dd/mm/yyyy

Du lịch nông thôn: Đào tạo người dân kỹ năng phục vụ khách du lịch (Bài 4)

"Người dân có thể tham gia vào hoạt động du lịch nông thôn ở mức độ phục vụ khách với kỹ năng đơn giản thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia "cầm tay chỉ việc" - ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch trao đổi với Dân Việt.

Phát triển kinh tế và bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống

Thưa ông, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 với mục tiêu đến 2025 mỗi tỉnh, thành phố phấn đấu có ít nhất 1 điểm du lịch nông thôn được công nhận. Là người đứng đầu ngành du lịch, ông nghĩ gì về mục tiêu này?

- Trong những năm qua, phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được nhiều địa phương quan tâm, khai thác. Đã có nhiều mô hình du lịch, sản phẩm du lịch nông nghiệp, nông thôn đặc sắc, hấp dẫn trải dọc từ Bắc tới Nam, có khả năng thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Mặc dù du lịch đã phát triển tại nhiều địa phương nhưng đa số các mô hình du lịch nông nghiệp, nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn về hạ tầng giao thông và các điều kiện kinh tế - xã hội khác, chủ yếu do cộng đồng địa phương, HTX, doanh nghiệp nhỏ khai thác, nên còn rất hạn chế về tư duy nhận thức, nguồn lực đầu tư; kỹ năng, nghiệp vụ phục vụ khách và khả năng kết nối thị trường...

Du lịch nông thôn: Đào tạo người dân kỹ năng phục vụ khách du lịch (Bài 4) - Ảnh 1.

Khách du lịch mua khăn, đồ khô làm quà tại bến tàu đi Đất Mũi (Cà Mau). Ảnh: Thanh Hà

Theo ông Nguyễn Trùng Khánh, việc triển khai nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả sẽ tháo gỡ được một số khó khăn, hạn chế của du lịch nông thôn nhờ cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, hơn nữa thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa du lịch và nông nghiệp và nông thôn để phát triển hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, tiêu biểu, đặc sắc, thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch về với nông thôn.

Du lịch nông thôn còn có khoảng cách xa với khu vực đô thị về chất lượng dịch vụ, khả năng tiếp cận. Do đó, du lịch nông nghiệp, nông thôn rất cần sự quan tâm hỗ trợ của nhà nước bằng các cơ chế, chính sách như đầu tư đồng bộ về hạ tầng, ưu đãi tín dụng, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển đổi số…, huy động được đa dạng các nguồn lực để phát triển du lịch nông thôn.

Với Quyết định 922 mà Thủ tướng vừa ký, lần đầu tiên phát triển du lịch nông thôn được triển khai có tính chất tổng thể ở quy mô quốc gia, được hỗ trợ đồng bộ về cơ chế chính sách, được bố trí nguồn lực của Trung ương và địa phương từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, huy động được sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương.

Việc phát triển du lịch nông thôn thời gian qua theo ông đã mang lại những lợi ích gì cho người nông dân, cho tỉnh, thành phố đó?

- Phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đã phát huy hiệu quả tích cực, đặc biệt trong việc hình thành những mô hình kinh tế mới. Người dân bên cạnh việc triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp truyền thống, còn có thể đồng thời khai thác những giá trị văn hoá truyền thống, môi trường sinh thái, cảnh quan nông thôn, sản vật địa phương thành những điểm đến, sản phẩm phục khách du lịch trên chính quê hương của mình. Nhiều làng bản, thôn, xóm đã trở thành điểm đến du lịch quen thuộc của du khách trong và ngoài nước.

Du lịch đã tạo ra sinh kế và thu nhập ổn định cho người dân, thậm chí thu nhập từ du lịch còn cao hơn nhiều so với canh tác và chăn nuôi truyền thống.

Du lịch tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho phụ nữ và người yếu thế, đồng thời còn thu hút thanh niên ở lại quê hương lập nghiệp. Bên cạnh đó, để phát triển du lịch, cộng đồng địa phương đã quan tâm nhiều hơn đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống, bảo vệ môi trường, phục dựng cảnh quan, nhờ đó đời sống văn hoá và môi trường nông thôn được cải thiện tích cực.

Đem lại sự đa dạng về trải nghiệm cho du khách

Du lịch nông thôn: Đào tạo người dân kỹ năng phục vụ khách du lịch (Bài 4) - Ảnh 2.

"Du lịch thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của địa phương thông qua tiêu dùng tại chỗ của du khách như ẩm thực, thủ công mỹ nghệ, quà lưu niệm…

Ông Nguyễn Trùng Khánh –

Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch

Có một thực tế, du lịch nông thôn hiện nay chủ yếu là quy mô nhỏ, phát triển mang tính tự phát. Vậy theo ông cần có lộ trình, phương án như thế nào để khai mở tiềm năng du lịch nông thôn?

- Du lịch nông thôn có nhiều tiềm năng để phát triển nhưng cũng có hạn chế do địa bàn phát triển chủ yếu ở khu vực có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội, cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật kém hơn so với khu vực đô thị.

Để khắc phục tình trạng trên, các địa phương cần xây dựng kế hoạch phát triển du lịch nông thôn phù hợp với quy hoạch xây dựng nông thôn; ưu tiên, tập trung đầu tư đồng bộ về hạ tầng, bố trí quỹ đất cho phát triển du lịch ở những nơi có điều kiện nhất định, tránh đầu tư dàn trải.

Các địa điểm ưu tiên phát triển du lịch nông thôn cần có sự kết nối với các tuyến điểm du lịch khác của địa phương và của vùng và phải hướng tới nhu cầu thị trường, tránh trường hợp phát triển theo phong trào, xã nào cũng có mô hình du lịch nhưng không duy trì được khả năng thu hút khách.

Theo ông, để người dân có ý thức làm du lịch nông thôn, để du lịch nông thôn phát triển mang tính chuyên nghiệp, người nông dân cần phải học gì để làm du lịch được tốt hơn, thu hút được khách du lịch trong và ngoài nước?

- Việc chuyển dịch ngành nghề nông thôn từ sản xuất nông nghiệp thuần túy sang khai thác dịch vụ du lịch là một quá trình lâu dài. Ban đầu, với sự hỗ trợ của các dự án, của chính quyền địa phương, người dân có thể tham gia vào hoạt động du lịch ở mức độ phục vụ khách với kỹ năng đơn giản thông qua các khóa tập huấn ngắn hạn dưới sự hướng dẫn của chuyên gia"cầm tay chỉ việc".

Để phát triển du lịch chuyên nghiệp hơn, người dân cần được trang bị nhiều kiến thức, kỹ năng nghiệp vụhơn như quản trị kinh doanh, marketing thị trường, ngoại ngữ, thương mại điện tử… thì mới có thể chủ động vận hành, khai thác mô hình kinh doanh. Người dân nông thôn cần được đào tạo, bồi dưỡng dài hạn về du lịch, về quản trị kinh doanh, ngoại ngữ… Vì vậy, cần quan tâm đến việc thu hút tầng lớp thanh niên được đào tạo bài bản, có trình độ cao đẳng, đại học để lập nghiệp trên chính quê hương mình.

Với chương trình phát triển du lịch nông thôn, Tổng cục Du lịch đã có kế hoạch gì để kết hợp với Bộ NNPTNT và để hỗ trợ người dân, hỗ trợ các tỉnh, thành phố, thưa ông?

- Trong thời gian tới, Tổng cục Du lịch tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ NNPTNT và các địa phương triển khai hiệu quả Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững, bao trùm và phát huy giá trị.

Sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia, hỗ trợ cho du lịch nông thôn, tập trung vào các nhiệm vụ: Nâng cấp, đầu tư phát triển điểm du lịch nông thôn gắn với việc thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Phát triển sản phẩm du lịch nông thôn mang đặc trưng vùng, miền; Phát triển nguồn nhân lực du lịch nông thôn có chất lượng; Tăng cường xúc tiến quảng bá cho du lịch nông thôn; Xây dựng và triển khai các mô hình thí điểm về phát triển du lịch nông thôn theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững…

Việc triển khai nhiệm vụ và giải pháp của Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả sẽ tháo gỡ được một số khó khăn, hạn chế của du lịch nông thôn nhờ cơ chế chính sách, nguồn lực đầu tư từ chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới, hơn nữa thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa du lịch và nông nghiệp và nông thôn để phát triển hệ thống điểm đến và sản phẩm du lịch nông thôn chất lượng, tiêu biểu, đặc sắc, thu hút ngày càng đông đảo khách du lịch về với nông thôn. Qua đó khẳng định du lịch là động lực cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn và phát triển bền vững.

Xin cảm ơn ông!


Thanh Hà (thực hiện)