Nhu cầu nhậu cả... cá Sách Đỏ
Chuyện về những bữa tiệc "thủy quái" sông Đà với giá trị lên tới hàng chục, thậm chí cả trăm triệu của các đại gia đang được lan truyền trên nhiều trang mạng nhằm thỏa mãn tâm lý tò mò của công chúng.
Cá chiên ở Việt Trì hay cá lăng, cá Anh Vũ sông Đà được miêu tả là những loài cá được giới "đại gia Hà Thành" sẵn sàng chi tiền để được tiếng sành ăn vì đây là những loài cá hiếm và cực kỳ khó đánh bắt.
Tuy nhiên, ít người biết rằng, những loài cá được liệt vào hàng đặc sản này, hầu hết đều là những loài cá nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng và đều được khuyến nghị không nên đánh bắt. Sách Đỏ Việt Nam công bố 2007 và nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác đều có tên các loài cá này.
Cụ thể, các loài cá chiên, cá lăng, cá Anh Vũ đều nằm trong Danh mục các loài thuỷ sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng ở Việt Nam cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển được ban hành theo Quyết định số 82/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.
Theo đó, các loài cá chiên, cá Anh Vũ thuộc nhóm các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng lớn (VU) còn cá lăng sông Đà được xếp vào danh mục các loài có nguy cơ tuyệt chủng rất lớn (EN). Theo danh sách này, đây là những loài cá cần được bảo vệ, phục hồi và phát triển.
Trong cuốn Atlat các loài thủy sinh quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng tại Việt Nam do Bộ NN&PTNT phát hành năm 2012, có tên cả 3 loài cá nêu trên.
Trong đó, phần miêu tả về cá lăng và cá Anh Vũ đều nói rõ: "Số lượng cá trưởng thành đang suy giảm nghiêm trọng" và khuyến nghị không nên khai thác (cá lăng) hoặc cấm khai thác (với cá Anh Vũ).
Thực tế, tại Thông tư số 62/2008 của Bộ NN&PTNT, cá Anh Vũ (Semilabeo notabilis) đã được đưa vào danh sách cấm khai thác, đánh bắt. Căn cứ theo Bộ Luật Hình sự 2015 thì việc đánh bắt loài cá Anh Vũ sông Đà có giá trị trên 50 triệu đồng có thể bị xử lý hình sự, phạt tiền từ 50 - 300 triệu và phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Tuy nhiên, tại Nghị định 160/2013 do Chính phủ ban hành Về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì các loài cá nói trên không xuất hiện trong danh sách. Một số chuyên gia về đa dạng sinh học cho rằng, đây là lỗ hổng về pháp lý khiến nhiều loài cá quý hiếm như cá lăng hay Anh Vũ trở thành món nhậu trên bàn tiệc của các đại gia.
Không thể phạt vì không có luật
Lý giải về việc vì sao những loài cá này đều nằm trong danh mục quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao nhưng người dân vẫn vô tư đánh bắt, buôn bán và xẻ thịt, TS Lê Hùng Anh, Trưởng phòng Sinh thái môi trường nước, Viện Sinh thái và Tài nguyên Sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam cho rằng, mặc dù những loài cá này đều nằm trong Sách Đỏ song chúng lại có giá trị cao về mặt kinh tế.
Trong khi đó, pháp luật của Việt Nam lại chưa cấm đánh bắt, vận chuyển, buôn bán những loài cá này nên việc ngăn cản người dân đánh bắt là rất khó.
"Chúng ta chỉ có thể khuyến nghị và tuyên truyền nâng cao nhận thức tối đa cho người dân trong việc bảo vệ các loài cá có nguy cơ tuyệt chủng này chứ rất khó can thiệp vào khâu đánh bắt của họ", TS. Lê Hùng Anh nói.
GS Mai Đình Yên - nguyên giảng viên Khoa Sinh học, Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Thực tế, có nhiều loài nằm trong danh sách có nguy cơ tuyệt chủng, có văn bản pháp luật quy định cấm đánh bắt khai thác hẳn hoi nhưng vẫn xảy ra tình trạng săn bắt, buôn bán.
GS Yên cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng này là do nước ta còn nghèo, nhận thức của người dân còn kém, hơn nữa các cơ quan chức năng lơ là, không nhận thức đầy đủ nên các văn bản ban hành nhưng không thực thi được. “Ở các nước phát triển không có chuyện như vậy xảy ra”, GS Yên nói.
Vị GS chuyên nghiên cứu về các loài cá và thủy sản này khẳng định, về lâu dài cần phải bảo vệ các tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ tốt chừng nào thì giá trị tài nguyên cao chừng đó.
"Trước đây chúng ta còn nghèo, đời sống nhân dân còn thấp, nói rằng, chúng ta không thể làm việc bảo vệ tài nguyên được thì đành phải chịu. Nhưng hiện giờ đời sống đã cao hơn, văn minh hơn, việc bảo vệ tài nguyên đáng lẽ phải làm được mà không làm thì đáng lên án", GS Yên cho hay.
GS Yên cũng đề xuất một biện pháp ông cho là khả thi để bảo vệ các loài cá quý hiếm hiện đang bị săn bắt ráo riết hiện nay như những đặc sản là trả tiền cho những người dân đánh được những loài cá này để họ bắt được thì thả xuống sông đồng thời tuyên truyền cho họ về sự quý hiếm cần phải bảo vệ đối với những loài này. GS Yên cho rằng, đây cũng là cách làm của nhiều quốc gia trên thế giới.
"Xã hội chúng ta đang phát triển, việc bảo tồn các loài sinh vật là đương nhiên. Những loài cá lớn, quý hiếm khi bắt được thì phải trả lại tự nhiên chứ không thể bắt lên ăn. Nhưng khi người ta bắt được rồi mà muốn thả xuống thì ai chịu phí tổn ấy? Phạt người dân ăn hay bán cá ấy thì không phạt được rồi", GS Yên nói.