường. Có thể hôm nay treo chuồng, thì sau này, khi giá tốt lên họ lại đổ tiền nuôi, vì thế, những hộ này này dù cho có bỏ đàn thì cũng không thể lấy làm thước đo chung cho cả ngành chăn nuôi được.

Qua thực tế qua khảo sát, đã, đang có hàng loạt hộ chăn nuôi quy mô nhỏ với năm mười con nái không thể trụ được trước cơn bão giá kéo dài tới gần một năm trời. Thời gian qua, người chăn nuôi có quy mô nhỏ phải tự trang trải, lo liệu đủ đường. Khi không thể trụ nổi với nghề chăn nuôi có nghĩa là mất vốn, mất nghiệp và nợ nần.

Bởi những người chăn nuôi nhỏ, lẻ họ không được ngân hàng cho vay vốn như các trang trại lớn. Không được đại lí thức ăn “bao” như trại lớn, nên mỗi khi gặp khủng hoảng giá một vài tháng chứ đừng nói là một năm như vừa qua thì rất khó cầm cự. Đối với họ, giải pháp bán sạch lợn nái, treo chuồng là cách tốt nhất để cắt lỗ.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT đã đưa ra một côn số giật mình khi tỉ lệ hộ chăn nuôi nhỏ đang chiếm tới 60 đến 65%. Có nghĩa, đợt khủng hoảng giá lợn đã cuốn bay cơ nghiệp của trên 60% hộ chăn nuôi, tuy nhiên chỉ chiếm khoảng 10 đến 15% tổng đàn lợn trên 30 triệu con của cả nước.

Vậy còn 35 đến 40% còn lại, theo Bộ NN&PTNN là những trang trại lớn và doanh nghiệp đang nắm giữ thị phần 85 đến 90% đàn lợn cả nước. Dù cũng lâm vào tình trạng khó khăn, thậm chí lỗ vốn nhưng họ vẫn được "chống lưng" để vượt qua khủng hoảng.

Những trang trại chăn nuôi lớn luôn có giải pháp để giảm thiểu thua lỗ. Ảnh minh họa

Theo một số chuyên gia nông nghiệp nhận định, những trang trại quy mô lớn, ngoài một số của người dân tự đầu tư, còn phần lớn của các doanh nghiệp lớn. Họ, ít nhất là đã hình thành một ngành công nghiệp với các khâu hậu cần (nhà máy thức ăn, thuốc thú y, trang trại, vận chuyển, giết mổ, chế biến…) hoàn chỉnh nên rất khó có thể xoá sổ.

 Trại nào lớn mà chẳng có lập ra quỹ dự phòng, ví dụ năm nay giá lợn tốt, có lời thì trích lập một khoản lợi nhuận đề phòng lúc giá giảm hoặc dịch bệnh để cân đối. Các trại này, không bao giờ treo chuồng!
Ông Bảy Đoàn khẳng định.

Theo ông Bảy Đoàn, một chủ đại lí thức ăn ở huyện Cai Lậy, Tiền Giang có doanh số bán hàng hơn 1.000 tấn mỗi tháng, cũng khẳng định: Cơn bão giá lợn thời gian qua chỉ có thể “thổi bay” các trang trại nhỏ, còn những hộ nuôi lớn từ hàng trăm nái trở lên vẫn tồn tại, vì họ có tiềm lực và chuyên nghiệp. Họ đầu tư lớn, sống chết với nghề, coi biến động thị trường là lẽ thường nên có cách đối phó.

Cũng như các doanh nghiệp lớn, các trang trại quy mô hàng trăm nái trở lên luôn biết cách vượt “bão”. Họ biết tính toán chi phí ở mức thấp nhất, thiết lập cách quản lý trại hiện đại, thiết lập quỹ dự phòng rủi ro.

Bên cạnh các giải pháp dự phòng, đa số các trang trại lớn hiện nay còn được ngân hàng, đặc biệt là các công ty cám “chống lưng”. Hộ nuôi nhỏ lẻ khó tiếp cận vốn, chứ các trại lớn có tài sản thế chấp sẽ dễ vay hơn.

Với các nhà máy sản xuất thức ăn cũng ưu ái những trang trại lớn, cho lấy cám trực tiếp nên có giá rẻ hơn so với qua đại lí. Trong giai đoạn khó khăn vừa qua, các trang trại lớn cũng được các nhà máy cám, thuốc thú y tiếp sức cho “sống sót” bằng cách tăng hạn mức sản lượng, tăng nợ; vì nếu họ chết thì nhà máy cũng chết, nên hai bên phải nương tựa vào nhau.

Những trang trại lớn thường dễ dàng vay vốn và được doanh nghiệp thức ăn ưu ái. Ảnh minh họa

Ông Trần Văn Thảo, chủ đại lí cám ở Chợ Gạo, Tiền Giang, nói các nhà máy thức ăn, thuốc thú y cũng phải cạnh tranh, giành khách hàng nên không thể bỏ rơi các trại chăn nuôi lớn lúc khó khăn được. Thậm chí, vừa qua có công ty cám còn cho nhân viên xuống các trại để tư vấn, cùng với chủ trại sắp xếp lại đàn lợn, đưa ra quy trình quản lí nhằm giảm chi phí để vượt qua khó khăn.

“Cũng có trường hợp các trại lớn loại lợn nái, nhân lúc thị trường khó khăn để họ bỏ đi những con có chất lượng kém để mua con tốt hơn. Còn xét trên tổng thể, đàn lợn ở các trại lớn ít có biến động”.
Ông Trần Văn Thảo.

Trong khi đó, theo tính toán của một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn, có kinh nghiệm, chu kỳ tăng/giảm giá lợn hơi tại Việt Nam thường lặp lại khoảng hai năm một lần. Nghĩa là, cứ hai năm giá thấp thì sẽ có hai năm giá cao. Phân tích này dựa trên cơ sở khi giá thấp, người nuôi bỏ đàn nái thì ít nhất từ một năm sau đàn heo sẽ bị hụt, gây biến động cung cầu, giá ắt tăng trở lại.

Bởi vậy, trong khủng hoảng giá lợn hiện nay, người chăn nuôi nhỏ lẻ muốn tồn tại phải liên kết với nhau thông qua tổ hợp tác, HTX từ đó có đủ tiềm lực để đàm phán với ngân hàng, với đơn vị sản xuất thức ăn đồng thời chủ động nắm bắt thị trường.

Hữu Bình