dd/mm/yyyy

Chỉ... 1% doanh nghiệp đầu tư cho "trụ cột" của nền kinh tế

“Doanh nghiệp (DN) rất quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nhưng đáng tiếc là hiện chỉ có khoảng 1% DN bỏ tiền của, công sức của mình đầu tư vào đây. Chúng ta chưa tạo được sức hút cũng như đòn bẩy để DN đầu tư vào lĩnh vực được coi là “trụ cột” của nền kinh tế này”

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - ông Vũ Tiến Lộc đã bày tỏ với phóng viên Trang Trại Việt.

Ông Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (ảnh T.L)

Lĩnh vực nông nghiệp hiện chiếm tới 20% GDP, nhưng tại sao chỉ có khoảng 1% số DN đầu tư vào khu vực này, thưa ông?


Có rất nhiều nguyên nhân, song tôi cho nguyên nhân chính là do lĩnh vực nông nghiệp của Việt Nam vẫn chưa thực sự được đầu tư thỏa đáng.


Chỉ dẫn chứng câu chuyện của các DN Nhật Bản đến Việt Nam tìm hiểu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Các nhà xúc tiến đầu tư của ta hết sức hô hào họ đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, nhưng khi họ hỏi đầu tư lĩnh vực nào, cụ thể chính sách ra sao thì chúng ta bế tắc, không trả lời được.


Việc số DN đầu tư vào nông nghiệp ít, quy mô quá nhỏ bé là vấn đề nan giải của nền kinh tế Việt Nam sau mấy chục năm phát triển. Sự phát triển DN trong lĩnh vực nông nghiệp kém hơn hẳn sự phát triển của DN trong các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Nông nghiệp được xem là quan trọng nhưng đến nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức.


Vậy ông có cho rằng, việc thiếu vắng DN là thiệt thòi cho khu vực nông thôn và với nông nghiệp?


Đúng là như vậy. Đã đến lúc chúng ta phải xóa bỏ rào cản để thu hút DN về với nông thôn vì hiện nay khởi nghiệp ở khu vực này khó hơn nhiều so với các ngành công nghiệp, dịch vụ. DN muốn đầu tư vào nông thôn khó hơn bội lần so với ở đô thị. Cứ nhìn vào những khoảng cách về cơ sở hạ tầng giữa khu vực nông thôn với thành thị, công nghiệp với nông nghiệp sẽ thấy vì sao nông nghiệp khó thu hút đầu tư. Tiếp đến là chính sách hỗ trợ đất đai và các ưu đãi cho DN theo quy định vừa yếu, vừa thiếu…

Nhiều doanh nghiệp lớn đang quan tâm vào lĩnh vực nông nghiệp (ảnh TL)

Tôi ví dụ, sản phẩm thực phẩm trong nông nghiệp hiện có tới 3 cơ quan quản lý làm cho lưu thông ra thị trường phức tạp, tốn kém. Chính khung pháp lý cồng kềnh này làm nản lòng DN đầu tư chế biến nông sản. Hay câu chuyện về quả vải Thanh Hà được một tổ chức của Đức hỗ trợ làm thương hiệu, nhưng sau gần 10 năm (đến năm 2015) mới được cấp chứng nhận để xuất khẩu vào Mỹ, cho thấy sự thiếu thông tin, quá khó khăn mới có thể phát triển được một sản phẩm nông nghiệp. Phải có các giải pháp, chính sách thuận lợi để nông sản Việt Nam sớm vươn lên.


Tôi khẳng định tái cấu trúc nền kinh tế hiện nay vẫn hy vọng đột phá từ nông nghiệp. Và nông nghiệp không thể thiếu DN. DN phải đóng vai trò động lực để phát triển khu vực này, chứ không phải là “khoán hộ từ người nông dân”.


Thời gian qua, các “đại gia” Việt Nam đã thức tỉnh đầu tư vào nông nghiệp, cho thấy lợi thế, lợi ích và lợi nhuận cao của nông nghiệp. Tuy nhiên, vẫn là chưa đủ mà chúng ta cần phải có những chính sách đúng đắn để thu hút được DN đầu tư vào đây, thưa ông?


Tôi cho rằng, đừng để các DN than phiền họ không được miễn thuế cho dù áp dụng công nghệ cao để trồng hoa, chiết xuất collagen từ sụn cá tra. Hay có DN làm nước chanh leo tại Nghệ An phải bỏ chi phí (trong 3 năm) vận chuyển nguyên liệu từ Tây Nguyên về Nghệ An mà đủ để xây dựng một nhà máy mới. DN đầu tư vào nông nghiệp tới đây phải gắn được với quản trị hiện đại, công nghệ cao, gắn với giá trị toàn cầu. Muốn vậy, chính sách phải thiết thực cho nó…


Thực tế hiện nay vẫn còn nhiều DN bày tỏ bức xúc về việc họ bị gây khó dễ với đủ thứ giấy phép, đủ kiểu phạt khi vào làm ăn ở khu vực này. Nếu chúng ta không quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, xóa bỏ rào cản cản trở việc làm ăn của DN thì những khu vực yếu thế như nông thôn sẽ không có DN nào “ra hồn” và các chính sách hỗ trợ, thu hút đầu tư của Nhà nước đối với khu vực này sẽ chỉ như “muối bỏ biển”…

Những doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao nhưng vẫn chưa được hưởng chính sách ưu đãi. (Trong ảnh: Trang trại trồng hoa công nghệ cao tại Đà Lạt) (ảnh TL)

Tôi xin nhắc lại, tinh thần của Thủ tướng trong các thông điệp đầu năm mới đều chỉ rõ về “nhà nước kiến tạo” là trong cải cách thủ tục hành chính, các cơ quan nhà nước phải ngồi lại với nhau để tạo thuận lợi cho DN, DN đầu tư vào nông nghiệp thì còn cần phải tạo thuận lợi hơn…


Ai cũng biết, kinh doanh ở nông thôn rất khó khăn nên Chính phủ đã phải ban hành không ít các cơ chế chính sách ưu đãi thuận lợi để thu hút DN đầu tư vào đây. Vậy tại sao các cơ chế chính sách đến nay vẫn chưa thấm được vào DN? Phải chăng có quá nhiều rào cản, quy định cản trở DN tiếp cận đầy đủ các chính sách của Chính phủ, thưa ông?


Với DN đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tuy có lợi nhuận ít, nhưng lại có ý nghĩa xã hội rất lớn vì giải quyết việc làm cho nhiều lao động ở nông thôn. Bởi vậy, cùng với nỗ lực đưa ra chính sách ưu đãi DN, các cấp chính quyền cần đặc biệt quan tâm chỉ đạo quyết liệt trong quá trình triển khai các chính sách, để kịp thời gỡ khó cho DN. Đã đến lúc các bộ, ngành, địa phương phải tập trung rà soát, xây dựng cơ chế, chính sách cần thiết theo hướng kinh tế thị trường, cạnh tranh, công khai, minh bạch, thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và DN…

Phần lớn các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông thủy sản đều có quy mô nhỏ lại luôn phải đối mặt với khó khăn do chưa có cơ chế hỗ trợ hiệu quả. (ảnh TL)


Bên cạnh đó, sản xuất kinh doanh nông nghiệp phải chịu nhiều rủi ro do điều kiện tự nhiên không thuận lợi, sức mua và thị trường tiêu thụ suy giảm. Các DN trong lĩnh vực này còn gặp nhiều khó khăn trong thu hút vốn đầu tư so với các lĩnh vực khác. Trên 90% các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng. Do quy mô vốn nhỏ, nên nhiều DN gặp khó khăn trong việc mở rộng sản xuất, chưa kể quy định nọ, luật lệ kia cũng cản trở họ rất lớn. Môi trường kinh doanh ở nông thôn hiện nay vì thế đang có rất nhiều vấn đề mà nhắc đến DN đã ngại đầu tư.


Tôi cho rằng, để hút đầu tư vào nông nghiệp, ít nhất trước mắt chúng ta cần có cơ chế hợp lý như giảm thuế cho DN nông nghiệp, cấp bù lãi suất vay ngân hàng ở cả cấp trung ương và địa phương. Đặc biệt, cần bỏ ngay tư duy xin – cho vẫn còn đâu đó trong các chính sách về nông nghiệp, nông thôn…

Xin cảm ơn ông!

Thời gian gần đây các DN, tập đoàn kinh tế đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tăng lên đáng kể, đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng của ngành. Số lượng DN đầu tư vào nông nghiệp tăng từ 2.397 DN năm 2007 lên 3.640 DN năm 2015; 9 tháng đầu năm 2016 có tới 4.080 DN đầu tư vào nông nghiệp nông thôn. Đã có nhiều nhà đầu tư thành công và trở thành những đầu tàu về ứng dụng khoa học công nghệ cao, phát triển thị trường, tạo động lực phát triển cho nhiều vùng, địa phương và nhiều lĩnh vực”
Số liệu thống kê cho thấy, trong 9 tháng qua cả nước có khoảng 9.100 DN mới thành lập, trong đó lĩnh vực nông nghiệp có 1.342 DN. Qua đó, nâng tổng số DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đến nay là 4.080 DN. Vốn DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp mới chiếm khoảng 6% trên tổng vốn đầu tư của cả nền kinh tế. Tỷ trọng DN đầu tư vào nông nghiệp chiếm dưới 1% trong tổng số DN của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ, số DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm 55%. DN đầu tư chủ yếu dựa vào việc khai thác nguồn lực tài nguyên (đất đai, nước), chưa quan tâm đầu tư một cách căn cơ, ứng dụng khoa học công nghệ, hoặc đầu tư thiết bị hiện đại, chế biến sâu để tăng giá trị gia tăng.
Mai Hương