dd/mm/yyyy

Giá lợn (heo) hôm nay 10/8: Nếu tỉnh nào cũng làm như Đồng Nai heo sẽ không còn giảm sốc

Đồng Nai là thủ phủ nuôi heo của cả nước. Trong đợt biến động giá lợn vừa qua, thủ phủ nuôi heo như trải qua cơn địa chấn. Nhưng cũng rất nhanh, Đồng Nai đã đi đầu cả nước với các giải pháp "cứu" người nuôi heo và ổn định lại ngành chăn nuôi sau cơn sóng gió.

Đồng Nai là tỉnh có tổng đàn heo luôn dẫn đầu cả nước. Ảnh minh họa

Giải quyết hết lượng heo tồn sau 2 tháng

Khi cả nước đang loay hoay tìm lối thoát cho người nuôi heo khi giá giảm sốc, Đồng Nai cũng là địa phương đầu tiên vào cuộc giải cứu người nuôi heo. Cách làm của tỉnh này là không hô hào, kêu gọi chung chung mà phải bằng hành động cụ thể, hiệu quả.

Từ ngày 1.5.2017, Ban chỉ đạo Hỗ trợ thiêu thụ heo tỉnh Đồng Nai được thành lập. Nhiệm vụ của Ban này rất cụ thể: hỗ trợ người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh tiêu thụ hết lượng heo tồn.

Những điểm bán thịt heo bình ổn đã góp phần giải quyết hết lượng heo tồn. Ảnh minh họa

Sau hai tháng hoạt động, theo báo cáo của Ban chỉ đạo, tổng lượng heo đã tiêu thụ được khoảng hơn 700 ngàn con. Tổng đàn heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã giảm từ 1,8 triệu con (vào đầu tháng 5.2017) xuống còn khoảng 1,57 triệu con cuối tháng 6.2017.

Từ đầu mối là Ban chỉ đạo, các điểm bán thịt heo được tỏa ra khắp các địa phương. Thống kê có tới 34 điểm bán heo bình ổn do tỉnh mở ra ở khắp các địa bàn trong tỉnh. Các điểm này chính là "ngòi nổ" kéo giá heo tại siêu thị về với giá thị trường, người tiêu dùng được hưởng lợi từ giá thịt heo giảm nên nhu cầu tiêu thụ tăng lên.

Đây chính là giải pháp hiệu quả nhằm giảm lượng heo tồn đọng không xuất bán được do giá quá rẻ mạt. Khi lượng heo tồn không còn, nguồn cung cân bằng đã đẩy giá heo đi lên một cách tự nhiên theo quy luật thị trường.

Heo được giá nhờ đeo vòng truy suất

Sáng kiến đeo vòng cho heo để kiểm soát nguồn gốc thịt heo được Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh triển khai từ cuối tháng 7. Vấn đề này gây ra nhiều tranh cãi. Tuy nhiên, đây là thị trường tiêu thụ 50% sản lượng heo của cả tỉnh nên Đồng Nai triển khai khá hiệu quả.

Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, tỉnh đã tổ chức những chương trình tập huấn, hướng dẫn cho nông dân về thực hiện đeo vòng cho heo tại các hội nghị điểm ở cấp tỉnh.

Người chăn nuôi được hướng dẫn, hỗ trợ nuôi heo sạch và thực hiện truy suất. Ảnh minh họa

Trước khi có đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, tỉnh Đồng Nai đã triển khai việc cấp mã số cho các trang trại chăn nuôi lớn. Theo thống kê, toàn tỉnh đã có 325 trang trại đăng ký tham gia truy xuất nguồn gốc heo, trong đó 50 trang trại đã thực hiện việc truy xuất.

Để lượng heo của Đồng Nai tiếp tục được tiêu thụ tại TP.HCM, trong tháng 6 vừa qua, Sở Công Thương, Sở NN&PTNT đã phối hợp với Sở Công Thương TP.HCM mở 4 lớp tập huấn truy xuất nguồn gốc thịt heo cho các đối tượng hộ chăn nuôi, tổ hợp tác, chủ trang trại, cơ sở giết mổ và cán bộ quản lý của 11 huyện, thị xã và TP. Biên Hòa.

Tỉnh Đồng Nai cũng cam kết từ ngày 1.9.2017, tất cả heo của Đồng Nai xuất vào TP.HCM đều phải đeo vòng truy xuất nguồn gốc theo Đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo của Sở Công Thương TP.HCM.

Do kiểm soát được nguồn gốc heo và kết nối thị trường hiệu quả nên giá heo tại Đồng Nai luôn cao hơn so với mặt bằng giá của khu vực miền Nam và cả nước.

Hãm phanh đàn heo

Khi giá heo đang tăng dần, cũng là lúc nhiều doanh nghiệp và trang trại mở rộng quy mô, tăng đàn. Nhưng tỉnh Đồng Nai đã nhìn thấy những hệ lụy và tỉnh đã có động thái ngừng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nuôi heo.

Cụ thể là văn bản số 7460/UBND-ĐT của UBND tỉnh gửi các sở ngành, địa phương về việc tạm dừng trình hồ sơ hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lĩnh vực dự án chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh này.

Kiểm soát nguồn cung và đeo vòng truy suất sẽ giúp ngành chăn nuôi Đồng Nai vượt qua khó khăn. Ảnh minh họa

Lý giải về quyết định này, ông Nguyễn Thành Vinh, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh cho biết, theo quy hoạch đến 2020, đàn lợn của Đồng Nai sẽ đạt tổng 2 triệu con. Tuy nhiên mới đầu 2017, tổng đàn heo đã đạt con số này nên tỉnh không khuyến khích phát triển do sản lượng đã ổn.

Theo tính toán, một năm chỉ cần sản xuất 4,7 triệu con lợn là đáp ứng được nhu cầu tiêu thụ được trong tỉnh, TP.HCM, các tỉnh lân cận và một phần xuất sang Trung Quốc.

Số lượng heo nái cũng chỉ duy trì ở mức 250 ngàn con. Mà hiện nay, qua rà soát, số lợn nái đã lên tới 300 ngàn con. Như vậy là phải tiếp tục giảm để đảm bảo cung cầu.

Nếu khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, người dân cũng đổ xô tăng đàn thì nguy cơ vỡ đàn lại sảy ra và người nuôi heo lại rơi vào khó khăn.

Hữu Bình