dd/mm/yyyy

Cựu binh già say mê làm nông nghiệp công nghệ cao

Nhiều người lính sau chiến tranh trở về đời thường lại bước vào mặt trận kinh tế - không tiếng bom đạn nhưng đầy cam go, để đẩy lùi đói nghèo. Bằng ý chí vượt khó, cùng sự sáng tạo, họ đã trở thành những tấm gương sáng trong lao động sản xuất. Cựu chiến binh Phạm Tiến Sinh ở Hòa Bình là một người như thế.

Cựu binh quyết chí làm giàu

Ông Phạm Tiến Sinh quê ở xã Nam Thượng (huyện Kim Bôi, Hòa Bình). Tuổi thơ của ông cũng giống như nhiều đứa trẻ sinh ra trong thời chiến tranh, lớn lên trong cảnh khó nghèo. Cả làng cả xã, qua bao thế hệ vất vả, chăm từng bông lúa, trồng từng luống khoai mà may lắm cũng chỉ đủ ăn. Năm 1977, ông lên đường nhập ngũ, phục vụ trong một đơn vị trực thuộc Tổng cục Kinh tế. Sau khi hết nghĩa vụ, ông đi học chuyên nghiệp tại Trường Sỹ quan Hậu cần và được giữ lại công tác tại trường nhiều năm liền.

Ông Sinh kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây bằng hệ thống tự động, được lập trình bằng phần mềm.
Ông Sinh kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây bằng hệ thống tự động, được lập trình bằng phần mềm.

“Thời gian công tác trong quân đội cũng là lúc kinh tế đất nước hết sức khó khăn, lương sỹ quan của tôi không đủ nuôi gia đình ở quê. Do vậy, năm 1990, tôi xin phục viên để về quê phát triển kinh tế”, ông Sinh kể lại.

Thế nhưng sau khi về nhà, do có nhiều uy tín tại địa phương, người lính phục viên này lại được bà con tín nhiệm bầu làm cán bộ xã, giữ một số vị trí chủ chốt suốt một thời gian dài. Thế nên, mãi đến khi nghỉ hưu, ước mong về quê làm vườn, phát triển kinh tế của ông mới có cơ hội thực hiện.

Bởi vậy, bước sang tuổi lục tuần, thời gian mà nhiều người sum vầy bên cháu con, ông Sinh mới bắt đầu khởi nghiệp. Khi chọn cho mình lĩnh vực nông nghiệp để bắt đầu, là ông đã chọn đối mặt với những khó khăn. Minh chứng là việc vừa thiếu vốn, lại ít kinh nghiệm nên các mô hình trồng cam, bưởi, ớt... lúc đầu của ông đều thất bại.

Tình cờ, trong một lần đi thăm người đồng đội cũ ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng), ông Sinh rất ấn tượng với mô hình sản xuất rau trong nhà kính của người bạn này. Đó là bước đột phá trong sản xuất, giúp tăng sản lượng, chất lượng và độ an toàn cho nông sản, giá trị hàng hóa nhờ đó tăng lên gấp nhiều lần.
Thế là suốt thời gian sau đó, ông tìm mua sách báo, rồi lên mạng tìm hiểu về các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Quyết tâm tạo cho mình một mô hình ứng dụng sản xuất tại quê nhà lớn dần lên trong ông.

Ở Hòa Bình, theo như ông Sinh được biết thì chưa có nơi nào ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Nếu như theo đuổi nó, chỉ có cách tự nghiên cứu, mày mò tìm hiểu. Do vậy, ông bỏ mấy tháng trời khăn gói trở lại Đà Lạt và đến nhiều địa phương khác để tham quan, học hỏi. Đến đâu ông cũng không ngại hỏi han, ghi chép kỹ càng để tìm mô hình phù hợp nhất.

Sau những chuyến đi ấy, tháng 5.2016 là lúc ông mạo hiểm dốc toàn lực theo đuổi ước mơ chinh phục nông nghiệp công nghệ cao. Ông lựa chọn thị trấn Thanh Hà (huyện Lạc Thủy, Hòa Bình), trước đây là Nông trường Thanh Hà, với những đồng ruộng trù phú làm nơi đầu tư. Việc đầu tiên là ông thuyết phục một số hộ dân nhượng lại ruộng đất. Sau khi có trong tay hơn 1ha, ông bắt tay thử nghiệm mô hình trồng dưa trong nhà kính và ứng dụng công nghệ cao.

Những mùa quả ngọt

Để thuận lợi trong quá trình đầu tư, sản xuất và kinh doanh, ông Nguyễn Tiến Sinh quyết định thành lập Công ty TNHH Hòa Bình GAP. Hệ thống nhà kính, thiết bị tưới của ông hoàn toàn theo tiêu chuẩn công nghệ của Israel. Để có mô hình này, ông Sinh cho biết, số tiền đầu tư để làm nhà kính, mua các thiết bị máy móc, hệ thống tưới phun tự động… nhập từ Israel khoảng 3 tỷ đồng.

Phương pháp trồng dưa trong nhà kính có nhiều ưu điểm như tránh được mưa nắng, chủ động được chế độ dinh dưỡng cho cây, phòng trừ được sâu bệnh, côn trùng. Cũng nhờ đó, mô hình có thể sản xuất ra những sản phẩm sạch, an toàn, chất lượng, mẫu mã đồng đều và quan trọng nhất là không dùng thuốc BVTV theo tiêu chuẩn VietGAP.

Một góc trang trại công nghệ cao của ông Sinh.
Một góc trang trại công nghệ cao của ông Sinh.

3 loại dưa được ông Sinh lựa chọn đưa vào sản xuất là: Kim hoàng hậu (diện tích 1.250m2), dưa lưới (1.250m2) và dưa chuột (2.500m2). Các loại dưa này rất phù hợp với điều kiện sinh trưởng trong nhà kính, là nâng cao được năng suất gấp 15 lần so với bình thường và có thể trồng quanh năm. Đặc biệt, thời gian cho thu hoạch ngắn: thời gian từ khi trồng đến thu hoạch của dưa chuột 1 tháng, dưa kim hoàng hậu từ 60 – 65 ngày và dưa lưới khoảng 70 ngày.

“Để có những vườn dưa tươi tốt, trăm quả đều như nhau đòi hỏi phải tuân thủ khắt khe quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Mỗi cây đều được trồng trong một bầu giá thể. Việc bón phân kết hợp với tưới nước nhỏ giọt được hoàn toàn tự động dẫn đến từng gốc qua hệ thống điều khiển bằng máy móc. Để cây sinh trưởng tốt và đạt hiệu quả thì việc thụ phấn cho cây rất quan trọng, cần phải đúng lúc và kịp thời, và thời điểm tốt nhất để thụ phấn là vào sáng sớm”, ông Sinh chia sẻ.

Ngọc Tùng