dd/mm/yyyy

Đi làm công nhân chăn lợn

Có bước chân vào những trang trại chăn nuôi lợn có quy mô lớn mới biết rằng, làm công nhân chăn lợn không hề đơn giản, dễ dàng như chăm đàn lợn vài con ở nhà.

Cấm trại vì dịch tai xanh
Mặc dù tôi và  anh Hoàng Văn Hoà - chủ  trang trại chăn nuôi lợn giống ở thôn Đại Điền, xã Tân Viên, huyện An Lão, Hải Phòng, cũng có quen biết nhau sau vài lần tôi viết về anh, nhưng phải mất rất nhiều lần đề nghị, thuyết phục, tôi mới được anh cho vào tham quan trang trại.

Trên đường đi, anh Hòa mới nói với tôi: “Anh quan tâm đến, nông dân bọn tôi quý lắm, nhưng lúc này cho người lạ vào trại thì ngại lắm vì đang có dịch tai xanh. Lỡ trên người anh có “dính” virus rồi mang vào trại, “đổ” cho đàn lợn thì tôi chỉ có cách dập đàn treo chuồng ngay. Đàn lợn trong trang trại hiện nay trị giá chừng 60 tỷ đồng, nên kể cả tôi  cũng phải ra vào hết sức cẩn thận chứ đừng nói gì người lạ”.
Đến nơi, mở cánh cổng sắt được khoá cẩn thận của khu trang trại rộng 20ha, anh Hoà  bật vòi bơm thuốc sát trùng phun lên toàn bộ chiếc ôtô của mình. Anh bảo với tôi, đó là việc làm bắt buộc với tất cả người ra vào trại.
Trang trại của anh Hoà được thiết kế 2 khu vực riêng biệt, khu nhà ở của công nhân  và khu giao dịch nằm riêng biệt. Trước khi đưa tôi vào khu vực chăn nuôi, anh yêu cầu tôi thay bộ quần áo của trang trại, đi ủng rồi lại dẫn tôi đi qua khu vực khử trùng lần nữa. Lần này thì toàn bộ người tôi bị phun nước sát trùng ướt hết. “Đây là hệ thống phun  tự động, cứ mở cửa vào trại là hệ thống tự phun. Quần áo của công nhân ở đây được ngâm khử trùng rất kỹ, sau đó cho vào hệ thống giặt phơi sấy đúng tiêu chuẩn đảm bảo hạn chế tối đa các loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào khu vực chăn nuôi, để đảm bảo an toàn cho đàn lợn” – anh Hòa giải thích.
Làm bà đỡ cho lợn
Tôi đến khu chuồng của  576 lợn nái đang trong giai đoạn chờ đẻ, mỗi con nặng khoảng hai tạ rưỡi. Chị công nhân tên Xuân đang trực lợn đẻ, cho biết: Mỗi khi lợn đẻ là công nhân phải trực ngay bên cạnh, đón những chú lợn con ra, rồi lau chùi, thắt cuống rốn, cắt nanh,  sau đó cho lợn con vào khu vực úm có  nhiệt độ 37 độ C (bằng nhiệt độ cơ thể heo mẹ). Lo cho lợn con xong thì trở lại vệ sinh cho lợn mẹ... Chị Xuân cười: “Nói thì đơn giản nhưng khi làm phải cẩn thận, vì nái đẻ thường trở chứng “côn đồ”,  công nhân không chú ý rất dễ bị chúng cắn hoặc hất hàm làm anh chị em ngã ngửa”.

Công nhân đang chăm sóc lợn đẻ.
“Lợn nái đẻ khi “lâm bồn” thường trở chứng “côn đồ”,  công nhân không chú ý rất dễ bị chúng cắn hoặc hất hàm, làm anh chị em ngã ngửa”. Chị Xuân - Công nhân tại trang trại

Đi cùng chúng tôi có kỹ sư Ngô Quang Doanh, anh cho biết hỗ trợ lợn nái sinh đẻ là những công việc thông thường của các công nhân, nhưng có những ca đẻ khó thì phải viện đến tay các kỹ sư. Khi đến lịch đẻ và nái có những biểu hiện “lâm bồn” mà không đẻ được thì kỹ sư phải sử dụng thước thăm. Xác định được vị trí của con thì kỹ sư đeo găng tay rồi luồn qua đường sinh sản của nái để kéo lợn con ra. Cũng có không ít lần phương pháp này thất bại, họ đành phải mổ bụng nái để cứu đàn con. “Đó là việc bất đắc dĩ, vì một con nái ở độ tuổi sinh sản tốt có giá chừng 20 triệu đồng” – anh Doanh cho hay. Cũng theo lời anh Doanh, để chọn được một lợn nái tốt phải thông qua khâu tuyển chọn kỹ lưỡng: Nái phải có thể hình tốt, vú đều (khoảng 14 vú là đẹp nhất) và không mắc các bệnh mãn tính. Cứ sau 8 lứa sinh đẻ là phải cho nái “nghỉ khỏe” để đảm bảo chất lượng con giống. Chính vì vậy, ở trang trại của anh Hòa có khoảng 1.200 nái thì tháng nào cũng phải cho khoảng 50 chị nái sề về hưu để tuyển lứa mới.
Dạy lợn đực làm “đàn ông”
Trong những công việc ở trang trại thì tổ phối giống có lẽ là nơi làm việc cầu kỳ nhất, đặc biệt là khi tập cho những chú lợn đực trở thành “đàn ông” là vấn đề nan giải, mà nếu không có kinh nghiệm thì không thể làm được. Anh Doanh cho biết: Để đưa được một chú lợn đực tơ vào khai thác tinh, phục vụ cho đàn nái, ai mà không kiên trì thì không làm được.

Kỹ sư đang thực hiện đóng tinh trước khi phối giống.

Đầu tiên, phải nhốt những chú lợn đực ở những dãy có các lợn nái đang chờ phối để cho chúng lấy mùi của nhau. Sau đó đưa lợn đực vào buồng  khai thác, cho chúng “nhảy” lên một lợn nái mô hình (bằng cao su) và người kỹ thuật viên làm các thao tác kích thích để khai thác tinh. Công đoạn này cứ tưởng đơn giản nhưng để các anh lợn đực tự nguyện và thành thục cưỡi lên lợn mô hình thì cũng đến mệt. Có một bí quyết là kỹ thuật viên phải đi tìm mấy chị lợn nái đến kỳ, lấy mùi của chúng rồi bôi lên lưng chú lợn bằng mô hình cao su để nhử các anh lợn đực nhảy lên và cho tinh. Có được tinh thì đưa vào buồng pha, soi tinh, rồi đóng gói để mang đi phối...
Dẫn tôi đi thăm trang trại sản xuất, anh Hòa cho biết thêm: Toàn bộ hệ thống chuồng ở đây được xây dựng khép kín, nhiệt độ liên tục duy trì ở 28oC nên mùa đông thì phải dùng thêm máy sưởi, mùa hè thì phải bật dàn lạnh. Trại có hệ thống hầm biogas xử lý chất thải của đàn lợn, đảm bảo môi trường luôn sạch sẽ. Xem ra, các chú lợn này sạch sẽ hơn khối người!

Nguyễn Gia Tưởng