dd/mm/yyyy

Gà móng nuôi thế nào mà anh nông dân Yên Bái thu 400 triệu/năm

Với mong muốn tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng, đồng thời tạo việc làm cho những hộ dân lân cận, anh Hoàng Huy Tuấn, thôn Đồng Lần, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên đã thành công với mô hình nuôi gà móng cho thu nhập trên 400 triệu đồng mỗi năm.
Gà móng nuôi thế nào mà anh nông dân Yên bái thu 400 triệu/năm - Ảnh 1.

Anh Hoàng Huy Tuấn kiểm tra thành phần thức ăn hàng ngày của gà.

Từng có kinh nghiệm nuôi gà từ năm 2009, khi đó anh Tuấn cùng với người anh họ ở xã Việt Thành tập trung nuôi gà theo mô hình trang trại, chủ yếu là giống gà Minh Dư với quy mô 15.000 con/lứa. Tuy nhiên, vì nuôi theo trang trại, giá cả tùy thuộc vào thị trường, sau nhiều lần giao gà đến những nơi đặt hàng và tìm hiểu thị trường, anh Tuấn thấy ở Hà Nội cũng như nhiều nơi khác, người dân rất coi trọng các sản phẩm sạch, an toàn.

Vì vậy, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu các giống gà, nhận thấy giống gà móng có nguồn gốc từ huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam là loại gà cho chất lượng thịt ngon, thị trường khá ưa chuộng, nếu nuôi theo hình thức thả vườn, không sử dụng thức ăn công nghiệp thì chất lượng gà thịt sẽ ngon hơn giá gà thịt lại cao, bình quân 130 ngàn đồng/kg.

Theo như chia sẻ của anh Tuấn thì giống gà móng xuất hiện ở xã Tiên Phong, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam từ rất sớm và được xem như giống gà cổ truyền của địa phương. Gà móng là một giống gà quý hiếm, hiện đang được bảo tồn nguồn gen tại Trung tâm Giống gia cầm Thụy Phương, Hà Nội; gà trưởng thành nặng từ 2 đến 4 kg, gà trống 3 đến 4 kg, gà mái từ 2 đến 3 kg.

Vốn là người nhanh nhẹn, dám nghĩ dám làm, năm 2022, dồn hết vốn liếng và vay mượn thêm từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Trấn Yên, anh Tuấn mua lại diện tích gần 2 ha đồi gò tại thôn Đồng Lần, xã Cường Thịnh san gạt xây dựng khu chăn nuôi gà an toàn.

Đầu năm 2023, anh Tuấn tìm về các cơ sở chăn nuôi gà ở huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam đặt mua 8.000 con gà giống về nuôi. Vì không đủ nhân lực, anh Tuấn đã chia cho các hộ dân lân cận cùng nuôi, anh Tuấn chịu trách nhiệm cung cấp thức ăn, thuốc điều trị, phòng bệnh gà cho các hộ.

Sau thời gian 4 tháng, anh Tuấn mua lại toàn bộ số gà của hộ dân và tiếp tục nuôi thêm khoảng 3 tháng nữa để gà đạt trọng lượng rồi mới xuất bán. Nuôi bằng hình thức gối đàn, anh Tuấn lại nhập con giống về chia cho các hộ dân nuôi, bình quân nuôi được 2 lứa gà/năm.

Anh Hoàng Huy Tuấn cho biết: "Gà móng chậm lớn, thời gian nuôi khá lâu từ lúc nhập con giống về nuôi đến khi xuất chuồng phải mất 7 tháng gà mới đạt trọng lượng. Để gà đảm bảo trọng lượng cũng như chất lượng, tại trang trại có bãi thả rộng nên chất lượng gà thịt khá ngon. Giống gà móng chống chịu bệnh khá tốt, nếu chú ý vệ sinh, phun thuốc tiêu độc khử trùng quanh chuồng trại và tuân thủ nghiêm ngặt việc phòng chống dịch bệnh thì tỷ lệ gà tổn thất rất nhỏ”.

Hàng ngày, anh Tuấn thuê thêm 2 công nhân có ngâm ủ ngô, đậu tương làm thức ăn cho gà, vệ sinh chuồng trại và theo dõi tình hình dịch bệnh của đàn gà. Hiện tại anh Tuấn đã xuất bán nửa số gà, số gà còn lại tiếp tục xuất bán vào đầu tháng 9 này.

Theo như tính toán của anh Tuấn, với mức giá gà thịt bình quân 130 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi con gà thu lãi 30 ngàn đồng. Như vậy, 8.000 con gà xuất bán, anh Tuấn cũng thu lãi khoảng 240 triệu đồng.

Từ sự nhạy bén, năng động, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, mô hình nuôi gà an toàn của anh Hoàng Huy Tuấn đã tiếp thêm động lực cho thanh niên địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Đây cũng là mô hình đầu tiên của xã Cường Thịnh áp dụng nuôi gà theo hướng an toàn.

Từ hiệu quả mô hình này, xã Cường Thịnh khuyến khích các hộ chăn nuôi tham quan, học tập kinh nghiệm tại trang trại của anh Hoàng Huy Tuấn, qua đó có thêm kinh nghiệm, kỹ thuật chăn nuôi để nhân rộng mô hình tại hộ gia đình, nhằm khai thác lợi thế kinh tế địa phương, từng bước tăng thu nhập.

Theo báo Yên Bái