Thiệt hại lớn chưa từng có
Chỉ trong vòng hơn 3 tháng từ ngày phát hiện ổ dịch tả lợn châu Phi (DTCLP) đầu tiên, đến nay dịch bệnh này đã lây lan ra 29 tỉnh thành, số lợn tiêu hủy lên tới trên 1,2 triệu con.
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 13/5, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhận định, mặc dù đã cố gắng nhiều nhưng DTLCP đã xảy ra trên diên rộng.
Theo ông Cường, thời gian tới, nếu không làm tốt công tác phòng chống bệnh, DTLCP sẽ tiếp tục lây lan, phát triển khá nhanh theo ba hướng: Thứ nhất, những nơi đã bị dịch rồi sẽ tái bị; thứ hai, dịch lan rộng từ vùng có dịch đến những vùng chưa có dịch; thứ ba, dịch lây lan phát triển vào các hộ chăn nuôi lớn hiện vẫn cầm cự được.
Lúc đó tình cảnh sẽ vô cùng thảm khốc, vô cùng khốc liệt. Kết cục xấu càng nhân lên vì diễn biến thời tiết năm nay rất thuận lợi cho dịch bệnh phát triển. Do đó, Bộ trưởng yêu cầu tuyệt đối không tái đàn nếu chưa đảm bảo an toàn.
Đây là bệnh chưa có tiền lệ, thiệt hại nhiều mặt, đe dọa cả một ngành hàng. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tới đây không cân đối được cũng cực kỳ nguy hiểm. Bệnh để lại tàn dư tồn tại lâu dài, ảnh hưởng sinh kế cho người dân, thiệt hại kinh tế lớn chưa từng có... Vì vậy, phòng chống DTLCP cần sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của cả hệ thống chính trị.
Thực tế, tại các địa phương, số lợn bệnh bị tiêu hủy đang tăng theo cấp số nhân. Kinh phí hỗ trợ lợn tiêu hủy cũng tăng lên chóng mặt.
Ông Phạm Văn Xuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, cho biết, Thái Bình là một trong những tỉnh xuất hiện sớm dịch tả lợn châu Phi, đến nay tròn 3 tháng. Số liệu về bệnh dịch được báo cáo từng ngày, với quy mô tổng đàn khoảng 1 triệu con, số lợn bệnh đã tiêu hủy là 300.000 con lợn (14.900 tấn).
Tỉnh này dự kiến phải hỗ trợ 470 tỷ đồng, trong khi ngân sách dự phòng chỉ trên 100 tỷ đồng. "Chúng tôi đang hoàn tất hồ sơ để hỗ trợ, chưa thể cấp tiền ngay cho người chăn nuôi. Bởi phải minh bạch hồ sơ và mua hóa chất, hỗ trợ trực tiếp cho cán bộ đi chống dịch", ông Xuyên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cũng thông tin, Hà Nội đã phải tiêu hủy 10 vạn con lợn mắc bệnh DTLCP, tiêu tốn khoảng hơn 200 tỷ đồng.
Theo một chuyên gia trong ngành, với hơn 1,2 triệu con lợn bị tiêu hủy do dịch bệnh thì con số thiệt hại lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Cấp đông thịt lợn dự trữ, tránh bất ổn cung cầu
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhận định, tình hình DTLCP như hiện nay có thể coi là thảm dịch, rõ ràng phải được ứng xử bằng một nguồn lực tương xứng. Đại dịch cần có chế tài tài chính phù hợp nhất.
Về cơ chế tài chính, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tích cực tổ chức thu mua thịt sạch để có lượng thực phẩm sạch dự trữ, giảm tải nguy cơ rủi ro, đồng thời đề phòng bất ổn thị trường nếu 1 đến 2 quý nữa tình hình dịch bệnh xảy ra diện lớn.
Ban chỉ đạo đề xuất giao Bộ Công Thương họp ngay với các đầu mối lớn có đủ cơ sở vật chất, liên kết, phân phối... để triển khai vấn đề này. Bộ trưởng cho rằng, đây là một trong những giải pháp rất phù hợp tình hình hiện nay nhằm giảm thiệt hại, giảm nguy cơ, rủi ro, chống bất ổn CPI.
Giải pháp cấp đông thịt lợn sạch để đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian sắp tới cũng được các địa phương đề xuất để giảm áp lực tiêu hủy, giảm thiệt hại cho nông dân đối với những nơi chưa có dịch.
Ông Nguyễn Đức Quyền - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, kiến nghị, Chính phủ, ngành chức năng tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp để họ thu mua lợn hơi ở vùng chưa bị dịch bệnh, giết mổ, cấp đông để đảm bảo bình ổn giá lợn từ nay đến cuối năm.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, trong tình hình hiện nay, để đảm bảo bình ổn thị trường, cần đảm bảo đưa thịt lợn sạch được tiêu thụ, tuyên truyền để người tiêu dùng không quay lưng với thịt lợn; cần huy động hệ thống thương mại lớn vào cuộc tiêu thụ thịt heo (cách làm của Hưng Yên, mời các siêu thị, bếp ăn tập thể ký kết tiêu thụ thịt lợn cho nông dân là một cách làm hay).
"Bộ Công Thương cũng hoàn toàn đồng ý với phương án hỗ trợ doanh nghiệp giết mổ, cấp đông thịt lợn sạch và sẵn sàng giúp doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ này. Tuy nhiên, có một thực tế là hệ thống kho lạnh còn hạn chế" - đại diện Bộ Công Thương nói.
Tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của các bộ, ngành, nhất là Bộ NN&PTNT, UBND và các cơ quan chuyên môn thú y các cấp.
Theo Phó Thủ tướng, để có giải pháp phòng, chống dịch bệnh phù hợp và hiệu quả hơn, cần tiếp tục huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc để phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội và toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp cấp bách khống chế bệnh DTLCP.
Nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp như hiện nay, sẽ gây tổn thất lớn về kinh tế, ảnh hưởng đến phát triển sản xuất nông nghiệp, môi trường và đời sống của người dân.
Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đề xuất chính sách hỗ trợ phù hợp, khả thi cho người chăn nuôi và doanh nghiệp có lợn bị tiêu hủy; hướng dẫn các địa phương thành lập và xây dựng các trạm kiểm dịch quốc gia bảo đảm các yêu cầu kiểm soát vận chuyển động vật tại các địa phương trọng điểm trên trục quốc lộ Bắc Nam.
Bênh cạnh đó, chủ trì phối hợp với địa phương bộ ngành chỉ đạo tái cấu trúc ngành chăn nuôi nói chung, trong đó tái cấu trúc ngành chăn nuôi lợn, tạo ra sản phẩm sạch, sản xuất tập trung, kiểm soát tốt, đồng thời có sản phẩm thay thế sản phẩm chăn nuôi thiếu hụt...
Giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh xây dựng cơ chế hỗ trợ và tổ chức thực hiện việc thu mua, giết mổ lợn và cấp trữ đông để giảm áp lực tiêu hủy, giảm nguy cơ phát sinh dịch bệnh và cân đối nguồn thịt lợn cho các tháng cuối năm.