Lê Công khanh và những sản phẩm nấm linh chi, nấm sò sắp xuất xưởng.
Không dưng “tìm chốn đoạn trường”…
Giả như với nhiều người lọt được vào chuyên nghiệp, đeo quân hàm thượng sĩ, tháng tà tà nhận lương, tuy chẳng dư dả gì nhiều nhưng thời buổi này thế cũng là điều đáng mơ ước. Vậy mà “anh binh” Khanh lại kiên quyết bỏ nghề để đi học trường Cao đẳng xây dựng tận Hà Nội. Học xong về lại Đăk Hà, xin được vào trung tâm dạy nghề - một công việc nhàn nhã, ổn định, lại bỗng dưng xin nghỉ việc để đi học cái nghề phiêu lưu thì quả là “điên” thật rồi!
Kệ cho người đàm tiếu, Khanh chỉ cười: Thời buổi giờ mà cứ trói tay trong mấy đồng lương tháng thì buồn lắm. Thực ra thì chẳng phải bây giờ mà từ lâu anh đã trăn trở, hiềm nỗi là chưa tìm được nghề gì mình thấy đam mê… Thế rồi “chốn đoạn trường” bỗng đến trong một lần bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm ở trường CNNL Nam Bộ (Thị xã Dĩ An, Bình Dương). Được đi tham quan trại nấm, Lê Công Khanh bỗng dưng đâm ra mê mẩn.
Vậy là trở về nhà chẳng bàn bạc gì với vợ con, Khanh đùng đùng làm đơn xin nghỉ việc để đi học nghề làm nấm. Cứ nghe nơi nào có trại nấm làm ăn hiệu quả, Khanh bỏ ra hàng tuần, thậm chí hàng tháng đến tận nơi tìm hiểu cho bằng được. Nào Sài gòn, Đăk Lăk, Phú Yên, Đà Lạt… nơi nào có trại nấm lớn là có dấu chân anh…
Trang trại nấm mang nhiều khát vọng của anh Khanh phải đánh đổi bằng hạnh phúc gia đình
Cuối năm 2014, Khanh mở trang trại nấm. Nói ‘trang trại”, thực ra diện tích vỏn vẹn chỉ 100m2 làm xưởng đóng bịch phôi nuôi nấm mèo, nấm sò, linh chi… Cứ tưởng mọi điều đã học được chất đầy đầu thì bắt tay vào việc sẽ thành công, nào ngờ cứ hết thất bại này nối thất bại khác: Khi thì bịch cấy phôi không ra nấm; khi nấm ra được thì chết yểu…
Người ta nghĩ thế cũng phải. Chỉ có điên hoặc theo gái mới bỏ hết tiền bạc vào những chuyến đi tận đẩu tận đâu cả tháng trời như thế… Năm 2015, vợ tôi làm đơn ra tòa ly dị. Không phải cạn tình cạn nghĩa mà vì sự kiên nhẫn với tôi đã cạn, lại không chịu nổi những lời đàm tiếu và sự túng bấn trong nhà…”, Lê Công Khanh buồn rầu nhớ lại…
Quả ngọt và tiệc “đoàn viên”
Vẫn chung một mái nhà nhưng từ đây “cơm ai nấy ăn, việc ai nấy làm”. Sáng 4 giờ, Khanh đã trở dậy đóng bịch phôi nấm rồi đưa vào lò hấp, đến tận giữa đêm mới xong. Chẳng còn thời gian nấu nướng, vậy là cứ trưa cơm hộp, tối cơm hộp. Nhiều khi nhìn ba mẹ con ríu rít ăn cơm trong nhà mà nước mắt muốn trào ra…
Chịu đựng vết thương tinh thần, Khanh còn phải chịu nỗi thúc bách tứ bề về công việc. Thiếu vốn sản xuất chạy vay ngân hàng không đủ, không ít lần anh phải liều “bốc nóng” cả tín dụng đen. Tủi thân, ê chề ghê gớm nhưng chí đã quyết, Khanh vẫn cắn răng tự động viên mình cố gắng vượt qua… Đến tháng 8.2015, sau nhiều lao tâm khổ tứ, anh đã tự mình thiết kế và xây được lò hấp. Tiếp đến anh lại nghiên cứu và chế tạo thành công các loại máy trộn, sàng mùn cưa, máy dập bịch, phay mùn… nhờ vậy mà tiết kiệm được cả tỉ đồng đầu tư thiết bị sản xuất…
Máy sàng, phối trộn nguyên liệu do Lê Công Khanh thiết kế và chế tạo.
Để vô trùng cho trại nấm và đảm bảo an toàn sản phẩm, anh nghĩ ra cách nấu rượu rồi mua ớt tỏi về chế thành một thứ thuốc trừ sâu nấm rất hiệu quả… Trải bao vất vả khó kể hết thành lời, cuối năm đó những lứa nấm đầu tiên của anh đã ra lò đạt chất lượng tốt. Sau khi mang hàng tạ nấm đi biếu bà con và những người đã chia sẻ khó khăn, động viên mình trong những ngày bỉ cực, số còn lại anh mang đi bán được hơn 200 triệu đồng. Cầm đồng tiền trên tay, anh đã khóc nấc lên vì vui sướng…
Qua sự khởi đầu nan, năm 2016, Khanh mở rộng trang trại lên 9000 m2, khu ươm giống lên 1500 m2; tập trung vào hai sản phẩm chủ lực là nấm sò và linh chi… Nhờ chất lượng tốt, an toàn, sản phẩm nấm của anh đã vươn ra tận Đà Nẵng, Phú Yên, vào thành phố Hồ Chí Minh… Từ 600 triệu đồng năm 2016, đến tháng 10.2017 doanh thu của anh đã đạt trên 1 tỉ đồng…
- Công việc thành công lại trở thành ông chủ, chẳng hiểu bà xã của anh giờ sẽ nghĩ thế nào nhỉ ? Khanh “à” lên một tiếng và cười rất tươi: Tôi quên không kể với anh: Sau lứa nấm thành công đầu tiên đó, tôi đã thuyết phục bà ấy “nối lại tình xưa”.
Mặc cảm vì sợ người ta bàn tán lúc chồng khó khăn thì tuyệt tình, giờ thấy có tiền thì quay lại, bà ấy từ chối. Tôi phải thuyết phục, năn nỉ mãi bà ấy mới thuận. Vậy là lại dắt nhau đi đăng ký kết hôn rồi làm bữa tiệc nho nhỏ để “cưới lại”. Bà con đến dự cứ trêu hoài… Cuộc đời cũng thật oái oăm. Mà chính cái oái oăm ấy đôi khi lại bỗng hóa thành niềm vui ướt mắt…