Bỏ phố về quê chăn nuôi vịt
Nghe tiếng, nhưng tôi phải mấy lần hẹn mới gặp được Giáp ở làng cát Tân Mạch quê anh vào bữa đầu chớm hạ này. Dáng cao, gầy, đen, giọng nằng nặng hài hài đặc trưng chả lẫn vào đâu được của người dân miệt biển bãi ngang Vĩnh Thái, Giáp cười: “Em quá mắc việc đi cân heo rừng, heo bản cho mối kịp lấy. Lúc nãy anh điện, em đang phụ vợ bắt con heo rừng bị sổng trên đường chở tới giao cho khách hàng nên không nghe máy được!”.
Trang trại gắn dòng chữ “Trang trại sinh thái Giáp Quảng Trị cung cấp giống, thịt lợn rừng, heo bản, dê”. Câu chuyện thi thoảng đứt nối bởi ông chủ Giáp phải tranh thủ “xử lý một số vụn vặt bầy yêu heo-vịt -gà…đang đồng thanh lên tiếng”. Giáp là con độc đinh của ông Nguyễn Hữu Nại bệnh binh bộ đội năm 1972, và mẹ là Trần Thị Thương cô giáo mầm non về hưu năm 2015. Cha mẹ lấy nhau chục năm mới có được mỗi Giáp đây.
Tốt nghiệp trung học phổ thông, năm 2008, Giáp trúng tuyển vào khoa Kiến trúc Đại học Kiến trúc TPHCM. “Vào trường học đến năm 2010, em lấy vợ, vợ em Nguyễn Thị Loan, sinh viên Cao đẳng Kinh tế TPHCM, quê gốc Can Lộc, Hà Tĩnh nhưng bố mẹ vào lập nghiệp ở Bình Phước lâu rồi. Cưới nhau xong, học tiếp. Tốt nghiệp ra trường năm 2012 mới tính chuyện sinh con. Em giờ đã có 2 con gái, cháu lớn 5 tuổi rưỡi cháu sau 4 tuổi, vợ thì về làm cấp dưỡng trường Mầm non xã Vĩnh Thái nơi mẹ em công tác trước đây, kiêm chân trợ lý trang trại cho em lúc rỗi việc”, Giáp kể. Tốt nghiệp ra trường, dẫu có được việc làm ổn định tại TP.HCM, song ngay từ những năm tháng học đại học và làm việc, Giáp là một người năng nổ, tham gia rất nhiều hoạt động xã hội. Anh nhận thấy thực phẩm bẩn đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội nên nảy ra ý định làm nông trại cung cấp thực phẩm sạch.
Năm 2015, đôi vợ chồng trẻ Giáp, Loan quyết định bồng bế 2 con thơ rời thành phố lớn về quê chài nhỏ Tân Mạch thì đến cuối tháng 4.2016, sự cố ô nhiễm môi trường biển như một trận cuồng phong ập đến 4 tỉnh ven biển miền Trung, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, trong đó có làng biển bãi ngang Tân Mạch của Giáp. Thời điểm “biển chết” ấy, chàng lãng tử Giáp nảy ra sáng kiến lạ lùng là chăn nuôi gia súc, gia cầm trên... cát. Ý tưởng của Giáp đụng nhiều ý kiến trái chiều từ bà con chòm xóm lẫn cha mẹ.
Vốn là sinh viên quanh năm đèn sách, ra trường với tấm bằng kiến trúc sư, thế nhưng nghĩ là làm, anh bắt tay vào dựng một “trang trại” chăn nuôi dê và lợn rừng ngay trên một doi cát gần nhà.Với một “kỹ sư tay ngang” như Giáp bỗng dưng “cao hứng” nuôi-trồng là việc chả dễ dàng.
"Phiêu" cùng vịt biển, lợn rừng
“Ý định mở trang trại là một chuyện, thực hiện nó lại là một chuyện khác. Những ngày đầu về quê, em cực khó khăn bởi khí hậu vùng biển nơi em sinh sống không phù hợp cho chăn nuôi, đất đai lại bị hoang hóa không thể trồng bất cứ loại cây nào. Song những khó khăn đó không ngăn cản được ý chí của em”, Giáp bảo.
Song được sự tư vấn của Huyện Đoàn Vĩnh Linh cùng sự năng động, sáng tạo của tuổi trẻ, Giáp nảy ra ý định làm liên kết với một số hộ nông dân theo mô hình hợp tác xã. Cùng với đó, qua tìm hiểu, anh được biết giống lợn rừng đang rất chuộng trên thị trường bởi chất lượng thịt tốt, độ dinh dưỡng cao, lại rất được giá nên anh quyết định nhập giống lợn này về nuôi. Lần đầu, Giáp nhờ cha mẹ vay vốn rồi đầu tư gần 200 triệu đồng mua 45 con lợn rừng gốc từ Đăk Lăk về nuôi. “Phi vụ mở màn trận đầu” ấy lỗ nặng do bệnh tật và khí hậu không phù hợp nên đàn lợn của anh quay đơ hàng loạt. Không nản chí, Giáp tiếp tục tham khảo những trang trại khác, sách báo và các phương tiện thông tin để cải thiện tình hình. Và sau gần nửa năm kiên trì, cuối cùng đàn lợn của Giáp đã thuần giống, thích nghi được với điều kiện khí hậu khô hạn nơi quê biển của anh.
Với mong muốn phát triển mô hình trang trại với nhiều giống nuôi lạ nên Giáp nhập thêm 2.000 kỳ nhông, 200 ngan, ngỗng. Kỳ nhông là loài bò sát sống trên đất cát ven biển rất phù hợp với ven biển miền Trung, nuôi nó lại rất dễ không tốn sức lực và thời gian chăm sóc.
Kỹ thuật chuồng trại hết sức đơn giản, loài này hầu như không dịch bệnh, nguồn thức ăn dồi dào dễ kiếm hơn các loại vật nuôi khác mà thu nhập rất lớn, mỗi kg bán tại chuồng cho thương lái là 400.000 đồng. Sau nhiều bài học và kinh nghiệm khi nuôi các loại giống Giáp vẫn mong muốn học hỏi và trải nghiệm các loại giống mới nên gần đây quyết định nhập về 100 con nhím, đồng thời nuôi thêm vịt trời, vịt biển, dê…
Giáp bảo, sức đề kháng của vịt biển tốt. Chúng có thể uống được nước mặn, ăn được đồ đạm là cá tươi, các phế phẩm hải sản ở vùng biển, các tạp chất trong nước biển… mà chả bị đau bụng như vịt thường. Loài vịt này chỉ nuôi trong 8 tuần là có thể xuất bán với cân nặng trên dưới 2,7 kg/con, giá bán khoảng 45.000 đồng/kg. Ngay lứa nuôi đầu tiên với 1.000 con vịt biển, Giáp lãi 30 triệu đồng và đang nâng đàn lên 5.000 con.
Hiện mô hình trang trại tổng hợp của anh Giáp cho doanh thu 3 tỉ đồng/năm, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng. Đến nay trang trại của Giáp có trên 4 ha, trong đó, diện tích nuôi lợn là 2 ha, dê 1 ha, còn lại là nuôi nhím, gà đá và trồng cây ăn quả. Đây cũng là mô hình chuyển đổi sinh kế đầu tiên ở tỉnh Quảng Trị, sau sự cố môi trường biển. Sau khi mở trang trại có nhiều thanh niên cũng như một số cá nhân, tập thể đến tham quan, học hỏi.
Ở Quảng Trị mới xuất hiện một thương hiệu mới HTX GIÁP LỢN RỪNG QUẢNG TRỊ. “HTX do em thành lập với 10 thành viên là chủ trang trại đóng ở 3 huyện Triệu Phong, Gio Linh, Vĩnh Linh. HTX bao trọn cung lẫn cầu, từ cung cấp nguồn giống đến bao tiêu toàn bộ sản phẩm đầu ra”, Giáp hào hứng. Giáp còn bảo, em ước muốn làm một khu du lịch sinh thái, mở các quán ăn nhà hàng, trồng dừa xiêm lùn, nuôi thả nhiều giống vật lạ với quy mô lớn hơn để thu hút khách du lịch đến với vùng biển bãi ngang quê em, giải quyết việc làm cho thanh niên địa phương…
Tại trụ sở UBND Vĩnh Thái, lúc tôi “cật vấn” mô hình phát triển kinh tế của Giáp, Chủ tịch xã Ngô Thế Thân vui ra mặt: “Hộ anh Giáp là một đoàn viên thanh niên đang trẻ song anh cũng có tính táo bạo dám nghĩ, dám làm. Trong lĩnh vực của anh, đã kết hợp mô hình chăn nuôi tổng hợp. Mô hình nuôi vịt biển đầu tiên của anh Giáp rất thành công”.
Không chỉ là một thanh niên sáng tạo, có ý chí, Giáp còn là một người năng nổ trong các công tác xã hội. Hiện anh là Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên xã biển Vĩnh Thái kiêm Bí thư Chi đoàn thôn Tân Mạch.
Năm 2017, Nguyễn Hữu Giáp được vinh danh là Công dân tiêu biểu huyện Vĩnh Linh, nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh về thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động góp phần xây dựng quê hương.
Giải thưởng Lương Định Của lần thứ VII, năm 2017 do T.Ư Đoàn tổ chức vinh danh 86 thanh niên tiêu biểu trên toàn quốc, Giáp là đại biểu duy nhất của tuổi trẻ Quảng Trị vinh dự nhận giải thưởng này.