Công ty Thanh Nhàn tiên phong đưa nông sản Thái Bình sang Hàn Quốc, Đài Loan.
Anh Tăng Văn Hải, Giám đốc Công ty cho biết: Từ năm 2002, tôi đại diện cho công ty Chế biến nông sản thực phẩm xuất khẩu Hải Dương thu mua nông sản tại huyện Quỳnh Phụ. Chúng tôi còn tổ chức sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật canh tác và ký cam kết thu mua các loại rau, củ, quả cho bà con nông dân tại nhiều xã trong huyện.
Đến nay mối liên kết giữa doanh nghiệp và người dân huyện Quỳnh Phụ phát triển và nhân rộng ra nhiều địa phương khác tại Thái Bình. Anh Hải còn mạnh dạn kiến nghị thực hiện ứng trước vốn, vật tư sản xuất như: Phân bón, thuốc BVTV, giống... cho người nông dân, sau đó giảm trừ vào doanh số sản phẩm thu mua. Các loại rau màu vụ đông, cây trồng ngắn ngày được cam kết thu mua tối đa, sau đó vận chuyển về Hải Dương để chế biến và tiêu thụ.
Nhờ cách làm trên, thu nhập của người nông dân, xã viên HTX được đảm bảo ổn định, đời sống ngày một nâng cao. Từ hiệu quả trồng rau màu hơn hẳn trồng lúa, nhiều nông dân đã chuyển đổi sang mô hình này, giúp tăng sản lượng rau, củ, quả tại Quỳnh Phụ cũng như Thái Bình.
Chế biến, xuất khẩu tạo thêm thị trường mới cho nông sản Thái Bình.
Vấn đề đặt ra là, làm sao đáp ứng tiêu thụ khối lượng lớn, đồng thời đảm bảo thời gian thu hoạch để nâng cao chất lượng nông sản? Câu hỏi này đã thôi thúc anh Tăng Văn Hải mở rộng quy mô hoạt động và thành lập Công ty Thanh Nhàn tại huyện Quỳnh Phụ để thu mua nông sản. Năm 2016, để đáp ứng chế biến nông sản tại chỗ, doanh nghiệp còn mạnh dạn đề xuất với chính quyền, xin cấp phép đầu tư xây dựng nhà máy chế biến nông sản tại Quỳnh Giao, huyện Quỳnh Phụ.
Dự án được xây dựng trên diện tích 1,2ha, tổng vốn đầu tư trên 20 tỉ đồng với hệ thống sản xuất khép kín gồm 3 dây chuyền: Đóng gói tự động và đồ hộp; hệ thống cấp đông nhanh IQF; kho bảo quản -18 độ C. Khi hoàn thành, nhà máy đáp ứng công suất khoảng 3 container sản phẩm/tuần; giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 500 lao động. Hiện nay, giai đoạn 1 của dự án đã đi vào hoạt động, gồm dây chuyền chế biến khoai tây, khoai môn và bí đỏ xuất khẩu sang Hàn Quốc và Đài Loan, tạo việc làm cho gần 100 lao động địa phương.
Mặt khác, Công ty Thanh Nhàn chủ động tìm kiếm đối tác tại các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản... Đây sẽ là nền tảng để công ty hoàn thiện các giai đoạn còn lại của dự án, đồng thời mở ra hướng mới cho việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp Thái Bình.
Tuy nhiên, cái khó của Công ty Thanh Nhàn là tạo nguồn vốn và nâng cao ý thức tham gia, hợp tác của người nông dân. Anh Tăng Văn Hải chia sẻ: “Chúng tôi mong muốn được nhà nước tạo cơ chế hỗ trợ về nguồn vốn đầu tư sản xuất và trong thu mua nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền để người nông dân hiểu được giá trị của việc liên kết bền vững trong sản xuất, tiêu thụ nông sản.