dd/mm/yyyy

Doanh nghiệp Việt có thể tham gia cấp tem mã QR code

Theo phụ lục hướng dẫn về tem nhãn truy xuất nguồn gốc của Trung Quốc, dưa hấu, vải thiều cũng như các loại trái cây đã được xuất khẩu (XK) sang quốc gia này, trên thùng sản phẩm phải ghi những thông tin gồm: Tên đơn vị XK; chủng loại hoa quả; tên nhà vườn hoặc số đăng ký (tức mã số vùng trồng); tên xưởng đóng gói hoặc số đăng ký (tức mã số cơ sở đóng gói).

Thông tin về vùng trồng, cơ sở đóng gói (nơi trồng, diện tích, sản lượng, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV), nơi đóng gói, thông tin liên hệ) thông qua mã số vùng trồng được các địa phương đăng ký lên được Cục BVTV gửi sang cho phía Trung Quốc để đưa vào hệ thống dữ liệu hải quan.

Để đơn giản hóa thủ tục hải quan và giúp thông quan cho các mặt hàng trái cây NK từ Việt Nam được nhanh gọn hơn, cơ quan hải quan Nam Ninh (Trung Quốc) đã chọn một đơn vị cung cấp dịch vụ hải quan điện tử và mã hóa thông tin truy xuất nguồn gốc hàng hóa thông qua tem truy xuất QR code. Với hình thức này, chỉ cần quét mã QR code trên lô hàng, cơ quan hải quan của Trung Quốc đã có thể đối chiếu được toàn bộ thông tin truy xuất, bao gồm chủng loại sản phẩm; mã số vùng trồng; mã số cơ sở đóng gói; tên doanh nghiệp doanh nghiệp XK, nhập khẩu.

Việc dán tem truy xuất nguốn gốc là một yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.
Việc dán tem truy xuất nguốn gốc là một yêu cầu bắt buộc khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

Ví dụ, lô hàng có mã VN-BG0R -0001, khi quét mã QR code sẽ hiện lên thông tin dữ liệu vùng trồng vải thiều ở xã Hồng Giang, Lục Ngạn, Bắc Giang với đầy đủ diện tích, sản lượng; hay tem nhãn trên trái dưa hấu gây xôn xao dư luận thời gian qua vẫn thể hiện thông tin trồng ở Quảng Nam, Việt Nam.

Các yêu cầu về ghi nhãn thông tin truy xuất nguốn gốc sản phẩm là do phía Trung Quốc yêu cầu đối với chính doanh nghiệp nhập khẩu của họ. Do đó, việc in thông tin trên sản phẩm ra sao phải do chính doanh nghiệp nhập khẩu của Trung Quốc và doanh nghiệp Việt Nam thỏa thuận về mặt ngôn ngữ in. Chúng ta muốn in cả tiếng Việt và tiếng Trung nhưng doanh nghiệp của họ cho rằng điều này bất tiện khi tiêu thụ sản phẩm.

Về việc doanh nghiệp Việt có thể tham gia cấp mã QR code này không, ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, hoàn toàn có thể được nếu doanh nghiệp có thể chứng minh với hải quan Trung Quốc có thể tích hợp được với công nghệ của họ, đảm bảo cho việc truy xuất nguồn gốc và được phía họ chấp nhận chứ không có nghĩa chỉ phụ thuộc vào doanh nghiệp Trung Quốc như hiện nay.

Khánh Nguyên