dd/mm/yyyy

Giá bò thương phẩm tại Tiền Giang, Bến Tre giảm mạnh, nông dân khốn khổ, không có lãi

Hiện nay, người nuôi bò thương phẩm ở tỉnh Tiền Giang và Bến Tre gặp khó do giá bò liên tục giảm mạnh. Nghề nuôi bò vất vả nhưng hiệu quả kinh tế không cao, người chăn nuôi đang thu hẹp mô hình.

Khoảng một năm nay, giá bò thịt tại địa bàn tỉnh Tiền Giang và Bến Tre liên tục sụt giảm. So với thời điểm 2 năm trước, giá bò thịt khoảng 1 năm tuổi giảm hơn 10 triệu đồng/con. Trong khi đó, nuôi bò phải trồng cỏ, mua rơm rạ, thức ăn và phải mua vaccine tiêm phòng, áp dụng các biện pháp phòng trị các loại bệnh lở mồm long móng, viêm da nổi cục... nên người chăn nuôi gia súc không có lãi, thậm chí thua lỗ. Giá bò thịt giảm là do mô hình nuôi bò ở các địa phương phát triển mạnh, sản lượng tăng; trong khi đó, lượng thịt bò nhập khẩu rất lớn, giá lại thấp hơn thị trường nội địa.

Giá bò thương phẩm tại Tiền Giang, Bến Tre giảm mạnh, nông dân khốn khổ, không có lãi - Ảnh 1.

Giá bò liên tục giảm nên nông dân không tái đàn mà thu hẹp mô hình

Bến Tre và Tiền Giang có đàn bò thương phẩm hơn 350.000 con. Gần đây, chất lượng đàn bò được nâng lên nhưng giá cả thấp nên nông dân ngại tái đàn và có chiều hướng thu hẹp chuồng trại để chuyển sang mô hình chăn nuôi khác.

Giá bò thương phẩm tại Tiền Giang, Bến Tre giảm mạnh, nông dân khốn khổ, không có lãi - Ảnh 2.

Viêm da nổi cục - một loại bệnh mà người nuôi bò tại tỉnh Tiền Giang và Bến Tre đang phòng ngừa để bảo vệ đàn vật nuôi.

“Giá bò trước đây khoảng 25 triệu đồng/con, nay giảm chỉ còn hơn 17 triệu đồng. Hồi trước, con bò nái mình nuôi một năm đẻ ra bò con bán được 20 triệu đồng còn bây giờ chỉ lãi hơn 3 triệu đồng/con là cao lắm. Trước tiên, nuôi bò là phải có đất trồng cỏ. Nếu mà cho ăn rơm thì phải kèm thức ăn mà thức ăn giá đắt quá thì không còn lãi nữa”, ông Trần Hữu Thuận, nông dân có nhiều năm nuôi bò ở xã Bình Phan, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang chia sẻ.

Nhật Trường/VOV-ĐBSCL