Trang trại nuôi thỏ của ông Vũ Huy Quang
Sau khi xuất ngũ, ông Vũ Huy Quang, hội viên nông dân xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên quyết định về lập nghiệp trên mảnh đất quê hương. Ban đầu bắt tay vào làm ăn kinh tế, từ vốn đất của gia đình, ông Quang xây dựng mô hình trồng cam, mía, táo; chăn nuôi gà, ngan, vịt đẻ trứng, gà thương phẩm, chăn nuôi dê... nhưng đều không thành công. Với bản chất của một người nông dân chịu thương, chịu khó, dám nghĩ, dám làm, không cam chịu thất bại, sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết tâm tìm một hướng đi mới để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu.
Năm 2007, Hội Nông dân phối hợp Trung tâm khuyến nông tỉnh cử ông tham gia lớp tập huấn về chăn nuôi thỏ tại Sơn Tây, Hà Nội. Qua chương trình này, nhận thấy tiềm năng kinh tế của giống thỏ Newzealand là rất lớn đối với người nông dân: sinh sản nhanh, ít bệnh tật, nguồn thức ăn đa dạng. Ông Quang đã mạnh dạn bán đàn dê lấy vốn đầu tư mua 50 thỏ nái làm giống kết hợp làm chuồng trại và trồng cỏ.
Để chăn nuôi có hiệu quả, ông tích cực đã tham gia các lớp tập huấn KHKT về chăn nuôi thỏ do các cấp Hội Nông dân tổ chức; tìm hiểu, nghiên cứu thêm sách, tạp chí khoa học hướng dẫn về kỹ thuật xây chuồng trại, chăm sóc, phòng trừ bệnh cho đàn thỏ; thăm quan thực tế các mô hình chăn nuôi thỏ có hiệu quả để học tập thêm những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo…
Sau một thời gian triển khai, mô hình chăn nuôi thỏ của gia đình ông Quang cho năng suất khá cao; cứ một con thỏ mẹ thì khoảng 40 ngày đẻ một lứa, mỗi lứa đẻ ít nhất 7 con; sau 1,5 tháng nuôi, thỏ đã có thể xuất chuồng với trọng lượng từ 2 - 2,5 kg.Tuy nhiên vào thời điểm đó thịt thỏ chưa được nhiều người ưa chuộng; ông Quang phải mang từng con thỏ đã được chính tay ông chế biến tới các nhà hàng để chào mời. Từ đó, nhiều khách hàng đã quen và yêu thích các món ăn chế biến từ thỏ.
Và như có một cơ duyên, năm 2011, sau khi lên thăm và làm việc tại tỉnh Yên Bái, Tiến sỹ Đinh Văn Bình, Giám đốc Dự án thỏ Việt - Nhật đã quyết định mời gia đình ông tham gia Dự án. Đến cuối năm 2011, gia đình ông thành lập Doanh nghiệp tư nhân Quang Thanh Lương Thịnh; trại nuôi thỏ của gia đình ông Quang cũng chính thức trở thành Trại Quản lý, cung tiêu và chăn nuôi thỏ các tỉnh miền núi phía Bắc của Dự án với nhiệm vụ chính là thành lập các Trại vệ tinh, cung cấp con giống, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho bà con nông dân.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, huyện Trấn Yên và xã Lương Thịnh thăm trang trại của ông Vũ Huy Quang (tháng 12/2016)
Tháng 3/2012, sau khi tham dự Hội thảo về nuôi thỏ và cung cấp nguyên liệu làm vắc xin do Nhật tổ chức tại huyện Nho Quan, Ninh Bình, Ông Quang quyết định mở rộng quy mô sản xuất của gia đình. Ông mạnh dạn vay 30 triệu đồng Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh để đầu tư mua thêm con giống, làm chuồng trại, trồng cỏ VA06, cỏ Jinê, trồng ngô lấy lá non làm thức ăn cho thỏ...
Cùng với mở rộng quy mô sản xuất, thông qua chính quyền địa phương và tổ chức Hội Nông dân, ông Quang đã gặp gỡ, trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi với nông dân trong và ngoài tỉnh có mong muốn thực hiện mô hình chăn nuôi thỏ. Ông cũng đứng ra cung ứng con giống, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm cho bà con. Từ hiệu quả mô hình chăn nuôi gia đình ông, nhiều hội viên nông dân đã học tập và triển khai mô hình nuôi thỏ tại địa phương.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái và các tỉnh lân cận có trên 150 trại ký hợp đồng nuôi thỏ vệ tinh với ông Quang. Hiện nay, quy mô chăn nuôi thỏ của ông Quang duy trì từ 2.800 – 3.200 con thỏ (trong đó có khoảng 400 thỏ nái ); gia đình ông sử dụng 8 lao động thường xuyên với mức lương 3,5 - 5 triệu đồng/người/tháng;bình quân doanh thu đạt từ 3-3.5 tỷ/năm, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt 700 - 800 triệu đồng/năm.Mỗi trang trại nuôi thỏ vệ tinh cho ông Quangcó quy mô từ 50 thỏ nái và 1.200 thỏ thương phẩm,có mức lãi ròng hơn 120 triệu đồng/năm.
Niềm vui đến với ông Quang và những người nuôi thỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, từ ngày 07/9/2015, doanh nghiệp Quang Thanh Lương Thịnh chính thức ký hợp đồng kinh tế với công ty Nipponzoki (Nhật Bản) - Đây chính là "chìa khóa" tiếp tục mở ra cơ hội làm giàu cho người nông dân. Ông Quang cho biết: Hiện tại công suất hoạt động của Nhà máy cần khoảng 5.000 con thỏ thương phẩm/ngày trong khi nguồn cung tại Yên Bái và các tỉnh trong khu vực vẫn chưa đáp ứng đủ, vì vậy đầu ra cho sản phẩm là rất lớn.
Chủ tịch HND xã Lương Thịnh đề xuất với Thường trực tỉnh Hội về nhân rộng mô hình nuôi thỏ mở ra hướng phát triển kinh tế cho nông dân
Là một doanh nghiệp gắn bó với người nông dân, có được thành công như ngày hôm nay, ông Vũ Huy Quang luôn đặt mình vào vị trí người nông dân, hiểu, gần gũi, gắn bó và có trách nhiệm với người nông dân. Với ông, nâng cao thu nhập cho những người nuôi thỏ chính là nâng cao thu nhập cho chính doanh nghiệp của mình. Cái được lớn nhất của ông đã góp phần giúp cho hàng trăm hộ gia đình có thu nhập ổn định, thoát nghèo, nhiều hộ khá giả từ nuôi thỏ.
Với những thành tích đã đạt được, nhiều năm liên tục gia đình ông được công nhận hộ sản xuất kinh doanh giỏi các cấp; 2 lần đạt danh hiệu nông dân điển hình tiên tiến giai đoạn 2005-2010 và giai đoạn 2010-2015. Ông cũng nhận được nhiều Bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Đặc biệt năm 2016, ông Vũ Huy Quang vinh dự là một trong 63 hội viên nông dân tiêu biểu được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam vinh danh danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.