Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Loan – Giám đốc Công ty CP Đầu tư phát triển Chè Tam Đường, cho biết: “Trải qua mấy chục năm xây dựng và trưởng thành, có những lúc tưởng chừng sắp phá sản nhưng nhờ chọn được hướng đi đúng, đó là gắn kết hài hòa giữa lợi ích của người dân với doanh nghiệp nên Công ty CP Đầu tư phát triển Chè Tam Đường đã vượt qua khó khăn, xây dựng được vùng chè nguyên liệu rộng hàng trăm héc ta” – bà Loan nhấn mạnh.
Để có thể sản xuất ra những sản phẩm chè chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, Công ty đã triển khai dự án ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ nâng cao chất lượng chè nguyên liệu chế biến chè Olong, chè xanh chất lượng cao. Dự án được triển khai từ năm 2016 – 2019 với tổng kinh phí 9 tỉ đồng, tại vùng chè thuộc 2 huyện: Tam Đường và Sìn Hồ.
Công ty đã lựa chọn vườn ươm ngay tại đơn vị để nhân giống chè bằng phương pháp giâm cành và lựa chọn các hộ dân có kinh nghiệm để thực hiện mô hình trồng chè giai đoạn kiến thiết cơ bản. Đối với việc cải tạo nương chè theo hướng thâm canh đảm bảo theo tiêu chuẩn VietGAP được lựa chọn trên vùng chè của công ty và các hộ dân. Để tạo ra sản phẩm chè xanh, chè Olong chất lượng hơn, Công ty nâng cao chất lượng nguyên liệu, thay đổi một số khâu sản xuất.
Từ khi dự án được triển khai, Công ty đã mua máy móc phục vụ mô hình sản xuất chế biến chè xanh chất lượng cao và chè Olong như: máy sào ga, máy vò, máy sấy tự động... Công ty hiện đang thu mua toàn bộ chè búp tươi của người dân vùng dự án với giá ổn định từ 10.000 – 14.000 đồng/kg đối với chè Kim Tuyên, 7.000 – 8.000 đồng/kg đối với chè Shan. Nhờ đó, đời sống của người trồng chè ngày càng được nâng lên.
Ông Lê Trọng Quảng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đánh giá, Công ty CP Đầu tư phát triển Chè Tam Đường đã đóng góp không nhỏ vào việc hình thành và phát triển diện tích chè trên địa bàn tỉnh.
“Cây chè không chỉ góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở địa phương mà còn giúp cho nhiều hộ dân ở các huyện, thành phố trong tỉnh làm giàu. Công ty CP Đầu tư phát triển Chè Tam Đường cũng rất chủ động trong việc khai thác, mở rộng thị trường tiêu thụ, từ đó nâng cao giá thu mua chè nguyên liệu của người dân và giá bán chè thành phẩm” – ông Quảng cho hay.
Hiện, công ty đã ký kết bao tiêu sản phẩm với người trồng chè. Người dân phải tuyệt đối tuân thủ theo quy trình kĩ thuật của công ty ở tất cả các khâu, từ trồng, chăm sóc, bón phân đến sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; khuyến cáo người dân không phun thuốc diệt cỏ, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật do công ty kí hợp đồng với đơn vị cung ứng...
‘Chúng tôi khuyến khích người dân sản xuất chè sạch thông qua giá thu mua. Nếu áp dụng đúng quy trình kĩ thuật của công ty vào thâm canh nương chè sẽ được thu mua với giá cao hơn” – bà Loan thông tin.
Chính sách này không chỉ áp dụng với vùng chè ở Bản Bo mà được áp dụng rộng rãi với cả người trồng chè ở huyện Tam Đường, TP.Lai Châu và các huyện khác đang hình thành vùng chè.
Hiện nay, hơn 2,300 hộ dân ở các huyện, thành phố của tỉnh Lai Châu đăng kí thực hiện theo quy trình kĩ thuật của Công ty, với tổng diện tích hơn 2.000 ha.
Có được vùng nguyên liệu bền vững, an toàn, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển chè Tam Đường đã đầu tư nhiều dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại, tiên tiến của Nhật Bản, Đài Loan... cho ra đời nhiều sản phẩm trà hảo hạng, hương thơm nồng nàn, chất lượng cao như: trà Oolong, Mátcha, sencha, Kim Tuyên... đáp ứng yêu cầu của những thị trường khó tính ở nước ngoài.