dd/mm/yyyy

Giá lợn bật tăng 40.000 đồng/kg, lộ diện bàn tay thao túng?

Chưa khi nào giá lợn lại diễn biến tăng nhanh và cấp tập như trong 1 tuần gần đây. Trong vòng mấy ngày, giá lợn đã vọt lên mức 40.000 đồng/kg, trước đó giá lợn loay hoay ở mức 20.000 đến 25.000 trong thời gian dài. Nhiều ý kiến cho rằng, khi số lượng lợn nuôi trong dân cạn kiệt là lúc doanh nghiệp đẩy giá bung hàng.

Cảnh thương lái giành mua lợn tại chợ đầu mối An Nội (Bình Lục, Hà Nam). Ảnh: Việt Tùng

Nghịch cảnh giá tăng mà không còn lợn

Diễn biến giá lợn hơi tăng chóng mặt, tuy nhiên không phải người chăn nuôi nào cũng có được niềm vui. Tại thủ phủ lợn Hà Nam, giá lợn tăng nhưng thương lái muốn gom hàng cũng rất khó. Mấy ngày gần đây, chợ đầu mối An Nội (Bình Lục, Hà Nam) thường diễn ra cảnh thương lái tranh mua.

 Nhiều người chăn nuôi và chủ các lò mổ gia súc tại Nghệ An, Đồng Nai, Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên cũng cho rằng, giá lợn hơi sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới và có khả năng "cán" mức 45 nghìn đồng/kg nếu Trung Quốc tiếp tục cho nhập lợn nguyên con qua cửa khẩu.

Nếu như trước đây, mỗi ngày ông Đinh Văn Quang (Mê Linh, Hà Nội) chở về Cầu Giấy 2 con lợn móc hàm, thì hiện nay mỗi ngày ông chỉ chở từ 1-1,5 con. “Giá lợn hơi tăng 10 nghìn đồng/kg buộc chúng tôi phải tăng giá các loại thịt lên 2-3 giá. Nhiều người đi chợ muộn là đã không còn hàng để mua. Việc tìm mua lợn ngon trong các hộ dân để bán ra thị trường hiện nay không dễ dàng như trước bởi lợn hiếm hơn, những con lợn ngon thường bị "ghim lại" chờ giá, hoặc phải mua với giá cao hơn” – ông Đinh Văn Quang cho biết.

Một điều cũng đáng lưu tâm là, giá lợn tăng nhưng chỉ cục bộ ở một số địa bàn. Giá thu mua heo tại miền Bắc đang tạo khoảng cách khá lớn so với giá heo tại miền Trung và miền Nam. Hôm 14.7, giá lợn trung bình tại miền Bắc lên tới 39.000 - 40.000 đồng/kg, giá tại miền Trung và miền Nam cao nhất vẫn chỉ 32.000 đồng/kg

Những điểm tập kết lợn thương lái phải nhanh tay mới chọn được lợn ngon. Ảnh Việt Tùng

Theo số liệu ghi nhận được tại Đồng Nai, lượng lợn thịt đến thời điểm xuất chuồng trên địa bàn tỉnh hiện còn khoảng 176.000 con, giảm 50.000 con so với tháng trước. Trong đó, lợn nuôi trong các nông hộ chỉ còn 55.000 con.

Doanh nghiệp đang làm chủ sân chơi

Song hành với mỗi đợt thị trường tăng giá, Cty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam lại có động thái tăng giá lợn. Từ ngày 10.7, Công ty CP tăng giá bán lợn từ 27.500 đồng lên 28.500 đồng. Đến ngày 12.7, giá của CP tăng lên 32.000 đồng, ngày 13.7, giá tại trại của CP 34.000 đồng/kg. Ngày 14.7, CP lại tiếp tục tăng giá lên 36.000 đồng/kg, giá tại trung tâm Hoà Bình, Hải Phòng 36.500 đồng/kg, tại kho Bắc Giang là 37.000 đồng/kg.

 Từ trước đến nay, giá thị trường tăng giảm gần như phụ thuộc vào một số doanh nghiệp lớn. Hiện tại, theo thống kê, số lượng heo trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã giảm, nhiều DN chăn nuôi lớn cũng đã tăng giá, chắc chắn từ nay đến cuối năm giá lợn hơi sẽ tăng.
Ông Nguyễn Kim Đoán

Lý giải về diễn biến giá lợn tăng từng ngày, ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi Đồng Nai cho biết, mấy ngày gần đây tại một số cửa khẩu, lợn hơi bắt đầu xuất được sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch trong khi số lợn hơi đang tồn kho trong dân đang giảm.

Bên cạnh đó, sau nhiều tháng giá lợn hơi chạm đáy, ngành chăn nuôi rơi vào cảnh thua lỗ, các hộ chăn nuôi kiệt quệ và không dám tái đàn, chỉ còn các doanh nghiệp lớn trụ vững và đang làm chủ “sân chơi” này. Đã đến lúc lập lại mặt bằng giá cả nên các doanh nghiệp đã đẩy giá lên để cắt lỗ, ông Đoán cho hay.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Kim Đoán khuyến nghị: Người chăn nuôi nên thận trọng, với mức giá 38-40 nghìn đồng có thể hòa vốn và lãi chút đỉnh. Nhưng nuôi một con lợn thịt cũng mất 4-5 tháng. Trong khi đó, đàn lợn thịt của các DN đang khá lớn. Liệu người dân có đủ sức để “đua” với các DN này? Sau 4-5 tháng, giá lợn có thể xuống khi các “ông lớn” lại tung hàng triệu con ra thị trường. Lúc đó, người nông dân chắc chắn là chết hẳn, không thể đủ sức trả nợ ngân hàng.

Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng, giá lợn hơi trên thị trường gần như bị chi phối bởi một số DN lớn có vốn đầu tư nước ngoài. Khi doanh nghiệp đẩy giá lên, trên thị trường lập tức tăng giá. Ngược lại, khi doanh nghiệp giảm giá, giá thị trường cũng giảm theo.

Người nuôi lợn đa số quy mô nhỏ và ít vốn nên không thể cạnh tranh với doanh nghiệp. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ngày 12.7, trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Vũ Anh Tuấn - Phó Tổng giám đốc Cty Cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam, cho rằng: Những ý kiến nói C.P có thể “điều tiết” được thị trường là chưa đẩy đủ. Bởi số lượng chăn nuôi nái của Cty C.P đều công khai và cơ quan quản lý đều biết.

Hiện tại C.P nuôi chưa đến 250 ngàn con, tính ra thị trường chưa chiếm nổi 5%. C.P cũng muốn bán giá cao, vì đến nay CP đang bị tồn và đang bị lỗ nặng. Hiện nay, trên thị trường, một số nơi đã bán được giá 34 nghìn đồng. Riêng C.P vẫn đang bán với giá 30 - 31 nghìn đồng/kg, ông Tuấn nói.

Trong cuộc trả lời báo chí gần đây, ông Nguyễn Xuân Dương - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định: “Giá lợn hơi tăng là do nhu cầu của thị trường, bởi hiện tại số lượng lợn tồn trong chuồng đã giảm. Mặt khác, thông thường dịp cuối năm nhu cầu sử dụng thịt cũng tăng lên”.

Tuy nhiên, theo ông Dương, những tín hiệu tích cực của thị trường thịt lợn đang chỉ mang tính thời điểm, chưa ổn định. Lúc này, người chăn nuôi không nên tăng đàn, không tăng quy mô chăn nuôi để tránh rủi ro. Chỉ cần tổ chức sản xuất tốt với những gì hiện có là hiệu quả sẽ tăng lên.

Hữu Bình