dd/mm/yyyy

Đây là cách giúp thế hệ trẻ ở Lai Châu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa

Thời gian qua, các trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên, Lai Châu đã tổ chức nhiều hoạt động giúp các em học sinh hiểu về giá trị văn hóa truyền thống để giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

Trước sự thay đổi của xã hội theo hướng mới, hiện đại, những giá trị văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ đồng hóa, mai một. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc trên địa bàn, huyện Tân Uyên, Lai Châu chú trọng giữ gìn từ gốc, từ những "chồi non" trong trường học.

Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa trong trường học

Tính đến nay, 33/33 đơn vị trường mầm non, tiểu học, tiểu học và THCS, THCS, THPT trên địa bàn huyện và trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện thành lập được CLB bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học (CLB). Các CLB đều có sự tham gia của cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh. Các trường học đã chủ động, tích cực tham mưu Đảng uỷ, UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch thành lập các CLB và mời các nghệ nhân tham gia dạy học sinh trong các đơn vị theo từng nội dung phù hợp với bản sắc địa phương.

Đây là cách giúp thế hệ trẻ ở Lai Châu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Ảnh 1.

Các trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên, Lai Châu đã và đang triển khai nhiều hoạt động giúp học sinh bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Ảnh: Thu Trang

Chia sẻ với phóng viên, ông Vũ Trường Tới, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tân Uyên, Lai Châu cho biết: Công tác bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống tập trung vào các hoạt động gìn giữ các điệu múa xòe, dân ca Thái; khâu thêu, múa khèn, ném pao của dân tộc Mông và các trò chơi dân gian như ném còn, tó má lọ, kéo co, đẩy gậy, đấu vật... Điểm riêng biệt mà các đơn vị trường học của huyện Tân Uyên thực hiện được trong công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống đó chính là xây dựng góc trưng bày các sản phẩm văn hóa dân tộc tiêu biểu tại thư viện, trong lớp học như trang phục, khèn, sáo, dụng cụ sinh hoạt của các dân tộc...

Các đơn vị trường thành lập CLB cũng thường xuyên mời các nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong các hoạt động giáo dục, văn hóa dân tộc để truyền dạy văn hóa truyền thống cho học sinh tại địa phương. Mời các nghệ nhân tham gia giao lưu, chia sẻ, truyền dạy cho thành viên CLB đảm bảo các nội dung, phù hợp đối với từng loại hình. Các trường linh hoạt trong việc tổ chức sinh hoạt CLB phù hợp với từng trường và thời gian năm học.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THPT huyện Tân Uyên năm học này có 273 học sinh với 7 thành phần dân tộc. Đến thăm trường, ai cũng có cảm giác ấm áp bởi cách thức bố trí không gian học tập, vườn hoa, cây cảnh... Đặc biệt còn có không gian văn hóa với các hoạt động giáo dục nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc để các em học sinh thêu thùa, may vá, trao đổi thông tin. Học sinh nhà trường đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho học sinh về vị trí, vai trò của công tác bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc ở địa phương được Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm. 

Cô giáo Vũ Thị Thu Hằng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không gian văn hóa của trường trưng bày các sản phẩm văn hóa, công cụ, dụng cụ lao động, sản xuất; trang phục, nét đặc trưng về nhà cửa, sinh hoạt của một số dân tộc nhằm giới thiệu, quảng bá đến với học sinh, nhân dân, khách tham quan về vẻ đẹp du lịch, bản sắc của vùng đất, con người các dân tộc thuyện Tân Uyên. Không gian văn hóa được nhà trường bố trí trang trọng, ấn tượng, thiết thực, đẹp về hình thức, phong phú về nội dung đã đem lại hiệu quả cao về tuyên truyền và phù hợp với không gian của nhà trường.

Đây là cách giúp thế hệ trẻ ở Lai Châu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Ảnh 2.

Học sinh trường Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện Tân Uyên tìm hiểu, trao đổi thông tin tại không gian văn hóa của nhà trường. Ảnh: Thu Trang

Ngoài ra còn rất nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện có những hoạt động thiết thực nhằm gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống của các dân tộc. Ví dụ như trường Mầm non xã Mường Khoa không chỉ tạo các góc học tập với nhiều dụng cụ lao động của nhà nông, xây dựng các biểu tượng về ruộng lúa, guồng nước trong sân trường để cho trẻ được tham quan, trải nghiệm, giáo dục mà mỗi buổi thứ 2 đầu tuần, giáo viên nhà trường tuyên truyền cho phụ huynh mặc trang phục truyền thống cho con em đến lớp. Các trường học khác lại đưa các làn điệu dân ca, dân vũ vào trong các hoạt động giao lưu văn nghệ; tổ chức các trò chơi dân gian cho học sinh giao lưu như: kéo co, đẩy gậy, ném còn, tó má lẹ, nhảy dây, nhảy bao bố…cuốn học sinh vào các hoạt động chung.

Còn gặp khó trong việc bảo tồn văn hóa truyền thống

Hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc trong các trường học trên địa bàn huyện Tân Uyên sôi nổi là vậy song nguồn kinh phí cấp cho các hoạt động này còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu tổ chức các hoạt động của các đơn vị trường, hiện tại chủ yếu dựa vào nguồn xã hội hoá của phụ huynh học sinh và các tổ chức xã hội, doanh nghiệp.

Việc duy trì hoạt động của các CLB cũng đang gặp khó khăn do một số trường chưa mời được nghệ nhân, người am hiểu có kinh nghiệm tham gia truyền dạy. Đội ngũ nghệ nhân của địa phương ít, chưa có nghệ nhân được cấp có thẩm quyền công nhận. Mặt khác, chưa có cơ chế, chính sách cho nghệ nhân, giáo viên tham gia hướng dẫn hoạt động các CLB (CLB chủ yếu hoạt động ngoài giờ lên lớp). Chưa sưu tầm được nhiều tài liệu về văn học dân gian đưa vào giảng dạy...

Đây là cách giúp thế hệ trẻ ở Lai Châu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa - Ảnh 3.

Hàng năm, các cấp chính quyền huyện Tân Uyên, Lai Châu tổ chức nhiều hoạt động nhằm lan tỏa việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Ảnh: Thu Trang

Do đó, để bảo tồn, phát huy tốt hơn nữa giá trị văn hóa truyền thống trong các đơn vị trường học, huyện đề xuất với các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp quan tâm bổ sung mức hỗ trợ hoạt động cho các CLB bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp các dân tộc trong trường học từ 10 triệu đồng lên 20 triệu đồng/trường/năm. Có chính sách cho nghệ nhân, giáo viên tham gia hướng dẫn hoạt động các CLB. Đầu tư cơ sở vật chất cho các đơn vị đáp ứng được các yêu cầu hoạt động của các CLB. Tăng lên 11 đơn vị trường được hỗ trợ kinh phí cho hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống.

Tuấn Hùng