dd/mm/yyyy

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm

Vượt qua nhiều khó khăn, dám nghĩ dám làm, sau 5 năm mô hình trồng nấm đông trùng hạ thảo của vợ chồng ông Nguyễn Hữu Nhẹ và bà Nguyễn Thị Loan, tổ dân phố 24, phường Mường Thanh (TP Điện biên phủ, tỉnh Điện Biên) đã trở thành cơ sở nuôi cấy cũng như sản xuất nấm đông trùng hạ thảo với quy mô lớn nhất ở tỉnh Điện

Sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Nhẹ bà Loan đã được UBND tỉnh Điện Biên chứng nhận là sản phẩm đạt hạng 3 sao trong kết quả đánh giá và xếp hạng sản phẩm tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" - OCOP tỉnh Điện Biên năm 2019.

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm - Ảnh 1.

Những sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, rượu nấm đông trùng hạ thảo và nấm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong.

Bén duyên với nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo cách đây 5 năm, ông Nhẹ chia sẻ với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN: “Trước gia đình tôi có nghề làm thịt sấy khô cũng gọi là có thu nhập tốt, sản phẩm thịt sấy có tiếng ở Điện Biên. Đến năm 2014 con trai tôi là cháu Nguyễn Hữu Tuấn Dũng có đi du học 1 năm về ngành công nghệ sinh học bên Hàn Quốc. Cháu về bàn với vợ chồng tôi muốn gia đình cùng khởi nghiệp với nghề nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo. Và rồi, con trai tôi chính là người thầy dậy nghề đặc biệt cho bố mẹ”.

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm - Ảnh 2.

Sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo Loan Nhẹ

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm - Ảnh 3.

Sản phẩm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong Loan Nhẹ

Khởi đầu bắt tay vào nghề trồng nấm đông trùng hạ thảo, ông Nhẹ bỏ ra hơn 4 tỷ để đầu tư các loại máy: Máy lắc làm giống nhân sinh khối, máy hấp tiệt trùng, máy lọc ngưng, máy lọc cất nước... Ông Nhẹ cũng chi một khoản tiền lớn mua giống nấm đông trùng hạ thảo tại Học viện Quân y.

 2 năm đầu, ông Nhẹ vừa làm theo hướng dẫn của con trai và học hỏi thêm ở các cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của Hà Nội. Đến nay mô hình nuôi trồng nấm của gia đình ông đã ổn định cho năng xuất cũng như chất lượng sản phẩm rất tốt. Ông Nhẹ đã tự cấy được giống nấm đông trùng hạ thảo đạt tiêu chuẩn và cũng cung cấp số lượng lớn giống cho các cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo ở 1 số tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh,  Đà Lạt, Đắk Nông...

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm - Ảnh 4.

Phòng hấp và cất nước được trang bị máy móc hiện đại, phòng khép kín đạt tiêu chuẩn.

Hàng tháng ông Nhẹ xuất buôn và bán lẻ hàng chục nghìn bình nấm đông trùng hạ thảo thành phẩm cho các khách hàng trên địa bàn tỉnh Điện Biên và các tỉnh thành khác trong cả nước.

Chia sẻ thêm với phóng viên Báo điện tử DANVIET.VN về cách nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo, ông Nhẹ nói: “Muốn trồng nấm đông trùng hạ thảo cho chất lượng tốt nhất thì khâu chọn nguyên liệu phải sạch, quá trình cấy nuôi trồng phải đảm bảo kỹ thuật nghiêm ngặt. Phòng nuôi đông trùng hạ thảo phải được vô trùng tuyệt đối và có độ sáng cũng như độ thoáng tự nhiên. Trang bị hệ thống phun sương để tạo độ ẩm cần thiết, hệ thống làm lạnh giữ nhiệt độ ổn định, hệ thống giàn, giá để đặt các lọ cơ chất, bình nuôi đông trùng hạ thảo và hệ thống đèn chiếu sáng…”

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm - Ảnh 5.

Những bầu nấm đông trùng hạ thảo sau khi được lấy ra từ bình cấy có trọng lượng khoảng 100gram, giá bán 500.000 đồng.

Do lượng khách hàng lớn nên quy mô sản xuất nấm đông trùng hạ thảo của gia đình ông Nhẹ cũng rất lớn. Nấm đông trùng hạ thảo từ khi cấy phôi tới lúc thu hoạch mất khoảng thời gian 2,5 tháng. Mỗi tháng ông Nhẹ nuôi cấy gối nhau liên tục từ 3 đến 5 lần tùy thời điểm, mỗi lần từ 2.000 đến 4.000 bình. Nấm đông trùng hạ thảo tươi thành phẩm mỗi bình thu khoảng 100gram, giá bán 500.000 đồng/1 bình.

Ông Nhẹ tuyển chọn nguồn nguyên liệu sạch sẵn có tại địa phương như con sâu chít, con nhộng tằm, lòng đỏ trứng gà, gạo tẻ đỏ của đồng bào dân tộc Mông, nước dừa tươi... Theo ông Nhẹ khâu lựa chọn nguyên liệu là bước đầu quyết định chất lượng thành phẩm nấm đông trùng hạ thảo thu được.

Điện Biên: Bắt sâu chít nuôi nấm “thần dược”, thu 5 tỷ mỗi năm - Ảnh 6.

Phòng đặt bình nấm đông trùng hạ thảo được trang bị hệ thống phun sương để tạo độ ẩm cần thiết, hệ thống làm lạnh giữ nhiệt độ ổn định, hệ thống giàn, giá để đặt các lọ cơ chất, bình nuôi và hệ thống đèn chiếu sáng.

Những sản phẩm từ nấm đông trùng hạ thảo ông bà Loan Nhẹ làm gồm: Nấm đông trùng hạ thảo tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy khô, rượu nấm đông trùng hạ thảo và nấm đông trùng hạ thảo ngâm mật ong. Trong đó 2 sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tươi và nấm đông trùng hạ thảo khô là 2 sản phẩm đạt chất lượng 3 sao do UBND tỉnh Điện Biên chứng nhận sản phẩm OCOP năm 2019.

Sau 5 năm nuôi cấy và trồng nấm đông trùng hạ thảo ông bà Loan Nhẹ đã tích thu được nhiều khinh nghiệm trồng nấm đông trùng hạ thảo cũng như kỹ thuật nuôi cấy đông trùng hạ thảo, khẳng định ra hướng đi kinh tế bền vững của gia đình. Ông bà cũng sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm nuôi cấy nấm đông trùng cho những ai thực sự muốn học hỏi và làm theo.

Thu Hường - Vinh Duy