Trao đổi với Trangtraiviet.vn, ông Lường Văn Cương – Chủ tịch UBND xã Chiềng Sàng, cho biết: Khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Cụ thể là năm 2012, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã mới chỉ đạt 11 triệu đồng/người/năm.
"Sở dĩ, thu nhập của người dân trong xã khi đó đạt thấp như vậy là do tập quán sản xuất của bà con còn lạc hậu. Người dân chưa biết áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất nên năng suất, sản lượng cây trồng không cao. Đặc biệt là thời điểm đó, người dân các bản trong xã chưa chú ý đến những giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, mà chỉ biết đến cây lúa, cây ngô" – ông Cương thông tin.
Để giải bài toán về thu nhập, xã Chiềng Sàng đã tập trung chỉ đạo người dân chuyển đổi cơ cấu cấu cây trồng, mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật vào sản xuất thâm canh, tăng vụ. Qua công tác tuyên truyền, vận động, nhận thức của người dân các bản trong xã được nâng lên. Nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng ngô kém hiệu quả sang trồng mía. Diện tích trồng mía trên địa bàn xã cũng từ đó mà ngày một tăng lên, bởi cây mía đã chiếm được "cảm tình" của người dân. Đến nay, toàn xã đã có hơn 430ha mía.
Nhờ trồng mía mà đời sống, thu nhập của người dân trong xã đã được cải thiện rõ rệt. Không ít hộ dân thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm cũng nhờ trồng mía bán cho Công ty CP Mía đường Sơn La.
Trò chuyện với chúng tôi, chị Đặng Thị Quân, bản Chiềng Kim, xã Chiềng Sàng, vui vẻ cho biết: "Năm 2015, thấy nhiều hộ dân trong bản, trong xã có thu nhập cao từ trồng mía, tôi đã bàn với chồng mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích trồng ngô trước đây sang trồng mía. Với hơn 1,3ha mía, mỗi năm gia đình tôi cũng thu gần 100 triệu đồng từ bán cây mía tươi cho Công ty CP Mía đường Sơn La. Trồng mía cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng ngô. Nếu cứ quanh quẩn mãi với cây lúa, cây ngô thì chả biết đến khi nào mới thoát nghèo".
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng trên đất dốc của tỉnh, xã đã vận động người dân các bản đưa cây ăn quả vào trồng thay thế cây ngô, cây sắn trước đây. Hiện nay toàn xã đã có 175 ha xoài. Nhiều hộ dân không những thoát nghèo mà còn từng bước vươn lên làm giàu nhờ trồng xoài.
Cũng theo ông Cương, ngoài chuyển đổi cơ cấu cây trồng, người dân trong xã còn tích cực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Đàn trâu, bò trên địa bàn xã cũng nhờ đó mà không ngừng tăng lên. Một trong những bước tiến trong sản xuất nông nghiệp của xã Chiềng Sàng, đó là làm thêm vụ 3. Mấy năm gần đây, người dân trong xã đã quen với với việc sản xuất vụ 3, đó là vụ đông. Sau khi thu hoạch xong lúa mùa, nhiều hộ dân đã đưa cây rau màu các loại vào trồng, góp phần tăng thêm thu nhập cho gia đình.
Nhờ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất thâm canh, tăng vụ, thu nhập của người dân trong xã không ngừng tăng lên, đến nay đạt hơn 32 triệu đồng/người/năm. Thu nhập tăng, người dân các bản có điều kiện chỉnh trang lại nhà cửa, đóng góp xây dựng NTM. Cấp ủy, chính quyền và người dân trong xã đang nỗ lực thực hiện nốt các chỉ tiêu còn lại để cán đích NTM vào cuối năm 2019.