dd/mm/yyyy

Được, mất chuyện 'bán lúa non' cả vườn cây ăn trái

HTX có vai trò quan trọng trong liên kết và hỗ trợ người dân sản xuất kinh doanh, nhất là tìm đầu ra cho nông sản. Tuy nhiên, không ít người dân vẫn còn tư duy làm ăn chộp giật nên vừa làm khó các HTX, vừa khó thu được lợi ích bền vững trên chính diện tích đất của mình.

Tại các vùng canh tác trái cây, hình thức mua - bán mão (bao hết, mua tất cả mà không cần cân đo một cách cụ thể) rất phổ biến. Hay theo cách hiểu của người dân, đây là hình thức “bán lúa non”, bán cả vườn cây cho người khác tự chăm sóc, tự thu hoạch. Thời gian bán và giá tiền sẽ do hai bên quy định nhưng thường bên mua sẽ phải trả trước một số tiền nhất định, hoặc trả theo tháng, theo năm theo thỏa thuận hoặc hợp đồng.

Người dân dễ thay đổi, khó khăn về HTX

Bán mão thường được người dân thực hiện với thương lái nhưng cũng được nhiều HTX chủ động tham gia. Nguyên nhân khiến hình thức này tăng trong thời gian gần đây là do dịch bệnh phức tạp, việc xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó khăn nên người dân lựa chọn phương án an toàn. Bên cạnh đó, giá phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu tăng cao nên nhiều hộ không có khả năng hoặc không muốn đầu tư vào vườn cây ăn trái trong một thời gian.

Với vai trò kết nối, hỗ trợ nông dân tiêu thụ hàng hóa, HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Định (Đồng Nai) cũng đang thực hiện mua bán theo hình thức này. Mua bán mão có ưu điểm là giúp HTX có thể thu mua được lượng lớn nông sản để đáp ứng yêu cầu thị trường, nhất là phục vụ những đơn hàng lớn nhưng giá cả vẫn bảo đảm phù hợp.

Chẳng hạn, chôm chôm ở ngoài thị trường bán 10.000 đồng/kg, khi mua bán mão theo hợp đồng với người dân, HTX đảm bảo giá khoảng 6.000-7.000 đồng/kg. Khi nào dội chợ, khó bán, HTX cũng thu mua với giá 2.000-3.000 đồng/kg nhằm bảo đảm lợi ích cho người dân.

Được, mất chuyện 'bán lúa non' cả vườn cây ăn trái - Ảnh 1.

Thay vì bán vườn theo hình thức "lúa non", người dân nên tham gia các HTX để sản xuất bền vững, ổn định đầu ra.

Tuy nhiên, theo bà Đặng Thúy Nga, Giám đốc HTX, khó khăn khi mua bán theo hình thức này cũng không hề nhỏ, vì người dân thường chỉ bán mão khi khó khăn đầu ra và chủ yếu bán những vườn cây có giá trị thấp như xoài, chôm chôm, cam. Còn những vườn cây có giá trị cao, đầu ra thuận lợi hơn như sầu riêng thì lại ưu tiên bán cho thương lái.

Ông Bùi Văn Quý, Giám đốc HTX Bến Bà Chi (An Giang) cho biết, hình thức mua bán mão thực ra rất có lợi cho người dân vì HTX bao đầu ra cả vườn với giá phù hợp. Tùy từng hợp đồng nhưng thường, HTX đều phải trả trước ít nhất khoảng 50-70% cho chủ vườn.

Thế nhưng, ông Quý cũng cảm thấy việc hợp tác với người dân theo hình thức này có những khó khăn nhất định. “Hiện nay, hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đang bị tắc nên người dân có vẻ “dễ chịu” hơn. Trước đó, nếu đầu ra của HTX khó khăn, nông sản phải cấp đông hoặc bảo quản trong kho để bán dần nên khó thu được tiền. Khi ấy, HTX thương lượng với người dân cho trả chậm phần tiền còn lại nhưng họ không đồng ý”, ông Quý nói.

Không những thế, khi đứng ra mua bán mão, HTX cũng phải thuê nhân công chăm sóc, thu hoạch, vận chuyển. Những năm trước, đầu ra thuận lợi, HTX thuê nhân công làm cả ngày với giá mềm hơn thì nay thị trường lao động khó khăn, họ chỉ làm túc tắc từ 9h-2h chiều với giá đắt hơn nhưng HTX vẫn phải chấp nhận.

Trên thực tế, hình thức mua bán mão không được các ngành chức năng khuyến khích vì nhiều rủi ro với cả người bán lẫn người mua. Tuy nhiên, xét về góc độ hàng hóa thì đây cũng là một hình thức liên kết tiêu thụ nông sản giữa người dân - HTX bởi nhiều hộ dân hiện có diện tích sản xuất khá lớn. Để ký kết hợp đồng, các HTX đều phải tìm hiểu những vườn có chất lượng trái cây bảo đảm ở mức nhất định, hoặc là những chủ vườn quen biết, uy tín để có thể liên kết làm lâu năm.

Đặc biệt, các HTX thường có kỹ năng trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, thu hái nên luôn giữ cho vườn cây của người dân đạt chất lượng tốt nhất. Đây cũng là nền tảng để HTX bảo đảm giá cả khi xuất ra thị trường.

Mỗi HTX cũng có tệp khách hàng, có nguồn vốn nhất định nên có thể thực hiện mua bán với nhiều chủ vườn cùng một lúc, hay thực hiện với các vườn có diện tích lớn.

Tuy nhiên, nhược điểm trong hình thức này đối với các HTX chính là người nông dân rất hay thay đổi khiến hợp đồng bị phá vỡ. Chẳng hạn như khi nông sản khan hàng, đầu ra thuận lợi thì họ lại ưu tiên thương lái; có chủ vườn khi thấy giá nông sản tăng thì hối thúc HTX trả lại vườn.

Điều đó khiến HTX rơi vào tình cảnh không đủ lượng hàng xuất cho đối tác hoặc bị động trong kế hoạch sản xuất. “Nếu không xử lý, cư xử phù hợp thì giữa người dân, HTX rất dễ xảy ra mâu thuẫn”, bà Đặng Thúy Nga nói.

Liên kết bền vững hơn

Thực tế cho thấy, nhiều nông dân quanh năm chỉ tập trung sản xuất, chưa dạn dĩ với thị trường, khó khăn khi ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp vì không thực hiện tốt được yêu cầu về số lượng, chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, HTX với vai trò vì lợi ích của thành viên, dễ dàng ký kết các hợp đồng theo chuỗi với các doanh nghiệp.

Chính vì vậy, để khắc phục những hạn chế và phát triển những ưu điểm của hình thức mua bán mão, các ngành chức năng cho rằng cũng vẫn theo hợp đồng liên kết nhưng thay vì thực hiện bán vườn trong một thời gian nhất định, chủ vườn nên tham gia làm thành viên của các HTX.

Khi đó, người dân sẽ được học hỏi kinh nghiệm áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm. HTX sẽ liên kết với doanh nghiệp đưa nông sản vào nhiều thị trường khác nhau với số lượng lớn hoặc đẩy mạnh chế biến để mở rộng đầu ra.

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đồng Tháp cho biết, so với sản xuất nông hộ thì HTX có nhiều ưu điểm hơn. Phần lớn HTX phát triển cây trồng - vật nuôi theo quy hoạch của địa phương, có những HTX cũng chuyên thu mua hàng hóa với số lượng lớn để xuất khẩu hoặc chế biến với tính chuyên nghiệp cao, nên đầu ra chắc chắn ổn định hơn.

Ở chiều ngược lại, khi HTX có thêm nhiều thành viên sẽ thuận lợi trong việc góp vốn mở rộng sản xuất, liên kết với doanh nghiệp.

Hiện nay, các loại trái cây đang là tiềm năng của nhiều địa phương và cũng là thế mạnh của ngành nông nghiệp nên được Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong khi đó, khu vực kinh tế tập thể, HTX đang hoạt động ngày càng hiệu quả và thu hút nhiều nông dân tham gia.

Các chuyên gia cho rằng, Nhà nước và các địa phương cần triển khai các chính sách trợ giá, trợ vốn, tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, nhân rộng nhiều mô hình làm ăn hiệu quả, giúp bà con tích cực tham gia mô hình HTX, từ đó có thu nhập ổn định và bền vững trên diện tích đất canh tác của mình.

Ngoài ra, các cơ quan quản lý cũng cần đẩy mạnh nghiên cứu thị trường để người dân tích cực xây dựng mối liên kết sản xuất - tiêu thụ - chế biến sâu với HTX, doanh nghiệp nhằm nâng cao giá trị nông sản, giảm lệ thuộc vào thị trường xuất khẩu tươi thay vì bán vườn cho thương lái.

Các hộ dân, thành viên HTX cũng phải thay đổi thói quen sản xuất: thay vì tập trung vào mở rộng diện tích, tăng sản lượng, nên tập trung nâng cao giá trị nông sản để đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khó tính. Khi tham gia các mối liên kết với HTX, doanh nghiệp cũng phải tuân thủ quy trình sản xuất, hình thức mua bán, giá cả theo hợp đồng thì mới được hưởng lợi bền vững.


Huyền Trang