Chuyện lập nên vườn lan và khát vọng tạo lập không gian hoa lan kết nối với chợ nổi Cái Răng là tâm huyết của ông.
Trước khi về hưu, ông Lê Đình Phi là Phó Chánh văn phòng UBMTTQVN TP Cần Thơ. Ông Phi nói đùa rằng, dù trước đó là thầy giáo rồi làm công tác Mặt trận, nhưng “cái gốc nông dân” ông chưa thể dứt được. Về hưu, ông tận dụng khoảnh đất để trồng bông thiên lý. Nhưng rồi rắn lục đuôi đỏ về ở rất nhiều, thấy nguy hiểm nên ông chuyển sang trồng lan. 3 năm qua, cứ tưởng trồng chơi cho thỏa chí “vui thú điền viên”, nhưng giờ ông đã sở hữu gần 2.000 vò lan, từ những giống lan thông thường đến các loại lan rừng, lan nhập quý hiếm.
Cuộc dạo chơi không ngờ này đã đưa ông Phi từ một dân “ngoại đạo” thành “tay chơi lan” có tiếng ở Cần Thơ hiện nay. Vất vả suốt ngày với những vò lan nhưng ông Phi không thấy mệt, khi những nhánh hoa lan cứ đung đưa khoe sắc thắm. Ông Phi giờ tự tin biết cách làm sao để lan ra nhiều bông, cách cho lan đẻ nhánh… Nhìn những vò ngọc điểm 3, 4 nhánh hoa tỏa hương ngào ngạt, rồi những vò giả hạc rừng xanh tươi chốn phố thị, giới chơi lan có nghề cũng phải nể phục.
Chuyện về ông Phi không chỉ có vậy. Tôi biết ông Phi qua facebook, chú cháu quen nhau từ những dòng trạng thái viết về văn hóa, ký ức miền Tây sông nước. Ông nói: “Sống cả đời người nhưng ký ức tuổi thơ nơi dòng sông bến nước vẫn không hề phai”. Ngay cả nghề trồng lan, nhiều người nể phục tài nghệ của ông nhưng ông thì khiêm tốn: Đó là nhờ gió sông và nước sông Cần Thơ đã giúp tốt tươi Vườn lan Chợ nổi. Cũng có nghĩa, ông Phi biết ơn quê hương, xứ sở Cần Thơ.
Mấy tháng qua, Vườn lan Chợ nổi còn là điểm sinh hoạt của câu lạc bộ đờn ca tài tử phường An Bình. Cứ mỗi tối thứ 2 hằng tuần, vườn lan lại cất lên tiếng đờn ca hòa trong tiếng gió từ dòng Cần Thơ thổi vào. Vườn lan này còn thường xuyên được ngành chuyên môn chọn tổ chức hội thảo, trao đổi kỹ thuật trồng và chăm sóc lan.
Bên tách cà phê đầu xuân, ông Phi có nhiều tin vui muốn bày tỏ. Bờ kè sông Cần Thơ đoạn qua vườn lan đang sắp vào giai đoạn hoàn thiện, ông ấp ủ dự định về không gian lan với một cổng ra vào toàn bằng hoa lan rồi lan ven lối đi, lủng lẳng trên cao để đón du khách gần xa đến tham quan, chụp ảnh, kết nối với chợ nổi Cái Răng. Ông cũng đã nấu thử món bánh canh dân gian rặt miền Tây để chuẩn bị phục vụ khách. “Tôi muốn mang đến cho du khách những gì rất riêng và đậm bản sắc sông nước khi đến Cần Thơ”- ông Phi tâm huyết.
Ông Phi có hai người con, con gái Út đang công tác trong ngành báo chí còn con trai lớn - anh Lê Đình Phú đang theo nghề trồng lan của cha. Anh Phú chia sẻ, từ chuyện trồng lan, anh học được từ cha rất nhiều về tính cần cù, kiên nhẫn, chịu khó học hỏi.
Khát vọng lập nghiệp và làm giàu bằng bản sắc văn hóa địa phương của ông Phi thật đáng trân trọng.