Là tỉnh đầu nguồn của vùng châu thổ sông Cửu Long, An Giang là nơi đón nhận dòng Mê Công chảy vào đất Việt ở biên giới Tây Nam, rồi chia làm hai nhánh sông Tiền, sông Hậu. Những dòng sông mang nguồn nước ngọt tưới mát những vườn trái cây trĩu quả và bồi đắp phù sa những cánh đồng màu mỡ, trù phú.
An Giang đã và đang khai thác thế mạnh sông nước để mở những tua, tuyến du lịch hấp dẫn và ấn tượng. Trong những năm trở lại đây, du lịch đường sông đang phát triển khá nhộn nhịp và thu hút được nhiều du khách cả trong nước và quốc tế. Bởi họ được “tắm mát” trong những dòng sông hiền hòa, được ngắm nhìn cảnh đẹp và được tận mắt chứng kiến những hình ảnh lao động, mưu sinh chân thực của người dân miền sông nước. Chúng tôi đã có dịp trải nghiệm những thú vị này.
Hừng đông, chúng tôi theo chân một nhóm khách tham quan chợ nổi Long Xuyên. Xuất phát từ bến phà Ô Môi ngay trung tâm TP Long Xuyên, khách thuê ghe máy đuôi tôm để xuôi dòng sông Hậu đến chợ nổi cách đó chừng năm cây số. Chiếc ghe rời bến đò Ô Môi, chẻ nước xuôi dòng sông Hậu. TP Long Xuyên lãng đãng sau lưng. Mấy chiếc phà sắt tải trọng hàng trăm tấn liên tục rời bến An Hòa, vượt sông Hậu chở theo hàng trăm hành khách, xe cộ nối đôi bờ Chợ Mới và TP Long Xuyên. Mặt trời bắt đầu trồi lên khỏi những cây phía đằng đông, rải một tấm thảm vàng trên mặt nước. Chợ nổi Long Xuyên tấp nập ghe xuồng xuôi ngược. Cảnh bán mua, giao hàng diễn ra liên tục. Những chiếc ghe bầu trọng tải từ vài chục tấn neo đậu với nhau thành từng tốp nhỏ, trải dài bên bờ sông Hậu. Mỗi ghe cắm một cây sào cao lên năm bảy thước rồi treo lủng lẳng trái cây, hoa quả mình muốn bán. Dân thương hồ gọi đó là cây bẹo, nhìn vào đó để biết mỗi ghe bán mặt hàng gì. Nào là dưa hấu, khóm, chuối, dừa tươi, bí đỏ…
Mấy chiếc ghe, xuồng nhỏ của cánh bạn hàng liên tục ghé vào “ăn hàng” rồi rời đi, tỏa về các chợ quê. Vài nữ du khách tham gia vào trải nghiệm cảnh nhận hàng, cầm những trái bí đỏ trên tay đầy thích thú. Dẫu cũng là người sinh ra và lớn lên ở xứ cù lao Ông Chưởng, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, nhưng lần đầu chứng kiến cảnh mua bán náo nhiệt tại chợ nổi Long Xuyên, chị Kim Ngọc đã phải thốt lên bày tỏ niềm hạnh phúc. “Lần đầu tiên đến với chợ nổi Long Xuyên, tỉnh An Giang, cảm xúc của em rất khó tả. Em rất vui khi thấy người dân mua bán vận chuyển hàng từ những chiếc ghe lớn xuống những chiếc ghe nhỏ để chở hàng đi phân phối các chợ. Em muốn giới thiệu cho các bạn của em biết để đến tham quan và tìm hiểu nơi này trong thời gian tới”, chị Ngọc chia sẻ.
Một trải nghiệm thú vị khác là được thưởng thức những món ăn sáng, cà-phê ngay trên những “nhà hàng” di động trên sông nước. Những chiếc xuồng ghe bán đủ các món ăn sáng như hủ tiếu, bánh canh, bún riêu, bún cá… cà-phê, nước giải khát dập dìu xuôi ngược. Món bún cá Châu Đốc, đặc sản nổi tiếng của vùng đất An Giang cũng luôn là món ăn được ưa thích của du khách ở chợ nổi này. Những tô bún nóng hổi, nghi nghút khói được chị bán hàng chuyền từ xuồng nhỏ qua ghe cho khách, xếp thành hàng thật hấp dẫn làm sao. Ai nấy đều ăn ngon lành và không tiếc lời khen ngợi.
Rời chợ nổi Long Xuyên, chiếc ghe máy đôi tôm lại rẽ nước chở đoàn khách tham quan lướt qua làng bè nuôi cá của ngư dân, rồi theo đường sông ngược về Khu lưu niệm Bác Tôn - Chủ tịch Tôn Đức Thắng tại cù lao ông Hổ, xã Mỹ Hòa Hưng, TP Long Xuyên. Một cù lao xanh ngát chẻ đôi dòng nước sông Hậu.
Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng rộng 1.600 m2 với những hàng cây cổ thụ, gió mát, chim ca. Hai công trình tiêu biểu là Khu đền thờ và Nhà trưng bày về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Bác Tôn. Đây là một trong những điểm đến ấn tượng của TP Long Xuyên thu hút rất đông khách du lịch. Đặc biệt du khách đến đây đều đến viếng đền thờ Bác Tôn để tỏ lòng thành kính với vị lãnh tụ kính yêu; đồng thời tìm hiểu về quá trình hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng. Nơi đây còn có một thuyết minh viên đặc biệt là cháu đời thứ tư, chị Tôn Thị Kim Ba, cháu cố của Bác Tôn Đức Thắng đã gắn 15 năm làm nhiệm vụ giới thiệu về người ông đáng kính của mình với du khách gần xa.
Từ Khu lưu niệm bác Tôn, hai chiếc xe lôi kéo chở đoàn người vượt những cung đường rợp bóng cây xanh giữa cù lao hiền hòa, qua các chợ nhỏ, du khách sẽ đến với điểm du lịch sinh thái đang được rất nhiều bạn trẻ và du khách yêu thích khi đến Mỹ Hòa Hưng là vườn Táo Hồng ở đầu cù lao ông Hổ. Du khách sẽ thích thú với những tán cây sơ ri chín đỏ mà chỉ cần với tay là hái được. Chén muối ớt trên tay, khách có thể thỏa thích, tự tay hái bất kỳ trái cây nào trong khu vườn này. Nhiều nhất là táo, cho trái quanh năm. Từng nhóm khách đổ về đây để được hòa mình vào thiên nhiên với cây xanh trái ngọt. “Sau những ngày làm việc mệt mỏi ở TP Cần Thơ nhộn nhịp, nhóm tụi em quyết định “phượt” xuyên tỉnh đến An Giang và thăm cù lao Mỹ Hòa Hưng. Không ngờ nơi đây có những điểm du lịch nhà vườn cây trái sum xuê lý tưởng như vậy”, chị Thanh Trúc, nữ du khách đến từ TP Cần Thơ thổ lộ.
Một điểm đến du lịch sinh thái mới được khai phá nhưng khá ấn tượng là Cù Lao Giêng gồm ba xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Từ khi cầu Tấn Mỹ - Mỹ Luông nối nhịp bờ vui kết nối, Cù Lao Giêng không còn cảnh luỵ đò thì bộ mặt nông thôn xứ cù lao cũng bắt đầu thay đổi.
Với lợi thế kinh tế vườn, người dân Cù Lao Giêng bắt đầu tận dụng ngay vườn cây ăn trái của mình để làm du lịch. Điển hình như vườn sinh thái Út Hùm ở ấp Tấn Phước, xã Tấn Mỹ rộng 6.000 m2 trồng các loại cây như sơ ri, ổi, mít, dừa xiêm và xoài ba màu. Trong đó, khu vực vườn dừa xiêm được chủ gia cải tạo cảnh quan, xây thêm nhà sàn trên mương để làm điểm tiếp đón khách. Ông còn bắt mấy nhịp cầu tre qua con mương nhỏ để khách trải nghiệm. Hai bên hàng dừa, chủ vườn treo một loạt xích đu cho khách thư giãn. Ngoài ra, ông còn trực tiếp hướng dẫn khách nước ngoài tham quan vườn xoài, cách trồng, chăm sóc và thu hoạch xoài. Khách đến với vườn du lịch sinh thái Út Hùm đều được ông đãi ăn xoài chín, uống nước trà hoặc dừa xiêm, những thứ ông có sẵn tại vườn nhà. Mộc mạc là vậy nhưng mỗi tháng có khoảng tám đến mười đoàn khách quốc tế đặt lịch sẵn đến với nơi này.
Bên cạnh đó, cù lao Giêng còn có những cơ sở thờ tự, công trình được xây dựng có tuổi đời hơn 100 năm với lối kiến trúc cổ rất đẹp thu hút khách tham quan, chiêm bái. Điển hình như cụm công trình kiến trúc công giáo như Nhà thờ Cù Lao Giêng, Tu viện Phan-Xi-Cô, Tu viện Chúa Quan Phòng được xây dựng cách đây gần 150 năm. Nhà thờ có chiều dài 55 m, rộng 18 m, tháp chuông cao 35 m, được xây dựng từ năm 1875 đến năm 1887 mới hoàn thành.
Nhà thờ được xây dựng theo kiến trúc Romanne, với những mái vòm cong và lớn nhưng thợ chỉ dùng kỹ thuật kê gạch tạo nên bộ khung vững chắc chứ hoàn toàn không có một cây sắt bên trong tường. Còn bên trong nhà thờ là những mái vòm chạy đều và rất đẹp. Nhưng công trình phật giáo nổi bật nhất trên vùng đất cù lao này là Chùa Phước Thành ở xã Bình Phước Xuân. Từ xa du khách đã nhìn thấy một tượng phật A-di-đà cao 39 m vượt lên giữa bầu trời. Còn nhìn từ trên cao, toàn bộ kiến trúc của ngôi chùa cùng tượng phật A-di-đà và quần thể 48 vị bồ tát thánh chúng tại Chùa Phước Thành trở thành điểm nhấn với một màu vàng nổi bật trên nền xanh của những khu vườn cây ăn trái bạt ngàn. Một công trình tâm linh phật giáo đạt kỷ lục Guiness Việt Nam này đã được Hòa thượng Thích Huệ Tài, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh An Giang - Trụ trì Chùa Phước Thành phát tâm thực hiện suốt 15 năm ròng rã.
“Tôi rất thích thú khi đến với một gia đình của người nông dân, được biết về cách trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch xoài. Trái cây ăn rất ngọt và ngon. Chúng tôi rất hài lòng chuyến đi này. Tôi thật sự bất ngờ và hạnh phúc vì người Việt Nam các bạn quá thân thiện. Người dân xứ cù lao cũng thật tuyệt vời. Tôi đã phải vẫy tay chào người dân liên tục khi họ chào tôi. Đất nước các bạn rất đẹp và bình yên. Tôi yêu các bạn vì các bạn đã gìn giữ và tạo nên những công trình kiến trúc tôn giáo độc đáo, ấn tượng”, Tom Johnson, một du khách đến từ Vương quốc Anh nói.
Bên cạnh đó, An Giang nhiều năm qua nổi tiếng với tuyến du lịch đường sông An Giang - Phnôm Pênh (Campuchia) bằng tàu cao tốc. Tuyến du lịch này không chỉ được du khách trong nước quan tâm mà còn thu hút rất nhiều du khách quốc tế tham gia, trải nghiệm. Nhằm phục vụ cho sự phát triển của du lịch đường sông, An Giang đã và đang nghiên cứu, đề xuất cho xây dựng hai bến tàu với nhiều cầu tàu đón khách tại TP Long Xuyên và Châu Đốc nhằm phục vụ khách du lịch cả trong, ngoài tỉnh và cả khách quốc tế đến tham quan An Giang bằng đường sông. Với hệ thống những sản phẩm dịch vụ du lịch ngày càng độc đáo, mới lạ và phát triển mạnh mẽ hơn về chất lượng, An Giang hứa hẹn sẽ đem đến cho du khách những trải nghiệm ngày càng tốt hơn, tuyệt vời hơn, xứng đáng là một trong những trung tâm du lịch của Đồng bằng sông Cửu Long.