Không khu vui chơi hoành tráng, không quán ăn sang trọng, không khách sạn triệu đô; chưa kể đường lên Y Tý còn là nỗi ám ảnh với nhiều người khi vừa xa, vừa lởm chởm đá. Thế mà dịp lễ 30/4 vừa qua, Y Tý vẫn đón 3.500 lượt khách.
Khách quay lại vì… bất tiện
Khách đến lưu trú tại A Hờ Homestay không còn lạ gì với cảnh sáng ngủ dậy thấy nhà cửa trống trơn, nếu muốn trả phòng thì cứ tự thu dọn đồ đạc rồi… về.
A Hờ kinh doanh homestay 4-5 năm rồi, nhưng chẳng mấy khi ở nhà. Vợ A Hờ cũng là người Hà Nhì như anh nhưng không biết tiếng Kinh, thành ra muốn giao dịch với khách chỉ có vài câu đơn giản hoặc… cười. Khách đặt phòng hay muốn ăn gì đều phải nhắn tin cho ông chủ, mà lúc ấy có khi ông chủ còn đang ở tận đỉnh Lảo Thẩn cũng nên, không có sóng điện thoại nên đành chịu.
Bất tiện là thế mà phòng ở A Hờ Homestay lúc nào cũng kín. Mùa lúa chín hay mùa săn mây phải đặt trước cả tháng trời may ra mới có.
A Hờ vốn là porter (người dẫn khách – PV) chuyên dẫn khách leo Lảo Thẩn, nhận thấy nhu cầu khách lưu trú tại Y Tý ngày càng đông nên anh cải tạo nhà thành homestay. Khách đặt phòng hay đặt ăn cứ chuyển khoản cọc rồi tới ở, nhiều khi khách về rồi cũng không gặp ông chủ. Thậm chí phải nhắn tin vài lần mới “được” thanh toán tiền. Hỏi “không sợ khách bùng à?” A Hờ cười: “Có gì đâu chị ơi, các anh chị cứ lên đây là chúng em vui rồi. Em chưa gặp khách nào bùng tiền của em cả vì họ thương em thật thà. Nhiều anh chị quay lại nhà em tới 5-7 lần rồi ấy chứ, họ bảo ở đây không khác gì ở nhà”.
Không hấp dẫn khách bằng sự bất tiện đáng yêu, nhưng chủ nhà Phu Suy Thó ở Nhìu Cồ San lại níu chân du khách bằng những trải nghiệm thú vị với cuộc sống hàng ngày của một gia đình người Hà Nhì.
Phu Suy Thó có khu homestay nhỏ cách nhà anh chỉ chừng 200m. Gia đình anh gồm 3 thế hệ vẫn sống cùng nhau trong nếp nhà trình tường đặc trưng của người Hà Nhì. Bếp vẫn là bếp củi, ngay cạnh là giường ngủ của bà nội anh.
Bà nội không biết tiếng Kinh nhưng quá quen với những vị khách lưu trú tại nhà mình nên cứ gặp người lạ là bà cười rất tươi, nắm tay hoan hỉ mời vào nhà.
Nếu khách không thích có thể dùng bữa riêng tại khu homestay, còn nếu không ngại thì dùng bữa luôn với gia đình Thó. Cơm có gì ăn nấy, vì thực đơn còn phụ thuộc vào chợ phiên Y Tý. Nếu không phải dịp họp chợ thì chỉ có gà và rau trong vườn nhà. Khách cùng chế biến món ăn và tìm hiểu về cách nấu nướng, cách chế biến của người Hà Nhì. Với nhiều du khách, những trải nghiệm này khá độc đáo và thú vị.
Văn hóa níu chân du khách
Là người nổi tiếng trong cộng đồng homestay ở Y Tý nhờ cách làm sáng tạo, độc đáo và biết thu hút khách qua mạng xã hội, Ly Xá Xuy lý giải rất rành mạch khi được hỏi nguyên nhân nào khiến Y Tý hấp dẫn du khách.
Xuy bảo: “Em nghĩ văn hóa là cái đáng giá và là món quà độc đáo, ý nghĩa nhất dành cho du khách khi đến với Y Tý. Em thấy văn hóa không phải là cái gì cao siêu cả. Nó chính là cuộc sống hàng ngày đang diễn ra ở đây, là tiếng nói của người bản địa, là chợ phiên, là nếp nhà, là các lễ hội diễn ra hàng năm…
Chính vì hiểu điều đó, Xuy thường xuyên đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh về Y Tý, hoặc cập nhật tình hình thời tiết, các câu chuyện về phong tục, tập quán của dân tộc Hà Nhì… Mùa lúa thì cập nhật từ khi đổ nước đến bao ngày nữa thì lúa sẽ chín vàng. Mùa mây thì đăng tải clip biển mây bồng bềnh ngay trước sân khu homestay. Chỉ thế thôi mà khách nườm nượp kéo lên Y Ty Clouds nhà Xuy. Những dịp cao điểm phòng thường được đặt full trước 2-3 tháng.
Hiện tại, Xuy cùng nhiều chủ homestay khác đang có kế hoạch thành lập một CLB các homestay ở Y Tý để dần chuyên nghiệp hơn trong phục vụ khách. CLB sẽ là nơi trao đổi và hỗ trợ nhau. Ví dụ nhà này hết phòng có thể giới thiệu khách sang nhà khác. Hoặc cùng kết hợp để tổ chức các tour văn hóa truyền thống phục vụ khách mà không cần đợi mùa lễ hội. “Em thấy làm du lịch văn hóa mà cứ mạnh ai nấy làm, ganh đua cạnh tranh nhau thì không đúng. Văn hóa thuộc về cộng đồng chứ không phải của cá nhân nào cả. Thế thì làm du lịch cũng phải đoàn kết với nhau chứ không nên cạnh tranh, chỉ cần cả cộng đồng cùng chung sức là chúng em đã thành công lớn rồi” – Xuy chia sẻ.
Sẽ có đô thị Y Tý trong tương lai
Ông Nguyễn Quang Bình, Chủ tịch UBND huyện Bát Xát tổng kết: giai đoạn từ năm 2016 đến hết năm 2021, huyện Bát Xát đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch và họ rất quan tâm đến Y Tý.
Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và đánh giá thực trạng hiện tại thì sự phát triển của du lịch Bát Xát nói chung và Y Tý nói riêng còn nhiều yếu kém, chưa tương xứng với tiềm năng. Số ngày lưu trú của khách du lịch còn thấp, mức chi tiêu chưa cao. Các sản phẩm du lịch còn ít về số lượng, chưa thật sự phát triển như mong muốn, thiếu sự đồng bộ và liên kết cần thiết, trong khi công tác xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả...
Trên địa bàn còn thiếu nhiều cơ sở lưu trú, nhà hàng phục vụ du khách và đặc biệt chưa có cơ sở lưu trú, nhà hàng có chất lượng, hoặc các khu nghỉ dưỡng, sinh thái chất lượng cao. Lực lượng lao động cho lĩnh vực du lịch còn thiếu số lượng và hạn chế về kỹ năng nghiệp vụ.
Tất cả những hạn chế, yếu kém trên được kỳ vọng thay đổi khi UBND tỉnh Lào Cai vừa phê quyệt quy hoạch phân khu xây dựng đô thị du lịch Y Tý. Theo quy hoạch, đô thị du lịch Y Tý rộng khoảng 3.100ha, chia ba khu vực chính.
Phân khu Y Tý Ngàn Sao phát triển dọc theo dãy núi trung tâm và cao nhất của đô thị Y Tý, chú trọng phát triển nghỉ dưỡng, khách sạn siêu cao cấp, sân golf, khu cây xanh chuyên đề, làng bản dân tộc. Đây được xác định là xương sống của toàn bộ khu đô thị, du lịch Y Tý.
Phân khu Y Tý Ngàn Mây ở phía Đông được xác định là khu vực phát triển đô thị mới, du lịch hiện đại, thương mại - dịch vụ.
Phân khu Y Tý Ngàn Năm - Y Tý Bản Địa nằm ở phía Tây là khu vực gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc của các dân tộc ở Y Tý, đặc biệt là người Hà Nhì. Đây cũng là nơi diễn ra lễ hội tôn vinh tín ngưỡng dân gian và làng bản.
Tố Loan