Mường La là một trong 62 huyện nghèo, địa bàn rộng, địa hình nhiều núi đá, đất dốc, sản xuất, thu nhập và đời sống nhân dân khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Toàn huyện có 16 xã, thị trấn, trong đó có 9 xã thuộc diện xã đặc biệt khó khăn. Đó là những khăn trở ngại trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM của huyện. Song với sự quyết tâm tạo ra đột phá trong xây dựng NTM, Mường La đã tập trung nghiên cứu, tìm hướng đi phù hợp, đề ra các giải pháp cụ thể, cách làm linh hoạt theo từng lĩnh vực. Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực, nâng cao vai trò chủ thể của người dân.
Ngay khi bắt tay vào thực hiện để người dân hiểu mục đích, ý nghĩa của phong trào, cấp ủy, chính quyền huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân các xã, bản. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân các dân tộc tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, cho biết: Xác định xây dựng NTM là quá trình lâu dài và liên tục, là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Trong đó cấp ủy đảng, chính quyền đóng vai trò lãnh đạo, các đoàn thể là lực lượng nòng cốt, còn người dân là chủ thể trong quá trình thực hiện. Với nhiệm vụ đó, huyện thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng NTM. Nội dung tuyên truyền được đa dạng bằng các hình thức, như: Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; sinh hoạt đoàn thể, cụm dân cư; tổ chức mở các cuộc thi, hội thi tìm hiểu để nâng cao hiểu biết của cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia phong trào xây dựng NTM tại địa phương. Đồng thời, nêu gương kịp thời những tập thể, cá nhân điển hình, người tốt, việc tốt trong phong trào, khắc phục tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước của nhân dân.
Ban chỉ đạo xây dựng NTM của huyện đã triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên, đồng thời tập trung bám sát cơ sở, theo dõi, nắm bắt tiến độ triển khai trên địa bàn các xã, từ đó phát hiện những hạn chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc. Lựa chọn các tiêu chí phù hợp với từng địa phương “dễ làm trước, khó làm sau” để tổ chức thực hiện hiệu quả. Bên cạnh đó, huyện còn chỉ đạo các xã rà soát nâng cao chất lượng các quy hoạch, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch đã được phê duyệt cho phù hợp với điềụ kiện thực tế. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và địa phương cùng với sự đóng góp của nhân dân, ưu tiên đầu tư xây dựng NTM tại các xã theo hướng có hiệu quả.
Phát động phong trào thi đua “chung sức xây dựng NTM” tổ chức ký giao ước thi đua giữa huyện với các xã, giữa xã với các bản... Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Đoàn thành niên… tham gia hưởng ứng cuộc vận động “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng NTM” và hưởng ứng cuộc thi đua “cả nước chung tay xây dựng NTM” và "toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh"… Nhờ đó, cuộc vận động đã tạo thành phong trào phát triển mạnh mẽ ở hầu hết các xã, bản được người dân tin tưởng, ủng hộ.
Nhờ chuyển đổi cơ cấu cấy trồng, thay thế cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân.
Trong sản xuất, trên cơ sở tiềm năng thế mạnh của các cơ sở, huyện đã lựa chọn các mô hình sản xuất phù hợp, ưu tiên phát triển các mô hình trồng trọt, chăn nuôi và nuôi thủy sản có hiệu quả, có khả năng nhân rộng để vận động người dân tham gia. Vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, thay thế những cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, phối hợp với các ngành chuyên môn làm tốt công tác khuyến nông, mở các lớp tập huấn hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Bằng nhiều giải pháp, cách làm phù hợp, phong trào xây dựng NTM ở Mường La những năm qua đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, bê tông hóa 178 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài gần 170 km; xây mới 179 công trình cấp nước, nâng tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 83%; kiên cố hóa 115 km kênh mương; tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia đạt 93%. Đời sống văn hóa của người dân nông thôn được nâng cao. Đến nay, 45% số bản, tiểu khu và 60% số gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa…
Từ phong trào xây dựng nông thôn mới, kết cấu hạ tầng được xây dựng khang trang, đời sống vật chất tinh thần của người dân ngày càng được nâng lên.
Với cách làm sáng tạo và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính, sự thống nhất, đồng lòng của nhân dân, đã góp phần đẩy nhanh quá trình xây dựng NTM trên địa bàn huyện. Từ một huyện nghèo gặp nhiều khó khăn trong xây dựng NTM, đến nay Mường La đã có 2 xã đạt chuẩn NTM. Diện mạo NTM có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, đời sống vật chất, tinh thần nhân dân các dân tộc được nâng lên, hạ tầng kinh tế xã hội, môi trường được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, vững mạnh, an ninh trật tự trên địa bàn ổn định.