dd/mm/yyyy

Đơn vị thú y kiến nghị công an hỗ trợ đội bắt chó thả rông

Đội bắt chó thả rông ở Hà Nội hiện không có đồng phục nhận diện và nhiều khi gặp phản ứng mạnh của chủ nuôi chó.

Sáng 30.11, đội săn bắt chó thả rông phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) gồm 6 người tuần tra trên địa bàn. Lúc 6h15, đội đi vào ngách nhỏ trong ngõ 342, phường Hạ Đình, phát hiện hai con chó lông xù chạy ra.

Ba con chó bị thu gom sáng 30.11 ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Tất Định)
Ba con chó bị thu gom sáng 30.11 ở Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội. (Ảnh: Tất Định)

Hai thành viên trong đội nhanh chóng dựng xe máy, vung vợt đuổi theo. Bị dồn vào góc hẻm, trong chốc lát, hai con chó đã nằm gọn trong vợt lưới.

Đội đi sâu hơn vào ngách. Lúc này thấy bóng dáng đoàn người, một con chó màu trắng khoảng 30 kg đang xích bên ngoài sủa ầm ĩ, giật đứt xích bỏ chạy. Ba người trong đội chạy theo bắt gọn con vật.

Ông Lê Văn Khanh, chủ chó vội vã chạy theo đoàn tuần tra. "Tôi đã xích nó rồi, sao các anh lại bắt? Các anh thả chó ra trả tôi", ông phản ứng.

Chủ nuôi chó cho rằng mình đã xích chó, như vậy không thể coi là chó thả rông. Khi thấy đoàn người, con chó hoảng sợ nên mới giật đứt xích, bị bắt oan.

Ông Phạm Quốc Minh, đội trưởng săn bắt chó thả rông phường Hạ Đình giải thích, chó xích bên ngoài đường không rọ mõm vẫn có thể cắn, gây nguy hiểm cho người khác. Theo ông Minh, thông tư 07 của Bộ Nông nghiệp quy định rõ chủ nuôi phải xích nhốt chó trong khuôn viên gia đình. Trường hợp này chủ nuôi xích ngoài đường là nơi công cộng và không rọ mõm chó nên vẫn vi phạm. Ông Minh mời chủ nuôi chó về trụ sở phường để tiếp tục giải quyết.

Đội bắt chó tiếp tục lên xe di chuyển ra bờ sông Tô Lịch bắt một con chó khoang thả rông bên bờ sông. Bốn thành viên cầm vợt chặn hai đầu. Con chó khoang chạy rất nhanh, luôn lách qua đường để đến bên người phụ nữ trẻ, chị này vội bế chó vào nhà.

Kết thúc buổi tuần tra vào lúc 7h30 sáng, đội thu gom được 3 con chó thả rông. Các chú chó được đưa về nhốt ở phường đợi chủ nuôi đến nộp phạt nhận về. Nếu sau 48 tiếng, không ai đến nhận, phường sẽ chuyển chó về Trung tâm cứu hộ động vật ở Sóc Sơn.

Đề nghị công an hỗ trợ săn bắt chó thả rông

Theo bà Mai Thị Lan Hương, Trạm trưởng thú y Thanh Xuân, 9 thành viên của đội bắt chó thả rông của quận Thanh Xuân đều từ lực lượng bảo vệ dân phố. Dụng cụ bắt chó khá thô sơ là vợt lưới và lồng sắt, di chuyển bằng xe máy. Các thành viên đi tuần tra đeo băng đỏ trên cánh tay ghi tên phường cùng dòng chữ "đội chuyên trách bắt chó thả rông". Tuy nhiên, người bắt chó không có bao tay, đồng phục.

Trước việc không có đồng phục nhận diện, nhiều ý kiến lo ngại cho sự an toàn của đội bắt chó khi di chuyển trên đường, vì có thể bị người dân hiểu nhầm là "trộm chó" hoặc bị các trường hợp trộm chó lợi dụng, giả danh.

"Chúng tôi đã lường trước những tình huống đó. Trước khi đi bắt chó, các thành viên đều được tập huấn kỹ năng cần thiế, di chuyển trên đường như thế nào và được tiêm phòng lây nhiễm bệnh dại. Thành viên của đội đeo biển tên, băng đô đỏ, người dân trên địa bàn đều biết mặt nên rất khó để trộm chó giả danh", bà Hương nói.

Trạm trưởng Thú y Thanh Xuân cho biết, đơn vị đã đề nghị công an các phường cùng phối hợp với đội săn bắt chó thả rông, tránh trường hợp chủ nuôi chó phản ứng "thái quá".

Sắp tới, phường cũng sẽ đề xuất UBND quận cấp kinh phí đồng phục, trợ cấp thêm cho thành viên đội săn bắt chó thả rông. Hiện mỗi buổi tuần tra, thành viên đội được trợ cấp từ 50.000 đến 100.000 đồng.

Ngoài ra, theo bà Hương, quy định hiện hành nêu khi đưa chó ra nơi công cộng, chủ nuôi phải "đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt". Quy định như vậy chưa chi tiết, rõ ràng dẫn đến việc đội bắt chó thả rông khó xử lý.

"Thực tế, nhiều con chó hung dữ, to hàng chục kg, ra đường không rọ mõm. Dù có người dắt xích, chúng vẫn có thể giựt xích cắn người, chúng tôi chưa thể thu gom những con chó đó. Quy định cần bắt buộc cả hai là rọ mõm và có người xích", bà Hương đề xuất.

Quân Thanh Xuân là nơi đầu tiên ở Hà Nội thực hiện mô hình đội săn bắt chó thả rông, phòng bệnh dại. Thống kê toàn quận có hơn 2.300 con chó nuôi của các hộ dân trên địa bàn. Tình trạng chó thả rông, phóng uế xảy ra phổ biến khiến người dân bức xúc. Hành vi không đeo rọ mõm cho chó hoặc không xích giữ chó, không có người dắt khi đưa chó ra đường sẽ bị xử phạt từ 600.000-800.000 đồng theo Nghị định 90/2017. Chó thả rông bị bắt sau 72 giờ nếu không có người tới nhận sẽ được đem đi tiêu hủy.

 

Tất Định