Từ ngày 11/8 đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 104 hộ chăn nuôi ở 45 thôn bản của 19 xã thuộc 4 huyện: Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng và thành phố Điện Biên Phủ với tổng số lợn tiêu hủy lên tới hơn 250 con, tổng trọng lượng khoảng 16,5 tấn.
Ông Đỗ Thái Mỹ, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cho biết: Bệnh dịch tả lợn châu Phi bắt đầu có những diễn biến phức tạp trở lại trên địa bàn từ khoảng giữa tháng 6 đến nay. Thời điểm hiện tại, 7 địa phương trong tỉnh đang có dịch xảy ra là: thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay; các huyện Điện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng, Nậm Pồ, Mường Nhé. Trong đó huyện Điện Biên là địa phương có tỷ lệ gia súc mắc cao nhất.
Riêng huyện Mường Nhé là địa bàn vừa mới bùng phát dịch từ ngày 14/8 tại bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè làm 9 con lợn của 4 hộ gia đình bị mắc bệnh. Ngay sau khi phát hiện, lực lượng chức năng đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành tiêu hủy số lợn mắc bệnh với tổng trọng lượng 447kg theo quy định.
Theo Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên, lũy kế từ đầu năm đến nay, bệnh dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 666 hộ chăn nuôi ở 180 thôn, bản của 41 xã thuộc 7 huyện, thị của tỉnh Điện Biên. Tổng số lợn đã phải tiêu hủy là 2.209 con, trọng lượng tiêu hủy khoảng 112,5 tấn. Đến nay trên địa bàn toàn tỉnh mới có 4 xã công bố hết dịch gồm: Tủa Thàng, Mường Đun (huyện Tủa Chùa), phường Sông Đà (thị xã Mường Lay); xã Ẳng Cang (huyện Mường Ảng); 15 xã đã qua 21 ngày không phát sinh lợn mắc bệnh, tiêu hủy; 22 xã còn lại chưa qua 21 ngày.
Chi cục Thú y tỉnh Điện Biên cũng dự báo nguy cơ dịch bệnh tiếp tục phát sinh và lây lan trong thời gian tới là rất cao do bệnh chưa có vaccine phòng ngừa. Ngoài ra, tỷ lệ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ trên địa bàn tỉnh chiếm trên 95% nên khó áp dụng các biện pháp an toàn sinh học; một số hộ chăn nuôi không kịp thời báo cho chính quyền địa phương khi lợn xuất hiện triệu chứng nhiễm bệnh.
Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh tả lợn châu Phi từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Điện Biên cũng đã có công văn yêu cầu các địa phương trong tỉnh đang có dịch chủ động bố trí kinh phí, vật tư, nhân lực tổ chức triển khai các giải pháp khống chế, kiểm soát các ổ dịch trên địa bàn. UBND các xã tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch nhất là các khu vực tập trung chăn nuôi, tăng cường kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển lợn nhằm ngăn chặn nguy cơ dịch bệnh lây lan diện rộng.