Đó là chị Thạch Ngọc Mai (33 tuổi, ngụ đường Nguyên Tử Lực, TP.Đà Lạt) - người mới "bén duyên" với nghề làm nông nghiệp 5 năm nay nhưng đã gặt hái được những thành công lớn.
Lấy thất bại làm bài học quý
Vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, trước khi lấy chồng, chị Thạch Ngọc Mai chưa một ngày phải chịu cảnh làm nông “chân lấm, tay bùn”. Ngày lập gia đình theo chồng lên Đà Lạt, chị Mai cũng chưa bao giờ nghĩ mình sẽ dấn thân vào nghề làm nông nghiệp. Thế nhưng, như cái duyên đã định, sau nhiều năm làm công việc dịch vụ nhưng cuộc sống vẫn không khấm khá lên được. Nhìn sang hàng xóm, mỗi lần trúng vụ rau, hoa lại kiếm hàng trăm triệu đồng chỉ trong vòng vài tháng, đôi vợ chồng trẻ này “thấy mà phát thèm”. Vậy là năm 2012, vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai quyết định đến với nghề làm nông.
Sẵn có 1 ha đất là của hồi môn của gia đình nhà chồng cho lúc hai người mới cưới nhau, họ hăm hở vỡ đất đầu tư trồng hoa cúc. Thế nhưng sau hơn 3 tháng đầu tư chăm sóc, kết quả của lứa hoa đầu tiên là thâm hụt gần 200 triệu đồng. Nguyên nhân là do hoa cúc sinh trưởng và phát triển không đều, kết bông xấu nên không có người mua. Lứa hoa thất bại này đã như dội một gáo nước lạnh vào vợ chồng chị Thạch Ngọc Mai. “Nhưng cũng chính việc mất trắng lứa hoa này mà vợ chồng tôi bắt đầu có cái nhìn đúng hơn về nghề làm nông. Nó không chỉ là màu hồng mà người ngoài cuộc vẫn nghĩ. Không phải cứ trồng là được thu hoạch, cứ bán là có lãi!..”, chị Thạch Ngọc Mai chia sẻ.
Mặc dù thua lỗ lớn ngay từ vụ hoa đầu tiên nhưng hai vợ chồng xem đó là một bài học quý và tiếp tục động viên nhau làm lại từ đầu. “Khó khăn chồng chất khó khăn, trước đó tất cả vốn liếng đã đổ cả vào vụ hoa cúc nhưng không thu về được đồng nào. Nguồn vốn để đầu tư lại là vấn đề rất nan giải!..”, chị Mai chia sẻ. Lần này, họ tiếp tục vay mượn thêm tiền để đầu tư bài bản hơn.
Để “có ăn”, đôi vợ chồng son chia đôi thửa đất, một phần trồng các loại rau, hoa, phần còn lại làm vườn ươm một số loại giống rau để cung cấp cho người dân trong vùng. Nhưng trước khi bắt tay vào công việc, cả hai người dành nhiều thời gian chở nhau tới tham qua nhiều mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn Đà Lạt để học hỏi kinh nghiệm. Điều may mắn là những nhà nông ở Đà Lạt thường không giấu nghề, họ sẵn sàng chia sẻ tất cả những gì có thể. “Khi “vùng đen” về kỹ thuật gieo trồng các loại rau hoa đã được khắc phục, vợ chồng tôi tự tin hơn, bước vào làm nông với tâm thế mới rất hứng khỏi!...”, chị Mai kể lại.
Khi vườn ươm các loại giống rau của gia đình đã hình thành, hằng ngày vợ lo làm vườn, chồng chạy vạy khắp nơi giới thiệu sản phẩm cây giống để tìm mối tiêu thụ. Đôi vợ chồng trẻ nhiều đêm thức trắng vì lo cho vườn rau phát triển đúng như mong muốn, phần lo thị trường đầu ra ở thời buổi cạnh tranh khốc liệt… Mới bước vào nghề, mối quan hệ trên thị trường giống rau chưa có, đối với vợ chồng chị Mai tất cả mới chỉ bắt đầu trong khi tại Đà Lạt đã hình thành rất nhiều vườn ươm, nuôi cấy mô có quy mô lớn, sản xuất hàng chục triệu cây giống mỗi năm. “Phải cạnh tranh với những vườn ươm như thế, thật chẳng khác nào lấy trứng chọi đá!..”, chị Mai nhớ lại những tháng ngày vợ chồng gian nan khởi nghiệp.
Doanh thu 3 tỉ đồng mỗi năm
Đưa chúng tôi ra vườn ươm trong nhà kính rộng thoáng, được trang bị hệ thống tưới tiêu tự động, hiện đại, với hơn chục công nhân đang khẩn trương làm việc, chị Thạch Ngọc Mai cho biết: Trải qua nhiều thất bại, nay công việc ươm bán các loại giống rau của gia đình đã đi vào nền nếp, đầu ra ổn định và cho thu nhập rất cao. Thậm chí, giống rau làm ra không đủ để cung cấp cho các nhà vườn tại Đà Lạt, nhất là vào thời gian cao điểm của mùa vụ.
Đặc biệt, những người mua giống rau của gia đình chị Mai còn được chị cho nhân viên kỹ thuật tới hướng dẫn cách gieo trồng, xử lý các loại mầm bệnh và cam kết về mặt chất lượng nên được người mua giống rất tin cậy. Người phụ nữ quê miền Tây này còn tiết lộ, “trong nghề làm nông không trồng gì lãi nhanh và nhiều bằng việc ươm giống rau. Đối với nghề ươm giống rau giá cả đầu tư không nhiều, đầu ra lại khá ổn định, tỉ lệ rủi ro thấp hơn người chuyên canh trồng rau thương phẩm”.
Bây giờ, gia đình chị Mai đang sở hữu vườn ươm rộng 1 ha với hàng chục loại giống rau các loại có nguồn gốc trong và ngoài nước. Nhờ tạo dựng được niềm tin đối với khách hàng mà hiện nay, vườn ươm của gia đình chị Mai luôn trong tình trạng không đủ hàng để cung cấp cho nhà vườn.