dd/mm/yyyy

Điện Biên: Biểu dương người dân tộc thiểu số có uy tín tiêu biểu

Sáng nay 11/11, tỉnh Điện Biên biểu dương người có uy tín, già làng, trưởng dòng họ, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số...

Nhiều đại biểu ưu tú của tỉnh Điện Biên về dự 

300 đại biểu tiêu biểu đại diện cho gần 1.300 người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, nhân sĩ, trí thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số tỉnh Điện Biên dự hội nghị.

Điện Biên: Biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số   - Ảnh 1.

Các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đóng vai trò nòng cốt trong phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”. Ảnh: Vinh Duy

Ghi nhận, biểu dương các nỗ lực cống hiến của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ, doanh nhân tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, tại hội nghị, đồng chí Mùa A Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên đã khẳng định: Các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ, doanh nhân tiêu biểu đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu, tích cực vận động, giáo dục con cháu trong gia đình, dòng họ và nhân dân chấp hành tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước. Thành tựu tỉnh Điện Biên đạt được hôm nay, có sự đóng góp quan trọng, ý nghĩa của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ, doanh nhân tiêu biểu.

Trong phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc", các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín đóng vai trò nòng cốt trong việc xây dựng 1.658 mô hình "khu dân cư phòng, chống tội phạm" và 182 hòm thư tố giác tội phạm trên địa bàn tỉnh; cung cấp nhiều thông tin quan trọng giúp cơ quan chức năng phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh hiệu quả với các loại tội phạm gây rối trật tự xã hội và ngăn chặn hành vi xuất nhập cảnh trái phép. Hoạt động của các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ, trí thức, doanh nhân trong giai đoạn vừa qua góp phần quan trọng trong thực hiện các mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo giai đoạn 2017-2022 trung bình mỗi năm trên 3,5%/năm (riêng các huyện nghèo trung bình giảm gần 5%/năm).

Điện Biên: Biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số   - Ảnh 3.

Đồng chí Lê Thành Đô, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu tại hội nghị: Ghi nhận thành tích cuả các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Ảnh: Vinh Duy

Đặc biệt, từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14, nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, trong đó có vai trò rất quan trọng của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, trí thức, doanh nhân các dân tộc thiểu số, kinh tế của tỉnh có nhiều khởi sắc và đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Năm 2021, mặc dù dịch Covid-19 có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh, kinh tế - xã hội, song tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh vẫn đạt 6,01%, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt 1.641 tỷ đồng (tăng 24,25% dự toán giao); trong 9 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,61% so với cùng kỳ năm trước, tổng thu ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt 1.069 tỷ đồng. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, năm 2021 tổng sảng lượng lương thực toàn tỉnh gieo trồng đạt 277.786 tấn, (tăng 3,61% so với năm 2020); diện tích cây cao su hiện có 5.021 ha, đã có 2.667 ha cây cao su cho khai thác mủ; tiếp tục duy trì và chăm sóc 2.476 ha cà phê và 3.356 ha cây ăn quả hiện có; tổng diện tích cây mắc ca đã trồng trên 5.000 ha. Tỷ lệ che phủ rừng được duy trì ước đạt 42,96%.

Điện Biên: Biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số   - Ảnh 4.

Đồng chí Phạm Đức Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên trao Bằng khen tặng các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu. Ảnh: Vinh Duy

Điện Biên chú trọng phát huy vai trò "cây cao bóng cả"

Để các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Điện Biên tiếp tục đóng góp nhiều hơn trong hành trình xây dựng tỉnh Điện Biên giàu đẹp, trở thành trung tâm vùng Tây Bắc, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Điện Biên Mùa A Sơn, đề nghị: cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến nhiệm vụ triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung triển khai hiệu quả các chính sách, chương trình, dự án của Nhà nước, của tỉnh đầu tư cho miền núi, vùng cao nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con các dân tộc thiểu số, nhất là việc triển khai hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia, gồm: Giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Với các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu, đồng chí Mùa A Sơn cũng bày tỏ mong muốn, các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiếp tục phát huy hơn nữa tinh thần trách nhiệm trong việc vận động gia đình, dòng họ và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc, tăng cường sức mạnh đoàn kết ngay từ trong từng thành viên, từng gia đình, dòng họ và cộng đồng, để vượt qua khó khăn, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.

Điện Biên: Biểu dương người có uy tín tiêu biểu trong cộng đồng dân tộc thiểu số   - Ảnh 5.

300 đại biểu tiêu biểu đại diện cho gần 1.300 người có uy tín, trưởng dòng họ, già làng, nhân sĩ, trí thức trong cộng đồng dân tộc thiểu số dự hội nghị. Ảnh: Vinh Duy

Ghi nhận thành tích các già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân trong cộng đồng dân tộc thiểu số, tại hội nghị, Ủy ban Nhân dân tỉnh Điện Biên tặng Bằng khen cho 60 già làng, trưởng dòng họ, người có uy tín, nhân sĩ trí thức, doanh nhân tiêu biểu.

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc với tổng dân số trên 62,5 vạn người. Trong đó dân tộc H'Mông chiếm 38,12%, dân tộc Thái chiếm 35,69%, dân tộc Kinh chiếm 17,38%, còn lại là các dân tộc thiểu số khác (như Khơ Mú, Dao, Kháng, Lào, Hà Nhì...). Giai đoạn 2017-2022, toàn tỉnh có 8.355 lượt người có uy tín trong cộng đồng dân tộc thiểu số. Riêng năm 2022, có 1.246 người có uy tín (bao gồm 366 già làng, 111 trưởng dòng họ, 126 trưởng thôn bản và 643 người thuộc các thành phần khác trong xã hội). Số nhân sĩ trí thức người dân tộc thiểu số trên địa bàn là 6.781 người (trong đó có 1 người được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động, 1 nhà giáo ưu tú, 8 thầy thuốc ưu tú và 24 nghệ nhân ưu tú).

Vinh Duy