Điều đáng lo là trước hiện tượng thương lái thu gom các loại nông sản theo kiểu mua với giá cao ngất ngưởng hay thu mua cả những loại ít ai ngờ tới trong khi bà con không hiểu thương lái mua để làm gì.
Ông Đinh Đức Thiệu (xã Tân Lộc, huyện Thới Bình) cho biết, ông làm nghề thu mua trái nhàu đã gần 10 năm nay, nhưng chưa bao giờ nghe thấy ai mua lá nhàu để làm gì. “Trước cũng có người đến đặt hàng tôi thu mua lá nhàu tươi, sau đó phơi khô đem lên TP.HCM bán với giá từ 120.000 - 150.000 đồng/kg. Thấy nhiều điểm bất thường và ảnh hưởng lớn đến lợi ích kinh tế của người dân, tôi không đồng ý thu gom cho họ”.
Ông Thiệu cho biết, hiện lá nhàu tươi được người khác mua với giá 4.000 đồng/kg. Vì lợi nhuận trước mắt, nhiều người đã hái lá tươi bán.
Ông Dũng thu mua cá lìm kìm gai theo đặt cọc của nhiều thương lái. ảnh tư liệu
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Toàn - Chủ tịch UBND xã Tân Lộc cho biết, trên địa bàn xã có 8 đại lý thu mua trái nhàu, trong đó có 1 địa chỉ nhận mua lá nhàu. Xã đã trao đổi với các đại lý, đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến kinh tế, khuyến cáo không nên thu mua lá nhàu.
“Trước tình hình này, xã tham mưu Phòng NN&PTNT huyện có định hướng tuyên truyền, khuyến cáo rộng rãi người dân cần cảnh giác” - ông Toàn chia sẻ.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, qua rà soát, trên địa bàn tỉnh có khoảng 61 cơ sở mua trái nhàu tươi. UBND tỉnh này cũng cho biết, phần lớn trái và lá nhàu sau khi phơi khô, các cơ sở mua trên địa bàn tỉnh bán cho một doanh nghiệp chế biến thực phẩm trên địa bàn tỉnh Long An và một doanh nghiệp sản xuất thuốc đông dược tại TP.HCM.
Liên quan đến tình trạng một số người ngày đêm săn lùng mua cá lìm kìm gai với giá cao ngất ngưởng, trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dũng (ngụ ấp Quyền Thiện, xã Biển Bạch Đông, huyện Thới Bình, Cà Mau) kể: “Một số người đến nhà đề nghị mua cá lìm kìm gai với giá từ 750.000 – 800.000 đồng/kg cá tươi, từ 3-4 triệu/kg cá khô. Họ đặt cọc trước, khoảng 2 ngày thì đến thu gom và đặt cọc tiếp”. Khi hỏi mục đích thu mua loài cá lìm kìm gai dùng để làm gì, các thương lái không nói…
Gần đây nhất, nhiều nông dân trên địa bàn xã Đại Hòa Lộc, huyện Bình Đại (Bến Tre) xôn xao bàn tán việc thương lái thu mua lúa non (mới trổ đồng) với giá cao. Nhiều nông dân còn truyền tai nhau, họ thu mua lúa non để làm thuốc nam (?)
Trước tình hình này, các địa phương đã có cảnh báo về việc quản lý chặt tình trạng thu mua nông sản “lạ” từ các thương lái, nhất là thương lái đến từ nước ngoài, tránh để lợi dụng gây bất ổn… Việc mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản là hoạt động kinh tế bình thường và pháp luật không cấm. Nhưng theo các nhà quản lý, để tránh rủi ro, người dân nên cân nhắc lợi hại về lâu dài.
Ngành chức năng cũng khuyến cáo, bà con nông dân nên cảnh giác, khi mua bán nông sản với thương lái nước ngoài nên có hợp đồng hoặc có biện pháp ràng buộc để luôn nắm "phần cán" trong mọi giao dịch.
Tuy nhiên, với hàng loạt vụ việc xảy ra trong nhiều năm qua, thực tế là người nông dân vẫn thiếu thông tin thị trường nên còn chạy theo phong trào và nhiều khả năng sẽ tiếp tục sập bẫy. Vì vậy, với việc thu mua các loại nông sản lạ của thương lái Trung Quốc, bà con nông dân cần hết sức cảnh giác.