Gia đình ông Trần Văn Dũng thu nhập khá giả với nghề đan giỏ cần xé
Những ngày này, nghề đan giỏ hoạt động nhộn nhịp, các xe chạy ra vào tấp nập. Theo những người dân địa phương cho biết, nghề đan giỏ cần xé đã hình thành và phát triển hàng chục năm nay.
Làng nghề đan giỏ cần xé của huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) vừa được UBND tỉnh công nhận là làng nghề truyền thống. Trước đây, chủ yếu làm nhỏ lẻ và thủ công nên số lượng cung cấp ít. Dần dần, do nhu cầu tiêu thụ mạnh trên thị trường nên người dân mạnh dạn đầu tư mua máy móc vào sản xuất nên số hộ đã tăng lên đáng kể.
Người dân làng nghề cần xé đã đầu tư máy móc để nâng cao năng suất
Hiện nay, làng nghề đang hồi sinh, các gia đình làm nghề này đang có thu nhập cao gấp đôi so với các nghề khác. Sản phẩm giỏ cần xé không những cung cấp trong tỉnh, mà còn cung cấp cho Ninh Thuận và Bình Thuận.
Ông Trần Văn Dũng (thôn Tân Sinh Tây, xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm) vui mừng cho biết: “Sau khi lập gia đình, vợ chồng tôi chỉ biết trồng mía, mì. Do thường xuyên ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất và thu nhập không được như mong muốn”. Kể từ đó, ông bắt đầu theo những hộ xung quanh học nghề đan giỏ và sau đó truyền nghề lại cho vợ của mình.
Sản phẩm giỏ cần xé được các tỉnh ven biển ưa chuộng
Bà Trần Thị Lệ.
Theo ông, giai đoạn đầu do chưa quen nên mỗi tháng chỉ làm được vài trăm cái giỏ cần xé. Đến nay, ông Dũng đã gắn bó với nghề được 20 năm, hiện bình quân mỗi tháng cung cấp trên thị trường trên 1.000 cái giỏ, giá bán từ 30.000 – 45.000 đồng/cái, mỗi tháng trừ chi phí gia đình lãi hơn 10 triệu đồng. Sau nhiều năm tích góp ông đã mua được xe ô tô tải trị giá gần 200 triệu đồng để cung cấp giỏ cần xé cho khách hàng.
Bà Trần Thị Lệ (xã Cam Thành Bắc, Cam Lâm) gắn bó với nghề đan giỏ cần xé cho biết, gia đình bà ăn nên làm ra đều từ nghề này. Bình quân mỗi ngày thu nhập từ 300.000 – 500.000 đồng, gấp đôi so với đi làm thuê ở ngoài.
Bà nói, nghề đan giỏ cần xé của gia đình cung cấp chủ yếu cho Ninh Thuận, Bình Thuận. Trung bình mỗi đợt cung cấp từ 15.000 – 20.000 cái giỏ cần xé. Toàn bộ cơ ngơi, các con cái ăn học và phương tiện có được cũng nhờ nghề đan giỏ cần xé – bà Lệ cho biết thêm.