dd/mm/yyyy

Chàng 8x thành tỷ phú nhờ giống hồng leo cổ Hải Phòng

Đất An Dương (TP.Hải Phòng) rất phù hợp với việc trồng hoa. Bởi thế cây hoa đã là sản phẩm nông nghiệp chính của nông dân nhiều xã, đem lại thu nhập cao cho người dân, tạo cơ hội cho nhiều hộ vươn lên làm giàu.

Yêu cây hoa hồng lắm gai

Anh Phạm Viết Toản (1981) thôn Kiều Trung, xã Hồng Thái, huyện An Dương không phải là người đầu tiên trồng hoa hồng cổ trong làng, nhưng lại là người đầu tiên thành công, thu nhập cả tỉ đồng mỗi năm nhờ sự sáng tạo trong công việc và cách tiếp cận thị trường bằng công nghệ thông tin.

Anh Phạm Viết Toản bên vườn hoa hồng leo cổ.
Anh Phạm Viết Toản bên vườn hoa hồng leo cổ.

Sinh ra tại vùng quê Tiên Lãng nghèo khó, tốt nghiệp đại học ra trường, anh Toản cũng làm khá nhiều công việc có thu nhập ổn định. Công thêm bản tính chịu khó, yêu công việc nhà nông, về đến nhà là Toản lại bắt tay vào công việc nuôi lợn, gà, trồng hoa đào để tăng thêm thu nhập.

Năm 2009, anh lấy vợ làng Kiều Trung rồi lập nghiệp luôn tại đây. Trong một lần tình cờ sang nhà ông chú vợ, thấy vườn nhà ông trồng khá nhiều hoa hồng, anh Toản tò mò tìm hiểu và biết trên thị trường nhiều người cũng đang thích chơi hoa hồng cổ nên bắt đầu nghiên cứu và quyết định chuyển hướng sang trồng hoa hồng.

Lúc đầu anh chưa có kinh nghiệm nên trồng tràn lan các loại giống khác nhau. Sau phát hiện thấy giống hoa hồng leo cổ ở Hải Phòng là thứ hoa có nguồn gốc từ nước Pháp qua nhiều năm nên anh chuyển hướng phát triển giống hồng cổ Hải Phòng.

Đầu năm 2017 anh bắt tay vào trồng hoa hồng vẻn vẹn trên 2 sào trên diện tích trồng đào cũ. Nhưng chỉ sau 6 tháng, từ những cành hồng mong manh chỉ cao hơn 20 cm, anh Toàn đã gây dựng thành công vườn hồng hơn 1.000 cây.

Đầu tư chiến lược bán hàng mới

Anh Toản tìm tòi và nghiên cứu thị trường tiêu thụ cho sản phẩm bằng nhiều cách khác nhau. Nhưng cách mà anh cho là hiệu quả nhất là sử dụng Facebook và Zalo. Để kết nối những người quan tâm đến thú chơi hoa hồng cổ anh đã lập ra một trang “Hội yêu thích Hồng leo cổ Hải Phòng”, trong thời gian ngắn đã thu hút được trên 4.000 thành viên quan tâm và số lượng người tham gia đang tăng từng ngày.

Trong vườn, anh lắp một hệ thống camera theo dõi. Ngoài chức năng giám sát an ninh, hệ thống camera sẽ gia tăng niềm tin của khách hàng về một vườn hồng cổ có thật.

Cũng nhờ chiến lược tiếp cận khách hàng theo hướng trên anh Toản đã kiếm được một số hợp đồng cung cấp cây giống với số lượng lớn. Đặc biệt năm vừa qua anh ký hợp đồng cung cấp giống ươm trong 1 năm cho Công ty Cổ phần đầu tư phát triển hoa hồng Việt Nam.

Với giá bán 25.000/cành giống, trong một tháng anh Toản cung cấp ra thị trường trên 3.000 cành chiết, thu về khoảng 50- 60 triệu đồng. Hiện, anh Toản tiếp tục nhân rộng diện tích trồng giống hoa hồng leo cổ Hải Phòng lên 7 sào.

Thời điểm hiện tại, huyện An Dương có 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Toàn huyện đạt bình quân 18,13 tiêu chí/ xã. Giá trị sản xuất nông - lâm và thủy sản ước đạt 544,6 tỉ đồng. Phấn đấu đến cuối 2018, 100% số xã trong huyện đạt chuẩn nông thôn mới, hoàn thành mục tiêu về đích xây dựng huyện NTM.

Ông Bùi Xuân Khải, Chủ tịch Hội Nông dân huyện An Dương cho biết: “Mô hình làm kinh tế của anh Toản là một trong những mô hình khá hiệu quả. Ở huyện An Dương nhiều gia đình giàu lên chủ yếu là từ trồng cây hoa đào. Việc anh Toản ươm và cung cấp giống hồng leo cổ cho thị trường đã mở ra một hướng mới cho nhiều người làm nghề trong huyện”.

Bài, ảnh: Thu Thủy