dd/mm/yyyy

Giá cà phê sẽ bùng nổ hay tiếp tục kìm nén trong đáy thấp

Tuần qua giá cà phê trải qua những cung bậc trái ngược: giữa tuần lao dốc thảm hại và tăng ngược dòng vào cuối tuần. Yếu tố tâm lý đang chi phối thị trường khi chỉ cần xuất hiện những dự báo mới về nguồn cung giá lập tức bùng nổ.

Thế giới đang đối mặt với sự thiếu hụt nguồn cung cà phê

Thâm hụt sẽ đẩy giá tăng trong ngắn hạn

Theo Sucden Financial, một công ty môi giới hàng hóa, dự báo sản xuất cà phê toàn cầu trong năm mùa vụ 2017 – 2018 là 154,4 triệu bao, giảm từ mức 156,3 triệu bao trong năm ngoái, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ dự kiến sẽ tăng 158 triệu bao. Sự thâm hụt 3,6 triệu bao có thể hỗ trợ giá cà phê, hiện đang chịu áp lực đi xuống trong 12 tháng qua.

Trong khi đó, Sucden cho biết vị thế bán ròng của hợp đồng cà phê arabica kỳ hạn và lựa chọn trên sàn New York tiếp cận tới những mốc cao kỷ lục, có khiến thị trường dễ bị tổn thương. Ngoài ra, khả năng sự suy yếu của đồng USD cũng sẽ hỗ trợ giá cà phê tăng lên.

Thực tế từ thời điểm 3 tháng cuối năm 2017, khi Việt Nam bước vào vụ thu hoạch cà phê, già cà phê giảm liên tục đã khiến nông dân quyết định trữ hàng.

Theo số liệu ước tính của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, xuất khẩu cà phê tháng 11 của Việt Nam đạt 85.000 tấn, giảm 26% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng tăng khoảng 7% so với tháng 10.

Việt Nam đang trong vụ thu hoạch cà phê nhưng sản lượng xuất khẩu lại sụt giảm

Xuất khẩu cà phê 11 tháng đầu năm nay theo đó ước giảm 22,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 1,27 triệu tấn.

Tại Đắk Lắk, khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam, giá cà phê dao động trong khoảng 37.100 – 37.700 đồng/kg (1,63 – 1,66 USD/kg), tăng nhẹ so với tuần trước.

Đối với giá xuất khẩu, robusta loại 2 (5% đen, tấm) của Việt Nam có giá thấp hơn 50 – 65 USD/tấn so với robusta giao tháng 3 trên sàn ICE, tăng từ mức 40 USD/tấn của tuần trước.

Tại Tây Nguyên, nông dân đang tích cực thu hoạch cà phê nhờ thời tiết rất thuận lợi. Vì giá cà phê tại thị trường London liên tục giảm nên nông dân hạn chế giải phóng ồ ạt nguồn cung ra thị trường, dù nhu cầu tiêu thụ khá ổn.

Tuy nhiên, nguồn cung cà phê nhìn chung hiện tại vẫn đủ để đáp ứng nhu cầu của các bạn hàng, Phó Giám đốc công ty thương mại Anh Minh, ông Phan Hùng Anh, cho biết.

Mặt khác, nhu cầu mua hàng từ các hãng rang xay cà phê vào thời điểm này lại không cao như mọi năm khi nước ngoài tăng mua trước kỳ nghỉ lễ Giáng Sinh, một thương lái ở TP. HCM cho biết.

Sản lượng cà phê xuất khẩu giảm ở giai đoạn chính vụ đã cho thấy tâm lý của người dân không muốn bán hàng. Bởi bán với giá thấp trong khi giá thuê nhân công thu hái tăng cao sẽ khiến nông dân thua lỗ.

Hệ quả là thị trường đã có phản ứng với đợt tăng mạnh khá đột ngột trong phiên chốt tuần này, mức tăng chủ yếu từ 500 đến 600 đồng/kg, nhiều nơi tăng tới 800 đồng/kg.

Vấn đề đặt ra là đà tăng này có tiếp tục được duy trì khi bước sang tuần giao dịch mới hay các nhà đầu cơ sẽ lại dùng "kỹ thuật" để kìm nén trong mức thấp?

Yếu tố Brazil và thị trường Trung Quốc

Nông dân trồng cà phê tại Brazil cũng chung hoàn cảnh như ở Việt Nam, họ đang lo lắng với một vụ cà phê khó khăn vì giá giảm liên tục.

Một yếu tố được trông đợi đó là đồng USD suy yếu so với đồng real Brazil đã thúc đẩy giá trị của các tài sản bằng USD, mà trong trường hợp này Brazil là quân cờ chính.

Tuy nhiên, Sucden cũng cảnh báo việc giá cải thiện trong dài hạn, dự báo sự chưa rõ ràng về mùa vụ lớn tại Brazil sẽ kìm đà tăng của giá cà phê.

Sản lượng cà phê của Brazil dự báo cũng giảm nhẹ trong vụ 2017 - 2018

Sản lượng tại quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới, Brazil sẽ giảm nhẹ trong năm mùa vụ 2017 – 2018 với 50,6 triệu bao do chu kỳ sản xuất 2 năm của Brazil. Tuy nhiên, đến năm 2018 – 2019, mùa vụ được dự báo là khá cao, đạt 60 – 62 triệu bao bất chấp mùa mưa đến muộn.

"Một mùa vụ với năng suất như thế này sẽ có thể làm đầy các kho chứa đã cạn kiệt của Brazin sau nhiều năm thâm hụt", Sucden cho biết.

Một yếu tố sẽ tác động trực tiếp tới giá cà phê là chu cầu tăng trưởng nhanh ở Trung Quốc. Quốc gia đôgn dân nhất thế giới này đang có nhu cầu tiêu thụ cà phê tăng 45% trong vòng 3 năm trở lại đây.

Trong bối cảnh bất ổn về nguồn cung, nhu cầu tăng trưởng nhanh chóng sẽ xuất hiện ở các thị trường mới và mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc.

"Vì thế, chúng tôi tin rằng thị trường robusta sẽ gặp phải tình trạng thắt chặt cơ bản. Nguyên nhân là do sức tiêu thụ của Trung Quốc có lợi cho cà phê robusta chất lượng thấp hơn", Sucden cho biết.

Trong các thị trường đã bão hoà như Mỹ và EU, nhu cầu tăng trưởng khiêm tốn hơn, làm chậm lại mức tăng tiêu thụ chung xuống còn 1,3% trong năm mùa vụ 2017 - 2018.

Sucden kết luận rằng việc sản lượng cà phê trên thế giới thiếu hụt 3,6 triệu bao ở năm 2017 - 2018 có thể thúc đẩy tăng giá trong ngắn hạn. Mặc dù vậy, các chuyên gia phân tích tại Commerzbank tỏ ra hoài nghi về kết luận này.

"Mặc dù dự báo 3,6 triệu bao của Sucden nằm trong khoảng trên của dự báo thâm hụt, nhưng có thể sẽ không làm ảnh hưởng tới thị trường", ngân hàng cho biết.

Võ Thắng