Không thể cưỡng lại đà tăng
Giá heo hơi hôm nay 13/11 ở các tỉnh miền Bắc tiếp tục xô đổ những kỷ lục đã lập trước đó, khi mức giá đã gần chạm đến ngưỡng 80.000 đồng/kg.
Theo đó, giá heo hơi ở một số địa phương trong tỉnh Thái Nguyên đã đạt 77.000 - 78.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Hà Nội cũng đạt 75.000 - 76.000 đồng/kg.
Giá heo hơi tại Hà Nam, Thái Bình, Nam Định đạt 75.000 đồng/kg; giá heo hơi tại Bắc Giang là 76.000 đồng/kg. Mức giá 76.000 đồng/kg thịt lợn hơi cũng đã xuất hiện tại tỉnh Sơn La.
Ông Trần Quốc Toản – chủ trang trại lợn quy mô 2.000 con ở Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên) cho biết, giá heo hơi xuất chuồng tại xã ông hôm nay đã tăng lên 76.000 đồng/kg. Theo ông, dù giá heo hơi tăng cao nhưng thương lái vẫn lùng mua khắp nơi.
Anh Nguyễn Văn Tâm – một đầu mối mua lợn sỉ với số lượng lớn ở khu vực Vĩnh Phúc, Phú Thọ cho biết, giá lợn hơi tại 2 tỉnh này đã tăng lên 74.000-75.000 đồng/kg.
Theo anh Tâm, lượng lợn nuôi trong dân gần như đã cạn, thương lái gom mua rất vất vả. Trong khi, nguồn cung thịt lợn hơi từ các công ty ra thị trường mỗi ngày được bán cầm chừng vì số lượng lợn của doanh nghiệp chăn nuôi cũng có hạn, chỉ ưu tiên bán cho khách quen và không phải ai cũng mua được trực tiếp từ công ty.
Trong khi đó, ngày 13/11, Công ty Chăn nuôi CP lại tiếp tục tăng giá heo hơi thêm 1.000 đồng/kg nên chắc chắn mức giá 75.000 - 76.000 đồng/kg sẽ vô cùng phổ biến, thậm chí nhiều nơi xuất hiện mức giá 77.000 - 78.000 đồng/kg.
Theo nhiều nguồn tin, giá heo hơi hôm nay 13/11 ở miền Nam đã chính thức xác lập kỷ lục mới, gần chạm đến con số 70.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Cụ thể, giá heo hơi hôm nay ở Đồng Nai đã chính thức chạm ngưỡng 70.000 đồng/kg, trong khi tại Bình Dương, giá heo hơi cũng ghi nhận tăng 11.400 đồng/kg so với tháng trước, ở mức 64.000 - 65.000 đồng/kg; giá thịt heo thành phẩm tăng 10.000 đồng/kg; sườn non 145.000 đồng/kg; ba rọi rút sườn 150.000 đồng/kg.
Tại Bến Tre, giá heo hơi cũng đạt 67.000 - 68.000 đồng/kg, nhiều tỉnh trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cũng đạt mốc này, giao dịch heo vô cùng sôi động.
Hiện nhiều trại chăn nuôi heo không còn heo để bán hoặc “neo” lại để chờ giá tăng thêm nên thương lái nâng giá thu mua lên để có hàng phục vụ giết mổ.
Có chuyện thổi giá?
Trao đổi với PV. VietNamNet xung quanh câu chuyện giá thịt heo đang tăng phi mã trong những ngày gần đây, thậm chí một số nơi đã đạt mốc 78.000 đồng/kg, ông Nguyễn Xuân Dương – quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT) cho biết, ngày 11/11, Cục Chăn nuôi, trong đó có ông vừa có chuyến đi thực địa lên vùng Bắc Giang đã khảo sát giá cũng như nguồn cung thịt heo.
Qua chuyến đi thực tế thấy nguồn cung thịt heo trên Bắc Giang khá dồi dào, đủ cung cấp cho thị trường tỉnh này. Thậm chí, Bắc Giang còn cung cấp heo hơi cho các tỉnh khác như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh… với số lượng lớn.
Giá ở đây các doanh nghiệp chăn nuôi bán phổ biến ở mức 64.000-66.000 đồng/kg lợn hơi xuất chuồng.
Còn trong dân họ xuất bán với giá 73.000-75.000 đồng/kg. Theo ông Dương, đây là giá thu mua ở những hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, không phải giá phổ biến.
Ông Dương thừa nhận, nguồn cung thịt lợn ở nước ta đang thiếu hụt do ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi, song lượng thịt không nhiều, vẫn có thể bù đắp được.
Điều đáng lo ngại có dấu hiệu thương lái lợi dụng sự khan hiếm heo cục bộ để đẩy giá, thổi giá lên cao, ông chia sẻ.
Trước đó, cuộc họp quý III của Ban chỉ đạo nhằm tham mưu với Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ các biện pháp điều hành giá từ nay tới cuối năm và dự kiến giải pháp cho năm 2020, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT) Vũ Văn Việt cho biết, cuối năm sẽ thiếu hụt nguồn cung thịt lợn, nhưng khoảng 3-4%, tương ứng 200.000 tấn.
Mới đây, để bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2019 và dịp tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, ngày 21/10/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị 12/CT-BCT trong đó có nhiều nội dung liên quan đến bình ổn thị trường mặt hàng thịt heo.
Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty và các đơn vị liên quan chủ động tham mưu hoặc có phương án chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt heo nói riêng dịp cuối năm và Tết Nguyên đán; có phương án hỗ trợ và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhập khẩu thịt heo khi có nhu cầu. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thịt heo, kịp thời có phương án điều hành thị trường hiệu quả.